"Em bé không có khẩu trang thì ai sẽ bảo vệ ạ?"

[GÓC ADMIN]  

"Em bé không có khẩu trang thì ai sẽ bảo vệ ạ?"

"Ông ơi, khẩu trang bảo vệ người lớn không bị con Covid làm đau ... Ơ, thế em bé không có khẩu trang thì ai sẽ bảo vệ ạ?"
Cháu nội 2 tuổi của tôi đã hỏi tôi như thế!
Đó là khi thằng bé nhìn thấy bức ảnh một người đàn ông với đầy đủ khẩu trang, đồ bảo hộ đang bế một em bé không đeo khẩu trang giữa tâm dịch...

Tôi cứ nghĩ chỉ người lớn mới cảm nhận được tác động khủng khiếp của đại dịch do Covid-19 mang lại, nhưng hoá ra những đứa trẻ cũng hiểu được rằng thế giới đang thay đổi khủng khiếp những ngày qua. 

Thế giới của chúng ta đã thay đổi quá nhiều, mấy tháng qua ! Đủ để khiến đứa cháu nội bé bỏng của tôi, "sinh viên" lớp mầm trường mẫu giáo có thể dành cả ngày để vui chơi, giờ đã biết bận tâm về sinh mạng con người.

Thế giới đã thay đổi quá nhiều mấy tháng qua... Khi Chính phủ Philippines sau nửa năm chống chọi với dịch bệnh, đã buộc phải đưa ra thông báo: Họ chẳng còn biết lấy đâu ra tiền hỗ trợ người dân và doanh nghiệp nữa. 

Ngoài kia, những người dân sống lay lắt trong khu ổ chuột của họ chỉ biết ngửa mặt bi ai: "Có thể chúng tôi tránh được virus, nhưng cũng chẳng có nghĩa lý gì, vì dù gì chúng tôi cũng sẽ chết vì đói”.

Mỹ Latin bước vào năm 2020 như một chiếc máy bay hoạt động với một động cơ bị hỏng, và bây giờ, đã hỏng nốt cái còn lại. Chiếc máy bay đang vật lộn để tìm nơi hạ cánh, để cứu hành khách trên khoang. Cũng như 230 triệu người (tức 1/3 dân số Mỹ Latinh) sẽ lâm vào cảnh nghèo đói vì Covid-19.

Còn ở Việt Nam, tôi nhìn thấy những dòng người lũ lượt bỏ thành phố về quê vì không còn kế sinh nhai. Còn cháu nội tôi, thay vì có một mùa hè thoả sức vui đùa, nó chỉ được phép quanh quẩn ở nhà và nhìn thế giới ở vườn nhà hoặc chiếc ipad.

Chúng ta nhắc nhiều đến các quốc gia, đến nền kinh tế, nhưng thực chất, ai là nhóm người chịu ảnh hưởng nặng nề nhất  trong biến động lớn này?
Với tôi, chính là 116 triệu trẻ em sẽ được sinh ra trong năm nay khắp thế giới. Ở Việt Nam, con số đó là 1,5 triệu. 

Điều đó gợi lên cho bạn điều gì? 

Với tôi, đó là nguy cơ sinh ra trong tình trạng quá tải của hệ thống y tế; trong tình trạng kiệt quệ từng đồng lương của bố mẹ; trong tình trạng nguồn sống không khí bỗng hoá nguồn truyền thứ dịch bệnh chết người...

Những đứa trẻ phải chết vì không được chăm sóc y tế khi bệnh tật sẽ nhiều hơn;
Số trẻ em bị suy dinh dưỡng hay chết vì đói cũng sẽ nhiều hơn;
Và dĩ nhiên sẽ nhiều vô kể những đứa bé thất học vì không có điều kiện học online. 

Sinh ra thời dịch bệnh như này, những đứa trẻ mới chào đời đã vấp phải thử thách lớn nhất của nhân loại trong gần một thế kỷ. 

Mấy ngày trước, tôi có nghe thấy tâm sự từ
một sản phụ khi đón đứa con chào đời trong bệnh viện của tôi. Cô ấy nói cô ấy hạnh phúc vì được gặp con trong sự an tâm, nhưng cũng ước gì mình đã chọn một thời điểm khác cho con chào đời khi nghĩ đến chuỗi ngày dài phía trước.
Đó là tâm sự chung của những người mẹ đang quá lo lắng cho con mình trước những nguy cơ đang cận kề giữa đại dịch.

Tôi đồng cảm với nỗi sợ ấy!
Người lớn chúng ta ai có lẽ cũng có ít nhất một đứa trẻ cần bảo vệ! Nhưng làm thế nào để bảo vệ những thiên thần nhỏ của mình thì quả là không dễ trả lời. Những bà mẹ dù ở Hà Nội, Đà Nẵng hay bất kể đâu trên thế giới cũng đều có điểm chung là lo lắng cho con mình.

Nhưng tôi tin nếu chúng ta đoàn kết và chia sẻ gánh nặng này cùng nhau, mỗi người làm một việc, chúng ta sẽ sớm tìm ra câu trả lời cho câu hỏi khó ấy! 

Chiều nay, tôi trò chuyện với các bác sĩ, nhân viên y tế trong bệnh viện chúng tôi, và chúng tôi đều đồng ý rằng lựa chọn của chúng tôi là ĐỒNG HÀNH & CHIA SẺ.

Dù Bộ Y tế chưa huy động đến các bệnh viện tư, nhưng đơn tình nguyện tăng cường cho vùng dịch đã được nhiều bác sĩ của Bệnh viện đa khoa Phương Đông viết sẵn và chờ lên đường bất cứ khi nào Đà Nẵng gọi.
Một cơ sở sản xuất khầu trang y tế cũng đồng ý nhận sản xuất khẩu trang và mũ chắn giọt bắn cho trẻ nhỏ với số lượng lớn và đảm bảo tiêu chuẩn theo đơn đặt hàng của tôi , để dành tặng cho trẻ em ở Đà Nẵng. 

Sẽ còn rất nhiều người lớn khác, với những cách làm khác, đang nỗ lực hết mình ngoài kia để bảo vệ những em bé sinh ra và lớn lên trong thời dịch: đó có thể là những bác sĩ ngày đêm túc trực ở bệnh viện; đó có thể là những nhà khoa học đang miệt mài tìm ra vaccine; đó có thể là một ông bố bà mẹ ở đâu đó sẵn sàng nhịn đói để có tiền mua cho con mình cốc sữa nóng. 

Rồi người lớn chúng ta sẽ tìm ra cách để vượt qua giai đoạn này, tôi tin thế! Những đứa trẻ sinh ra trong thời dịch cũng sẽ bình an vượt qua "cuộc chiến" Covid-19.

Tối nay khi đi làm về, tôi sẽ kể cho cháu tôi về điều nhỏ bé mà tôi có thể làm ngay ở thời điểm hiện tại. Tôi hy vọng lũ nhỏ sẽ là những chiến binh kiên cường được sinh ra trong thời dịch, cũng như thế hệ chúng tôi từng sinh ra trong thời chiến."
...

Trên đây là chia sẻ của Shark Nguyễn Thanh Việt - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Tổ hợp Y tế Phương Đông.
Một bài viết mang lại suy tư cho nhiều người. 

Thật vậy, chúng ta đang sống trong một thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, và đối tượng yếu thế nhất, bị tác động nhiều nhất, chính là thế hệ tương lai của chúng ta - thế hệ sinh ra trong thời dịch. 

#vtv #vtvdigital #gocadmin


Tổng số lượt xem trang