Kinh nghiệm: Kỹ sư môi trường trong các nhà máy có vốn FDI


Kinh nghiệm: Kỹ sư môi trường trong các nhà máy có vốn FDI

Part 1

Công việc luôn là chủ đề nóng đối với các bạn sắp ra trường và cả với các kỹ sư trẻ đã có việc làm nhưng muốn tìm kiếm cơ hội thăng tiến. Lĩnh vực môi trường lại khá hẹp, không có nhiều lựa chọn như cơ khí, xây dựng, kinh tế, chứng khoán…. W post bài này với mục đích chia sẻ một số kinh nghiệm giúp các chuyên gia môi trường tương lai (kỹ sư/cử nhân – sau đây gọi chung là kỹ sư nhé) có thêm thông tin về một loại công việc đang được coi là hot hiện nay: Kỹ sư môi trường trong các nhà máy nước ngoài ở VN.
Các tổ chức/công ty nước ngoài nào cần đến kỹ sư môi trường?:
Các tổ chức/công ty có hoạt động trong lĩnh vực môi trường hoặc liên quan đến môi trường như EBARA (Nhật – cấp/thoát/xử lý nước), NIPON Kioei (thiết kế cơ sở hạ tầng), JICA (Nhật – hỗ trợ kỹ thuật/nghiên cứu dự án…), GTZ (Đức - hỗ trợ kỹ thuật/nghiên cứu dự án…), UNDP, một số tổ chức phi chính phủ khác… cần các kỹ sư môi trường, nhưng thường đòi hỏi cao về kinh nghiệm/năng lực và trả lương cũng cao hoặc rất cao (500 – 2000 USD/tháng). Tuy nhiên các bạn mới ra trường thường phải rất xuất sắc mới có cơ hội. Lưu ý là xuất sắc không hẳn là bảng điểm đẹp đâu nhé mà là kiến thức thực của bạn & các kỹ năng mềm (soft skills) như phân tích, lập kế hoạch, ngoại ngữ, presentaion…, đặc biệt ưu tiên người đã học ở nước ngoài. Nói chung ít có cơ hội cho các bạn mới ra trường. Có lẽ món này để sau vài năm nữa đã nhỉ.
Các nhà máy sản xuất/lắp ráp như Canon, Intel, Brother, Nissei, Toyota, Honda, LG, Ford….là nơi có nhu cầu nhiều nhất đối với các kỹ sư môi trường. Topic này sẽ tập trung vào đối tượng này, đặc biệt là các công ty Nhật vì W có nhiều kinh nghiệm làm việc với họ nhất.
Cơ cấu & nhân sự bộ phận môi trường trong công ty:

-Các công ty lớn/rất lớn cỡ trên 1000 người thường có bộ phận môi trường riêng hoặc kết hợp với bộ phận chuyên môn khác. Ví dụ Canon, Toyota gọi là Environment & Facilities Department (Phòng môi trường & cơ sở hạ tầng), hoặc có nơi là phòng Safety & Environment - SE (Denso Vietnam, ABB…). Ở các công ty này thường cần từ 2 đến vài chục kỹ sư môi trường (Canon Vietnam có đến 20 kỹ sư môi trường)
- Các công ty nhỏ hơn (vài trăm – 1000 người) thì bộ phận môi trường có thể nằm trong bộ phận General Affaire (GA – Phòng tổng hợp), khi đó thường gọi là Environmental Team hoặc Group. Trong các công này thì chỉ cần 1 đến 3 kỹ sư môi trường.
- Một số công ty nhỏ, hoạt động lắp ráp/chế tạo đơn giản và không có nhiều ảnh hưởng đến môi trường thì họ giao luôn cho một cán bộ hành chính hoặc sản xuất hay quản lý chất lượng làm quản lý môi trường kiêm nhiệm (đừng ngạc nhiên, các bạn làm đó làm rất tốt công việc đó, chớ coi thường).
Cách thức tổ chức bộ phận môi trường thường copy từ công ty mẹ ở chính quốc hoặc các công ty anh/chị ở Thai, Malai, Indo, Taiwan, nó phụ thuộc qui mô công ty, đặc điểm môi trường của hoạt động sản xuất, yêu cầu quản lý môi trường của công ty cao hay thấp…

Chức năng của bộ phận môi trường:
- Vận hành hệ thống quản lý môi trường (ISO 14001, EMAS….), đây là công việc chính
- Theo dõi việc chấp hành các yêu cầu pháp luật, TCVN về môi trường của công ty, liên hệ với các đối tác đo kiểm môi trường, các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường
- Monitoring các thông số môi trường (tiếng ồn, nhiệt độ, bụi, COx…) trong công ty. Một số công ty lớn có máy đo nhanh để đo định kỳ.
- Quản lý chất thải, đặc biệt là chất thải nguy hại
- Quản lý hóa chất & an toàn hóa chất
- Quản lý cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất: trạm bơm, các hệ thống xử lý nước thải, khí thải…(nếu có, mặc dù không nhiều)
- Đào tạo/hướng dẫn các nội qui quản lý môi trường cho nhân viên các bộ phận khác
- Theo dõi các chỉ số (Key Performance Indicator - KPI/Environmental Performance Indicator – EPI) của công ty, thống kê số liệu, báo cáo kết quả trong các buổi họp
- Thống kê, phân tích dòng vật chất trong sản phẩm (đây là một phần của Life Cycle Assessment)
- Kiểm tra/đánh giá hoạt động quản lý môi trường của các Maker/Supplier (các công ty vệ tinh sản xuất/cung cấp các linh kiện) theo tiêu chuẩn mua hàng thân thiện môi trường của công ty (Green Procurement/Green Purchasing) . Một công ty lớn như Canon, Toyota có khoảng 100 supplier như vậy.
- Công tác an toàn
Ví dụ về phân công công việc trong bộ phận môi trường của một công ty điển hình như Canon Vietnam:
Environment & Facilities Department: gồm có 2 bộ phận: môi trường & nhóm cơ sở hạ tầng
Bộ phận môi trường lại được chia là 3 nhóm nhỏ:
1.Nhóm hệ thống quản lý ISO 14001:
- Vận hành hệ thống quản lý môi trường (ISO 14001, EMAS….), đây là công việc chính
- Theo dõi việc chấp hành các yêu cầu pháp luật, TCVN về môi trường của công ty, liên hệ với các đối tác đo kiểm môi trường, các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường
- Monitoring các thông số môi trường (tiếng ồn, nhiệt độ, bụi, COx…)
- Quản lý chất thải, đặc biệt là chất thải nguy hại
- Quản lý hóa chất
- Đào tạo/hướng dẫn các nội qui quản lý môi trường cho nhân viên các bộ phận khác
- Theo dõi các chỉ số (Key Performance Indicator - KPI/Environmental Performance Indicator – EPI) của công ty, thống kê số liệu, báo cáo kết quả
2. Nhóm kiểm soát các chất có trong sản phẩm: (chả biết gọi là gì, công việc của nhóm này có lẽ là khó nhất vì phải tính toán nhiều, theo quan điểm của Worker): Thống kê, phân tích dòng vật chất trong sản phẩm.
3. Nhóm mua hàng xanh: Kiểm tra/đánh giá hoạt động quản lý môi trường của các Maker/Supplier theo tiêu chuẩn mua hàng thân thiện môi trường của công ty.
Tàm tạm thế đã nhé, có thời gian sẽ post tiếp.
End of part 1... to be continued
Part 2:
- Yêu cầu năng lực/kỹ năng đối với kỹ sư môi trường trong các nhà máy FDI
- Kinh nghiệm phỏng vấn/thi tuyển
- Kinh nghiệm làm việc: một số điểm cần lưu ý
- Các kinh nghiệm tích lũy được và cơ hội thăng tiến
Part 2:
Các kỹ sư môi trường cần trang bị những “vũ khí” gì để “chiến đấu” trong các nhà máy FDI?
Căn cứ vào công việc của Phòng môi trường đã nêu trong Part 1, Worker phân chia các loại “vũ khí” cần thiết thành 2 nhóm:
Kiến thức chuyên môn cơ bản dựa trên nền tảng những kiến thức được đào tạo:
- Kiến thức cơ bản về phân tích đặc tính hóa học/độc học môi trường của nguyên vật liệu, hóa chất dựa trên tài liệu MSDS – Material Safety Data Sheet.
Biết cái này là một lợi thế lớn đó.
- Các nguyên tắc kiểm soát ô nhiễm và nguyên lý hoạt động của các hệ thống xử lý nước thải, khí thải, giảm tiếng ồn. Chỉ cần nguyên lý thôi nhé, không ai khiến các bạn thiết kế đâu vì nếu cần có hệ thống xử lý thì đã công ty đã xây dựng rồi, cùng lắm là các bạn sẽ phải đọc tài liệu và biên soạn qui trình vận thành thôi.
- Nguyên tắc quản lý chất thải rắn, chất thải nguy hại (ví dụ như 3R…)
- Cơ cấu chung về quản lý nhà nước trong lĩnh vực môi trường
- Hệ thống luật pháp/TCVN về quản lý môi trường, đặc biệt lưu ý tới phạm vi áp dụng của các yêu cầu về lập ĐTM hay
KBM, quản lý chất thải nguy hại, các tiêu chuẩn 5937, 5938, 5939, 5940, 5945, 3733-2002/BYT
- Nguyên tắc sử dụng các thiết bị đo nhanh (tiếng ồn, bụi, pH…). Cũng chỉ cần biết nguyên tắc thôi vì có hàng trăm loại máy, vào đó sẽ được học tài liệu sử dụng cụ thể.
- Các phương pháp thí nghiệm/phân tích cơ bản (một số công ty có phòng Lab)
- Hệ thống QLMT theo tiêu chuẩn ISO 14001. Biết cái món này sẽ là ưu thế rất lớn
2. Kỹ năng mềm (Soft skills): những kỹ năng mà các bạn cần tự trang bị thêm:
- Ngoại ngữ: Anh văn đủ giao tiếp (cũng không cần giỏi lắm vì đa phần các đồng chí Nhật làm việc ở nhà máy thì tiếng Anh cũng rất chuối). Nhưng nếu biết tiếng Nhật thì perfect
- Tin học: sử dụng thành thạo máy tính, các phần mềm email, Words, Excel, PowerPoint để viết báo cáo, thống kê số liệu, vẽ đồ thị…không cần khoe lập trình VB hay Delphi…làm gì, họ không cần và không quan tâm vì thường đã có nhân viên IT chuyên nghiệp rồi. Mà nhân đây cũng nói thêm là các kỹ sư môi trường nếu có nghiên cứu về mô hình hóa…thì cũng chỉ nên dừng ở phương pháp tính/thuật toán thôi, còn lập trình để dân IT chuyên nghiệp họ làm, đó mới là cách làm việc chuyên nghiệp, cái gì cũng ôm vào rồi chẳng giỏi cái gì là nguy hiểm lắm mà chỉ tổ phí thời gian.
- Phương pháp làm việc theo nguyên tắc PDCA

- Kỹ năng quản lý thời gian hay còn gọi là lập và giám sát kế hoạch.

- Kỹ năng viết phục vụ cho việc viết báo cáo, viết qui trình
- Kỹ năng trình bày/thuyết trình để sử dụng khi báo cáo, đào tạo
- Một số công cụ quản lý trong nhà máy như 5S, phân tích biểu đồ xương cá…
Ngoài ra các bạn nên tìm hiểu về tiêu chuẩn RoHS vì hiện nay các công ty sản xuất hàng điện/điện tử gia dụng xuất khẩu vào thị trường EU như Canon, Panasonic, Intel, LG… đều phải áp dụng tiêu chuẩn này. Các supplier của các công ty nói trên cũng phải áp dụng. Xem chi tiết ở đây:
http://www.rohs.gov.uk/

Kinh nghiệm phỏng vấn/thi tuyển:
Qui trình tuyển dụng thông thường ở các công ty nước ngoài thường là:
Thông báo -> nhận hồ sơ -> chọn hồ sơ đưa vào short list -> mời đến thi tuyển -> phỏng vấn -> tuyển dụng

Hồ sơ:

- Chuẩn bị đầy đủ theo yêu cầu đã thông báo
- Lưu ý xắp xếp ngăn nắp theo thứ tự và cần ghi đầy đủ danh mục các hồ sơ trên vỏ bao hồ sơ
- CV và đơn xin việc thì có nhiều bài viết hướng dẫn rồi, tuy nhiên đặc biệt lưu ý không viết sai chính tả
- Nên vào Google tìm Website của công ty để tìm hiểu trước, nếu trong đơn xin việc có cách nào “khoe” rằng mình đã tìm hiểu rất nhiều về công ty thì rất tốt.

- Không nên “khoe” mình có nhiều bằng cấp (trừ những chứng chỉ cơ bản như tin học, ngoại ngữ…). Tuyệt đối không được khoe các loại văn bằng 2 không gần với chuyên môn chính của mình như kinh tế, kế toán… và các bằng cấp đào tạo ở mức cao hơn như thạc sĩ, tiến sĩ… phải giấu kín chuyện này. Lý do là họ cần những kỹ sư vững chuyên môn chứ không cần ông kỹ sư học nhiều thứ linh tinh hay không cần Th.S hay TS để đến “dạy” họ. Thực tế đã có nhiều bác lộ ra là đã có bằng Th.S thế là out luôn. Ngay ở nước ngoài thì cũng chỉ các tập đoàn lớn mới “nuôi” các Th.S hay TS làm việc ở các bộ phận thiết kế, nghiên cứu phát triển hay ở các vị trí quản lý cao cấp thôi chứ không tràn lan như ở ta.
Thi tuyển & phỏng vấn:
- Thi trắc nghiệm hoặc thi viết, nội dung thường có 2 phần: Kiểm tra IQ như kiểu Đường lên đỉnh Olimpia và kiểm tra sơ bộ về chuyên môn. Ví dụ cho xem một bảng kết quả phân tích chất lượng nước, yêu cầu đánh giá kết quả..
- Phỏng vấn: trang phục lịch sự, không cần xịn quá. Nhớ tắt điện thoại di động khi vào thi/phỏng vấn. Khi phỏng vấn thường có 1 sếp người nước ngoài, 1 phiên dịch và 1 đàn anh/đàn chị đang làm việc ở phòng môi trường. Nếu họ đưa name card thì nhớ dành thời gian để đọc, đọc xong để trước mặt (trên bàn) theo thứ tự cao thấp, đừng đút ngay vào túi, ngặp sếp người Nhật mà làm thế là “teo” đấy.

- Trong lúc phỏng vấn không được ba hoa, cái gì biết thì nói là biết, không biết thì nói là chưa biết nhưng tin rằng sẽ học được.
He he, mỏi tay quá, ai có thắc mắc gì thì cứ post lên nhá.

End of part 2... to be continued
Part 3:
- Kinh nghiệm làm việc: một số điểm cần lưu ý
- Các kinh nghiệm tích lũy được và cơ hội thăng tiến
HSE
1. Sản xuất công nghiệp (phổ biến & cơ bản nhất):
- An toàn điện
- An toàn hóa chất
- An toàn đối với lò đốt/lò hơi
- An toàn đối với thiết bị áp lực
- An toàn đối với thiết bị sản xuất (thiết bị có vận tốc quay lớn, thiết bị cắt, thiết bị nén ép/đột dập, thiết bị nâng hạ, thiết bị vận chuyển nội bộ...)
- Công thái học (Ergonomics) và bệnh nghề nghiệp
- ...
Tất nhiên với từng ngành cụ thể thì nặng nhẹ sẽ khác nhau như lắp ráp điện tử khác với sản xuất cơ khí hay xưởng may, sản xuất hóa chất khác với nhà máy xi măng...các loại đặc biệt như nhà máy điện hạt nhân (an toàn phóng xạ), dàn khoan dầu thì còn đòi hỏi nhiều nữa..

2. Xây dựng:
- An toàn điện
- An toàn đối với thiết bị áp lực
- An toàn đối với các hoạt động trên cao, thi công ngầm (trong hầm) hay thi công trên mặt nước/dưới nước (xây dựng cầu/đập thủy điện...)
- An toàn đối với các thiết bị thi công: máy xúc, máy ủi, máy đào...
- Công thái học (Ergonomics) và bệnh nghề nghiệp
- Tổ chức giao thông trên công trường
- ...
3. Giao thông - vận tải:
- An toàn trong xắp xếp hàng hóa
- Kỹ thuật chằng/buộc/gá các cấu kiện siêu trường siêu trọng
- An toàn trong quá trình vận chuyển các cấu kiện siêu trường siêu trọng
- An toàn vận tải thủy
- ...
Ngoài ra để triển khai và kiểm soát được các hoạt động an toàn tại nhà máy mình làm việc, các bạn còn cần phải biết:
1. Kỹ năng đào tạo
2. Kỹ năng báo cáo & trao đổi thông tin
3. Kỹ năng lập kế hoạch và phương pháp làm việc hệ thống PDCA:
- Plan (Lập kế hoạch)
- Do (Thực hiện)
- Check (Kiểm tra)
- Act (Khắc phục)
PDCA là cái khung của tiêu chuẩn OHSAS hay ISO, Nên vào làm 1-2 năm trong các công ty nước ngoài như Intel, Fujitsu... rồi hãy học, lúc đó các bạn có kinh nghiệm rồi hệ thống hóa lại qua lý thuyết sẽ tốt hơn. Nếu làm tốt có khi lại được công ty cử đi học thì đỡ mất tiền .
Nói chung bể học là mênh mông "Càng nhiều càng ít". Chúc các bạn trẻ tìm được công việc phù hợp với mình
Khi các bạn đi vào chuyên ngành HSE các bạn có rất nhiều kiến thức. Vì đây là một ngành đa dạng và tổng hợp: Bạn phải biết về một số lĩnh vực như:
1. Management System: Am hiểu về hệ thống quản lý bao gồm Luật về môi trường, sức khỏe và an toàn. Ngoài ra các bạn phải biết về ISO 14001:2004 và OHSAS 18001:2007, ISO 22000, HACCP, SA8000. Đây là những tiêu chuẩn mang tỉnh chất quốc tế ngoài ra còn các tiêu chuẩn ngành.
2. Environmental System: Các bạn học chuyên ngành môi trường không thể nào không áp dụng những kiến thức quản lý môi trường trong hệ thống này.
3. Fire Safety: Đây là chuyên ngành của các anh lính PCCC nhưng bạn là người duy trì hệ thống HSE thì bạn phải nhận biết các mối rủi ro.
4. Occupational Safety: An toàn nghề nghiệp các bạn phải biết nhận dạng các mối nguy hiểm của môi trường và điều kiện làm việc.
5. Occupation Health: Nếu không phải là chuyên ngành y thì các bạn gặp rất nhiều khó khăn vì đây là một phần của nghề y. Nhưng về sức khỏe nghề nghiệp các bạn có rất nhiều tài liệu hỗ trợ hiện có bán trên thị trường.
6. Risk assesment. Đây là phần tổng hợp khó nhất vì nó đòi hỏi các bạn phải có những tư duy và kiến thức tổng hợp.

Nhìn đàn anh đi trước mới thấy mình nhỏ bé, thế vào công ty nước ngoài nó phỏng vấn anh mấy đợt, và có nói mức lương luôn không, hãy nói kinh nghiệm cho các đàn em nào
Phỏng vấn mấy đợt thì còn tùy qui trình tuyển dụng và vị trí cần tuyển của từng công ty. Nhưng thông thường sẽ như sau:
1. Đánh giá hồ sơ ứng viên và đưa vào sort-list (danh sách ngắn), người phụ trách tuyển dụng sẽ có một cái bảng dùng để chấm điểm theo các tiêu chí và thang điểm mà công ty sử dụng: như bằng cấp, kinh nghiệm, kỹ năng...để chọn hồ sơ vào sort-list. Những người có tên trong sort-list sẽ được mời đến dự tuyển
2. Thi/Phỏng vấn: có công ty kết hợp trong 1 buổi, có công ty tách thành 2 buổi.
- Thi: kiểm tra kiến thức chuyên môn cơ bản, kỹ năng sử dụng máy tính và có thể cả ngoại ngữ nữa. Mỗi công ty, mỗi vị trí công việc sẽ có yêu cầu khác nhau, rất đa dạng. Nên nhớ là bài thi sẽ là kết quả kiểm chứng kỹ năng sử dụng máy tính và/hoặc ngoại ngữ của bạn, mọi chứng chỉ/bằng cấp sẽ vô nghĩa nếu bài thi không OK
- Phỏng vấn: đánh giá các khả năng khác: giao tiếp, trình bày, xử lý tình huống..., xác nhận kỹ năng ngoại ngữ, đánh giá tính cách. Trao đổi/tìm hiểu về mong muốn/định hướng phát triển của cá nhân. Cái món này rất hay, phải tùy thuộc đặc điểm văn hóa các công ty mà trả lời cho phù hợp, ví dụ trước đây W gặp bác công ty Nhật hỏi là "muốn làm ở công ty bao lâu?" thì nói là muốn gắn bó lâu dài để đóng góp cho sự phát triển của công ty...bla...bla thì nó đánh giá cao nhưng khi W gặp câu hỏi tương tự lúc phỏng vấn vào công ty Pháp thì nói luôn "trước mắt là xác định làm trong 2 năm, sau 2 năm sẽ xem xét lại" thế là cũng trúng tuyển .
3. Nếu qua được thì có thể họ mời đến lần 3 để thảo luận về lương và các chế độ khác. Cũng có nơi họ trao đổi ngay khi phỏng vấn. Thường họ chủ động đề nghị mình tự nêu mức lương, sẽ có 2 tình huống:
- Đối với các nhà máy sản xuất khi tuyển dụng các vị trí làm việc nghiệp vụ đều đặn (giờ giấc ổn định, công việc hàng ngày lặp đi lặp lại) thì thường họ có mức lương sẵn rồi, hỏi để tham khảo thôi, các bạn nên hỏi lại là công ty có hệ thống bậc lượng không? và bạn sẽ được tuyển vào vị trí/bậc nào? từ đó trao đổi tiếp.
- Đối với các công ty dịch vụ/kỹ thuật như thiết kế, tư vấn...hay phải đi lại, công việc thay đổi liên tục thì phải "thương lượng" hay nói toẹt ra là mặc cả. Muốn giành ưu thế bạn phải dựa trên mấy điều kiện:
+ Có thông tin về tính chất công việc mà mình sẽ làm
+ Năng lực của bạn trong mối tương quan giữa nhu cầu cả bạn & nhu cầu của công ty và sự cạnh tranh của các ứng viên khác. Nếu bạn quá cần việc và có nhiều ứng viên cạnh tranh thì có thể sẽ lép vế, ngược lại nếu công ty rất cần người thì họ sẽ nhân nhượng...
+ Có thông tin về mặt bằng lương chung trong lĩnh vực đó
Nói chung đã mặc cả thì ông nào có nhiều thông tin sẽ thắng, việc tìm hiểu/chuẩn bị trước khi phỏng vấn là rất quan trọng. Ví dụ trong các buổi đi thi/phỏng vấn có dịp gặp gỡ trao/đổi với các bạn ứng viên khác là các bạn đã có thể đánh giá được một phần năng lực của họ, so sánh tương đối so với bản thân rồi.

Tổng số lượt xem trang