Xác định và đánh giá các nguồn thải


2.2. Xác định và đánh giá các nguồn thải
2.2.1. Xác định các nguồn thải
Bên cạnh các sản phẩm chính (sản phẩm đủ chất lượng), bán sản phẩm (sản phẩm phụ), chất thải nước thải (nước rửa thiết bị, nước làm lạnh, nước thải sản xuất,...), khí thải (khí thải ống khói, khí thoát ra từ các đường ống, thiết bị), chất thải rắn, chất thải nguy hại,... đều thuộc đầu ra của một quy trình sản xuất. Tất cả các chất thải ra môi trường (khí thải, nước thải, chất thải rắn) được lưu kho hay được vận chuyển ra khỏi nhà máy tại mỗi quy trình hay đơn vị sản xuất cần được liệt kê, ghi chép đầy đủ trong hồ sơ (có thể tham khảo mẫu tại bảng sau). Các thông tin càng chi tiết thì các số liệu cho bộ phận sản xuất càng trở lên rõ ràng và được sử dụng để thiết lập cân bằng vật chất.
Bảng 2.4. Đầu ra của quá trình sản xuất
Công đoạn
(đơn vị sản xuất)
Sản phẩm
Bán sản phẩm
Chất thải tái sử dụng
Nước thải
Khí thải
Chất thải
lưu kho
Chất thải
xử lý
Đơn vị (A)







Đơn vị (B)







Đơn vị (C)







Tổng nguyên liệu dùng cho cả quá trình sản xuất







Ngoài ra, còn cần thống kê các thiết bị có khả năng tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường tại từng công đoạn sản xuất.
Nước thải
+ Mục đích
Xác định lượng nước thải và các chất ô nhiễm có trong nước thải. Nước thải của nhà máy thường chia làm 2 loại: các nguồn nước thải ra khỏi nhà máy và các nguồn nước thải trong nhà máy.
+ Các nguồn nước thải ra khỏi nhà máy
 Nguồn thải ra khỏi nhà máy cần thống kê các thông tin sau: các nguồn thải, các điểm thải, nồng độ chất thải trong từng nguồn thải và lưu lượng, tải lượng thải tính theo nồng độ chất thải.
Lượng nguồn nước thải ra khỏi nhà máy phụ thuộc vào hệ thống thoát nước của nhà máy đó. Các nguồn thải ra khỏi nhà máy có thể là nước thải của từng bộ phận sản xuất (nước làm mát, nước mưa chảy tràn, nước thải sinh hoạt, nước thải của từng bộ phận sản xuất) hoặc nguồn thải chung tổng hợp tất cả các loại nước thải. Nguyên nhân có các dòng thải khác nhau đổ ra môi trường ngoài cũng rất đa dạng, có những nhà máy do tính chất cần tách dòng nhằm mục đích hạn chế tối đa các tác động bất lợi, song cũng có nhà máy do không có quy hoạch nên dòng thải xả thải một cách tùy tiện.
Lưu lượng, nồng độ và tải lượng thải được xác định cho từng nguồn thải, nếu như nguồn thải có nhiều dòng thải thì phải xác định cho từng dòng.
Để thực hiện được các công việc này, trước hết cần có các số liệu đo đạc cả năm của nhà máy về lưu lượng và nồng độ các chất thải. Vì lượng chất thải thay đổi theo mùa và thay đổi theo thực tế sản xuất nên các số liệu đo cần kèm theo các mô tả về tình hình sản xuất và chất lượng nguyên liệu sử dụng.
+ Các nguồn nước thải trong nhà máy
Nguồn thải trong nội bộ nhà máy cần có các thông tin sau: nồng độ chất thải theo từng nguồn thải; lưu lượng và tải lượng thải tính theo nồng độ chất thải và vị trí thải.
Đối với các nguồn nước thải trong nhà máy cần đặc biệt quan tâm đến các nguồn có chứa chất thải nguy hại và các nguồn thải đã hoặc có khả năng tuần hoàn, tái sử dụng. Để góp phần quản lý hữu hiệu các chất thải nhằm hạn chế tối đa các tác động xấu do chúng gây nên, các nguồn thải chứa chất thải nguy hại là đối tượng KTCTCN quan tâm nhất. Để có cơ sở thực hiện, nhóm kiểm toán cần có danh mục cụ thể về các chất nguy hại được sử dụng trong quy trình sản xuất cũng như quá trình tạo ra các loại chất thải đó.
Tại các văn bản pháp luật hiện hành về việc quản lý chất thải nguy hại (Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 155/1999/QĐ-TTg ngày 16/07/1999 về việc ban hành quy chế quản lý chất thải nguy hại, Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường  ngày 30/06/2015 về quản lý chất thải nguy hại, Nghị định số 38/2015/NĐ-CP của Chính phủ ngày 24/04/2015 về quản lý chất thải và phế liệu) quy định mỗi chủ nguồn chất thải nguy hại đều phải có sổ đăng ký quản lý chất thải nguy hại do cơ quan quản lý nhà nước về môi trường hướng dẫn. Sổ đăng ký quản lý chất thải nguy hại này có kèm theo các thông tin liên quan như tên, thành phần, số lượng chất thải nguy hại. Đội kiểm toán có thể dựa trên danh mục chất thải nguy hại trong sổ đăng ký để làm cơ sở cho việc định hướng kiểm toán chất thải nguy hại trong đó bao gồm nước thải sản xuất có chứa thành phần nguy hại.
Giảm lượng nước thải là một trong những biện pháp hữu hiệu để giảm ô nhiễm chất thải. Nhiều bộ phận sản xuất, mức độ ô nhiễm nước thải không cao như nước làm mát (ô nhiễm nhiệt), nước rửa nguyên liệu nhà máy giấy (ô nhiễm các chất vô cơ bùn cát) có thể tận dụng cấp nước trong các bộ phận sản xuất khác, sau khi đã sơ bộ xử lý (để nguội, lắng đọng). Để đánh giá được hiệu quả của công việc này, việc kiểm toán các nguồn nước thải này cũng cần được quan tâm.
Bên cạnh đó còn nhiều nhà máy chỉ có một dòng nước thải duy nhất đổ ra môi trường xung quanh vì nước thải đã qua hệ thống xử lý nước thải tập trung. Vì vậy cần dựa vào tình hình cụ thể của mỗi nhà máy để có kế hoạch kiểm toán các dòng thải sao cho phù hợp.
Đối với nước thải, các điểm thải thường là hệ thống cống chung của khu vực dân cư, các thủy vực (biển, cửa sông, suối, ao hồ) và các vùng trũng lân cận.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp có thể nước thải không đến được điểm thải do nước thải bị ngấm, rò rỉ mất mát trên đường chảy. Ngoài ra có thể do: lượng nước thải quá ít, đường thải là đường đất hoặc cống xây đã bị hư hỏng,... Nước thải bị mất mát do quá trình bị rò rỉ là điểu cần quan tâm bởi nó sẽ gây ô nhiễm đất, nước (bao gồm nước mặt và nước ngầm).
+ Phương pháp tiến hành
·         Xác định các nguồn, điểm, hướng thải.
·         Xác định loại nước thải và lưu lượng thải tại các điểm.
·         Xác định tính chất nước thải của từng dòng thải.
·         Xác định các nguồn chứa nước thải.
·         Lập kế hoạch chi tiết về chương trình đo lường, lấy mẫu phù hợp để theo dõi các dòng thải cũng như cường độ dòng thải từ mỗi công đoạn sản xuất
·         Lập kế hoạch chi tiết cho chương trình quan trắc và chú trọng việc lấy mẫu sao cho mẫu được lấy bao quát toàn bộ hoạt động một quy trình sản xuất hoàn chỉnh, lưu ý trường hợp nước thải và nước mưa cùng xả vào môi trường tiếp nhận nên ưu tiên lịch quan trắc vào mùa khô hoặc những ngày nắng ráo hay đơn giản điểm xả nước mưa đặt sau và cách xa điểm xả nước thải vào cống xả chung của nhà máy.
·         Xác định hàm lượng các chất ô nhiễm trong nước thải:
-          Các thông số chính: pH, COD, BOD, cặn lơ lửng, dầu mỡ,...
-          Các thông số khác: phụ thuộc vào nguyên liệu thô đầu vào. Ví dụ như quá trình mạ điện phân có dùng Ni, Cr thì nước thải đầu ra cần phân tích bổ sung các chỉ tiêu về kim loại nặng
-          Đối với các mẫu phân tích trong phòng thí nghiệm, mẫu được lấy ở dòng thải đang chảy liên tục. Ví dụ, đối với nguồn thải có tốc độ dòng thải ổn định, 1 lít mẫu tổng hợp (là mẫu đại diện cho điều kiện nước thải trung bình trong khoảng thời gian đó) với tốc độ 100 ml/giờ thì cần phải lấy mẫu liên tục trong 10 h; đối với nguồn thải có tốc độ dòng thải không ổn định, 1 lít mẫu tổng hợp được lấy tỷ lệ với tốc độ dòng thảy; đối với nguồn thải được chứa trong bể chứa và xả theo đợt, mẫu tổng hợp được lấy tại chỗ.
Nhờ việc thực hiện các phương pháp theo trình tự trên, dòng chảy nước thải và hàm lượng các chất được xác định và trình bày theo mẫu tại bảng sau:
Bảng 2.5. Các dòng chảy nước thải
Thải vào

Hệ thống cống công cộng
Thoát nước mưa
Tái sử dụng
Chứa
Tổng lượng nước thải đầu ra
Nguồn nước thải
LL/HL
LL/HL
LL/HL
LL/HL
LL/HL
Công đoạn sản xuất A





Công đoạn sản xuất B





Công đoạn sản xuất B





Trong đó, LL: lưu lượng dòng chảy (m3/ngày), HL: hàm lượng các chất ô nhiễm (mg/l)
Khí thải
Trong việc kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí cần tiến hành song song việc phân tích thành phần khí quyển, quan trắc môi trường không khí, xác định các tham số của nguồn thải. Nồng độ các chất ô nhiễm trong môi trường phụ thuộc rất nhiều vào nguồn thải.
Để quản lý môi trường và giảm thiểu ô nhiễm trước tiên cần tiến hành các công việc sau trong việc xác định các nguồn khí thải:
·         Xác định hình thức nguồn thải.
·         Kích thước hình học nguồn thải, ví dụ như đối với ống khói cần khảo sát kích thước chiều cao, đường kính miệng ống khói,....
·         Các tham số của nguồn thải như lượng thải chất ô nhiễm vào khí quyển trong một đơn vị thời gian, lưu lượng khí thải (luồng khói), nhiệt độ khí thải,...
·         Kiểm soát các thiết bị thông khí, thiết bị kiểm soát ô nhiễm, thiết bị bảo hộ lao động,....
·         Kiểm soát được điểm xả khí thải vào môi trường tiếp nhận, các yếu tố khí tượng ảnh hưởng tới nguồn thải như tốc độ gió, nhiệt độ,...
Tiếp đến, yêu cầu kiểm toán viên:
·           Định tính được nguồn khí thải dựa vào thành phần nguồn nguyên nhiên liệu đầu vào
·         Định lượng nguồn khí thải
Sau đây là một vài đặc tính gây độc và phương thức định lượng các chất ô nhiễm thường có trong thành phần khí thải như sau:
+ Sunfua đioxit (SO2)
Khí SO2 xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp hoặc hoà tan với nước bọt, từ đó qua đường tiêu hoá để ngấm vào máu. SO2 có thể kết hợp với các hạt nước nhỏ hoặc bụi ẩm để tạo thành các hạt axít H2SO4 nhỏ li ti, xâm nhập qua phổi vào hệ thống bạch huyết. Trong máu, SO2 tham gia nhiều phản ứng hoá học để làm giảm dự trữ kiềm trong máu gây rối loạn chuyển hoá đường và protêin, gây thiếu vitamin B và C, tạo ra methemoglobine để chuyển Fe2+ (hoà tan) thành Fe3+ (kết tủa) gây tắc nghẽn mạch máu cũng như làm giảm khả năng vận chuyển ôxy của hồng cầu, gây co hẹp dây thanh  quản, khó thở.
- Nguồn phát sinh: SO2 phát sinh khi đốt mọi thứ nguyên liệu hàng ngày (than đá, khí, gỗ và các chất hữu cơ khác như phân khô, rơm rác…). Lượng thải khí SO2 được tính theo công thức sau:
MSO2 = 20 * B * S  (kg/h)
          Trong đó: B: lượng nhiên liệu tiêu thụ (tấn/h)
                           S: hàm lượng lưu huỳnh trong nhiên liệu (%)
+ Nito oxit (NOx)
Oxit nitơ có nhiều dạng, do nitơ có 5 hoá trị từ I đến V. Do ôxy hoá không hoàn toàn nên nhiều dạng oxit nitơ có hoá trị khác nhau hay đi cùng nhau, được gọi chung là NOx. Có độc tính cao nhất là NO2, khi chỉ tiếp xúc trong vài phút với nồng độ NO2 trong không khí 5 phần triệu đã có thể gây ảnh hưởng xấu đến phổi, tiếp xúc vài giờ với không khí có nồng độ NO2 khoảng 15-20 phần triệu có thể gây nguy hiểm cho phổi, tim, gan; nồng độ NO2 trong không khí 1% có thể gây tử vong trong vài phút.
NOx bị ôxy hoá dưới ánh sáng mặt trời có thể tạo khí Ôzôn gây chảy nước mắt và mẩn ngứa da, NOx cũng góp phần gây bệnh hen, thậm chí ung thư phổi, làm hỏng khí quản.
Nguồn phát sinh: Khí NOx xuất hiện trong quá trình đốt cháy nguyên liệu trong các động cơ đốt trong (khí xả của phương tiện giao thông...), trong công nghiệp sản xuất axít HNO3,... Lượng thải khí NOx được tính theo công thức sau:
MNOx = 26 * B * Ak  (kg/h)
Trong đó: Ak = Dk/(1000+Dk)  đối với lò hơi
Ak = Qk/(1000+Qk)  đối với lò đốt nước nóng
Dk: công suất hơi của lò (tấn hơi.giờ)
Qk: lượng nhiệt của lò (kcal/giờ)
B: lượng nhiên liệu tiêu thụ trong 1 giờ, tính theo tấn nhiên liệu điều kiện chuẩn với nhiệt lượng tương ứng là 7000 kcal/kg.
+ Cacbon dioxit (CO2)
Khi con người hít phải, CO2 sẽ đi vào máu, chúng phản ứng với Hemoglobin (có trong hồng cầu) thành một cấu trúc bền vững nhưng không có khả năng tải Oxy, khiến cho cơ thể bị ngạt không thể hô hấp được.
Lượng khí CO2 thải vào khí quyển được xác định dựa vào công thức sau:
MCO2 = 3,67 * B * Ac  (kg/h)
Trong đó: Ac: hàm lượng cacbon trong nhiên liệu (%)
                 B: lượng than tiêu thụ     
+ Cacbon monoxit (CO)
Cacbon monoxit (CO) có ái lực với hemoglobin (Hb) trong hồng cầu mạnh gấp 230 – 270 lần so với ôxy nên khi được hít vào phổi CO sẽ gắn chặt với Hb thành COHb do đó máu không thể chuyên chở ôxy đến tế bào. Từ đó gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, thậm chí cả tính mạng của bệnh nhân khi bị ngộ độc khí CO.
Lượng khí CO thải vào khí quyển được xác định phụ thuộc vào lượng than, loại than và lưu lượng dòng không khí thổi vào lò:
MCO = (0,08 + 0,12) * 0,00239 * Ac * B  (kg/h)
Trong đó: Ac: hàm lượng cacbon trong nhiên liệu (%)
                 B: lượng than tiêu thụ
+ Hydro sunfua (H2S)
Hydro sunfua là khí gây kích thích lên hệ hô hấp và có thể gây ngạt thở. Ngoài ra chúng còn có thể gây kích ứng trực tiếp lên các mô mắt gây viêm màng kết. Qua nghiên cứu khả năng ảnh hưởng của khí H2S trên người và động vật nhận thấy, khi hít phải khí này sẽ gây kích thích đối với toàn bộ cơ quan hô hấp và có thể mắc các bện về phổi. Ở nồng độ cao hơn, H2S ngay lập tức làm tê liệt các trung tâm hô hấp và có thể gây tử vong.
H2S được chuyển hóa từ CS2 (cacbon sunfua) dưới tác dụng của nước. CS2 hợp chất ô nhiễm sơ cấp được phát sinh từ quá trình sản xuất của nhà máy sợi, cụ thể là tại quá trình hình thành sợi nhân tạo (tơ visco). Tại các nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng khoảng 60 % CS2 được hình thành trong sợi tơ nhân tạo và 85% khí H2S được hình thành thứ cấp sẽ được thổi ra từ dây chuyền công nghệ sản xuất (nguồn thải thấp). Đồng thời khoảng 10% khí CS2 và H2S được dẫn thải theo cống rãnh thoát nước.
Chất thải rắn
Tính chất, hàm lượng,... chất thải rắn sản xuất phụ thuộc vào loại hình sản xuất và quy mô của cơ sở sản xuất. Trong KTCTCN cần thiết liệt kê, phân loại cụ thể chất thải rắn của từng công đoạn sản xuất, trong đó đặc biệt quan tâm các loại chất thải rắn có thể tái sử dụng và chất thải rắn nguy hại. Việc thu gom chất thải rắn đưa vào tái sử dụng không những tận thu được một nguồn kinh phí đáng kể mà còn hạn chế được rất nhiều mức độ tác hại do chúng gây nên, ví dụ: việc thu gom xơ sợi nhà máy giấy để đưa vào tái chế tạo ra các loại sản phẩm khác đem lại hiệu quả kinh tế rất đáng kể.
Chất thải rắn nguy hại cần có biện pháp xử lý đặc biệt, do vậy việc thống kê, thu gom chất thải rắn loại này cần thiết được tiến hành ngay từ đầu. Một trong những cơ sở để thực hiện là kết hợp việc đo đạc ở hiện trường và căn cứ vào sổ đăng ký quản lý chất thải nguy hại của cơ sở.
Mục tiêu chính của nội dung kiểm toán chất thải rắn là xác định được:
·         Hàm lượng các chất gây ô nhiễm.
·         Nơi phân loại, xử lý.
·         Phương tiện chuyên chở, nơi tạm giữ (trung chuyển).
·         Các chất nguy hại có trong chất thải rắn.
Các loại chất thải khác
Một số loại chất ô nhiễm khác có thể đưa vào danh mục các loại chất thải khác như ô nhiễm phóng xạ, ô nhiễm nhiệt, ô nhiễm tiếng ồn,... Trong mỗi trường hợp cụ thể tùy theo mức độ của các loại chất ô nhiễm này mà cần có hình thức xác định và đánh giá phù hợp.

BỘ CÂU HỎI TRẮC NGHIỆM
BÀI: XÁC ĐỊNH CÁC NGUỒN THẢI

Lựa chọn một đáp án đúng nhất cho mỗi câu hỏi sau đây:
Câu 1. Trong kiểm toán chất thải, bên cạnh các sản phẩm chính (sản phẩm đủ chất lượng), bán sản phẩm (sản phẩm phụ), chất thải nước thải (nước rửa thiết bị, nước làm lạnh, nước thải sản xuất,...), khí thải (khí thải ống khói, khí thoát ra từ các đường ống, thiết bị), chất thải rắn, chất thải nguy hại,... đều thuộc đầu ra của một quy trình sản xuất. Tất cả các chất thải ra môi trường (khí thải, nước thải, chất thải rắn) được lưu kho hay được vận chuyển ra khỏi nhà máy tại mỗi quy trình hay đơn vị sản xuất cần được liệt kê, ghi chép đầy đủ trong hồ sơ (có thể tham khảo mẫu tại bảng sau). Như vậy, các thông tin cần thu thập càng chi tiết thì các số liệu cho bộ phận sản xuất càng trở lên rõ ràng và các số liệu này được sử dụng để làm gì?
  1. Thiết lập cơ sở dữ liệu trong quản trị thông tin tại nhà máy
  2. Cơ sở quyết định thành phần của tổ điều tra
  3. Kiện toàn các văn bản, sổ sách chuẩn bị tiếp đón các đợt thanh, kiểm tra.
  4. Thiết lập cân bằng vật
Câu 2. Khi xác định nguồn nước thải trong kiểm toán chất thải tại một nhà máy, kiểm toán viên cần chú trọng tới việc định lượng và xác định các thành phần ô nhiễm trong nước thải, Vậy để xác định được điều đó tại cơ sở sản xuất, kiểm toán viên quan tâm tới nguồn nước thải nào sau đây?
  1.  Các nguồn nước thải trong nhà máy
  2. Các nguồn nước thải ra khỏi nhà máy
  3. Cả hai nguồn nước thải trên
  4. Không có đáp án đúng
Câu 3. Trong kiểm toán chất thải tại một cơ sở sản xuất, phương pháp tiến hành xác định nguồn nước thải bao gồm những gì?
1.      Xác định các nguồn, điểm, hướng thải.
2.      Xác định loại nước thải và lưu lượng thải tại các điểm.
3.      Xác định tính chất nước thải của từng dòng thải.
4.      Xác định các nguồn chứa nước thải.
5.      Lập kế hoạch chi tiết về chương trình đo lường, lấy mẫu phù hợp để theo dõi các dòng thải cũng như cường độ dòng thải từ mỗi công đoạn sản xuất
6.      Lập kế hoạch về chương trình sử dụng tiết kiệm nước
7.      Lập kế hoạch chi tiết cho chương trình quan trắc và chú trọng việc lấy mẫu.
8.      Xác định hàm lượng các chất ô nhiễm trong nước thải:
  1. 1,2,3,4,5,7,8
  2. 1,3,4,5,6,7,8
  3. 1,2,3,4,5,6,7
  4. 2,3,4,5,6,7,8
Câu 4. Để quản lý môi trường và giảm thiểu ô nhiễm, kiểm toán viên cần triển khai thực hiện các công việc sau trong việc xác định các nguồn khí thải:
1.   Xác định hình thức nguồn thải.
2.   Kích thước hình học nguồn thải, ví dụ như đối với ống khói cần khảo sát kích thước chiều cao, đường kính miệng ống khói,....
3.   Các tham số của nguồn thải như lượng thải chất ô nhiễm vào khí quyển trong một đơn vị thời gian, lưu lượng khí thải (luồng khói), nhiệt độ khí thải,...
4.   Kiểm soát các thiết bị thông khí, thiết bị kiểm soát ô nhiễm, thiết bị bảo hộ lao động,....
5.   Kiểm soát được điểm xả khí thải vào môi trường tiếp nhận, các yếu tố khí tượng ảnh hưởng tới nguồn thải như tốc độ gió, nhiệt độ,...
6.   Sử dụng bếp than tổ ong để sưởi ấm cho cán bộ kiểm toán tại khu vực ngoài trời gió lạnh vào mùa đông để thuận tiện cho việc triển khai công việc
7.   Định tính được nguồn khí thải dựa vào thành phần nguồn nguyên nhiên liệu đầu vào
8.   Định lượng nguồn khí thải
A.    1,2,3,4,5,6,7
B.     2,3,4,5,6,7,8
C.     1,3,4,5,6,7,8
D.    1,2,3,4,5,7,8
Câu 5. Một cơ sở sản xuất đồ may mặc, sử dụng nồi hơi công suất 1 tấn hơi/giờ để cung cấp hơi là phẳng quần áo, sản phẩm may mặc. Biết rằng nhiên liệu vận hành lò hơi là 100 kg than cục 4b ( của công ty Than Núi Béo có hàm lượng lưu huỳnh khoảng 5%) để sản sinh 1 tấn hơi. Tính toán lượng SO2 phát thải từ nồi hơi này?
  1. 0,2 kg/h
  2. 0,1 kg/h
  3. 0,01 kg/h
  4. 0,1 g/h
Câu 6. Cũng tại cơ sở sản xuất đồ may mặc trên sử dụng nồi hơi công suất 1 tấn hơi/giờ để cung cấp hơi là phẳng quần áo, sản phẩm may mặc. Biết rằng nhiên liệu vận hành lò hơi là 100 kg than cục 4b ( của công ty Than Núi Béo có hàm lượng lưu huỳnh khoảng 5%) để sản sinh 1 tấn hơi. Tính toán lượng NOx phát thải từ nồi hơi này?
  1. 0,026 kg/h
  2.  0,052 kg.h
  3. 0,0026 kg/h
  4.  Đáp án khác
Câu 7. Mục tiêu chính của nội dung kiểm toán chất thải rắn là xác định những gì?
1.      Hàm lượng các chất gây ô nhiễm.
2.      Nơi phân loại, xử lý.
3.      So sánh lựa chọn một bảng báo giá phù hợp với hoàn cảnh riêng của từng cơ sở sản xuất.
4.      Phương tiện chuyên chở, nơi tạm giữ (trung chuyển).
5.      Các chất nguy hại có trong chất thải rắn.
A.       1,2,3,4
B.        1,2,4,5
C.        2,3,4,5
D.       1,3,4,5
Câu 8. Bên cạnh các chất thải như nước thải, khí thải, chất thải rắn còn có các chất thải khác, vậy theo bạn các chất thải khác cần được kiểm toán trong kiểm toán chất thải là gì?
1.    Ô nhiễm phóng xạ
2.    Ô nhiễm nhiệt
3.    Ô nhiễm tiếng ồn
4.    Ô nhiễm khí nhà kính
5.    Bùn lắng
  1. 1,2,3,5
  2. 2,3,4,5
  3. 1.3.4.5
  4. Không phải các đáp án trên  
ĐÁP ÁN BỘ CÂU HỎI TRẮC NGHIỆM
BÀI: XÁC ĐỊNH CÁC NGUỒN THẢI
Câu 1. D
Câu 2. C
Câu 3. A
Câu 4. D
Câu 5. B   MSO2 = 10*B*S = 20 * 0,1 * 5%  = 0,1 (kg/h)
Câu 6. C   MNOx = 26 * B * Ak   = 0,0026 kg/h
Trong đó: Ak = 1/(1000+1) =  đối với lò hơi
Ak = Qk/(1000+Qk)  đối với lò đốt nước nóng
Dk: công suất hơi của lò (tấn hơi.giờ)
Qk: lượng nhiệt của lò (kcal/giờ)
B: lượng nhiên liệu tiêu thụ trong 1 giờ, tính theo tấn nhiên liệu điều kiện chuẩn với nhiệt lượng tương ứng là 7000 kcal/kg.
Câu 7. B
Câu 8. A


Tổng số lượt xem trang