ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN VÀ ĐIỀU KIỆN LỊCH SỬ - XÃ HỘI VỚI QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH, PHÁT TRIỂN CỦA TRIẾT HỌC ẤN ĐỘ CỔ ĐẠI

 

PHẦN MỞ ĐẦU

 

1.    Tính cấp thiết của đề tài

Với điều kiện t nhiên hết sức phong phú, đa dạng nhưng cũng rất khắc nghiệt và chế độ chiếm hữu nô lệ mang tính chất gia trưởng hà khắc, lại bị kìm hãm bởi sự kiên cố của công xã nông thôn và chế độ phân biệt đẳng cấp xã hội khắt khe, triết học Ấn Độ đã hình thành và phát triển, với những kinh sách và các trường phái triết học nổi tiếng như kinh Veda, kinh Upanishad, Bhagavad - gità, Ràmàyana, Mahàbhàrata, Bàlamôn giáo, Phật giáo, trường phái triết học Sànkhya, Vaisesika, Nyàya, Yoga, Mimàms, Vedànta, Jaina, Lokàyata hay Càrvàka... Triết học Ấn Độ cổ đại luôn quan tâm đến con người và luôn đi tìm kiếm lời giải đáp cho hàng loạt câu hỏi liên quan đến vấn đề nhân sinh như: “Con người sinh ra từ đâu? Con người sống như thế nào? Con người trú ngụ ở đâu khi chết đi?”[1]. Ý nghĩa tối cao của cuộc đời con người là gì? Làm thế nào để giải thoát (moks’a) con người khỏi nỗi khổ của cuộc đời? Chính cách đặt và giải quyết vấn đề nhân sinh như thế đã làm cho triết học Ấn Độ cổ đại trở thành triết lý sống của người Ấn Độ, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc; vì nó không chỉ thể hiện mong muốn của người Ấn Độ trong quá khứ và hiện tại mà còn thể hiện mơ ước của người Ấn Độ cả tương lai. Nó đã đem lại cho nhân loại một cách nhìn mới về nhân sinh.

Nền triết học và tôn giáo đặc sắc ấy không chỉ ảnh hưởng sâu đậm đến truyền thống văn hóa, đời sống tinh thần, đạo đức, tâm linh của người Ần Độ mà còn ảnh hưởng sâu rộng đến quan niệm, tư tưởng của người dân các nước phương Đông, trong đó có Việt Nam. Việc nghiên cứu đặc điểm, ý nghĩa lịch sử của triết học Ấn Độ cổ đại không chỉ giúp chúng ta có sự hiểu biết một cách hệ thống và sâu sắc hơn văn hóa của dân tộc Ấn Độ mà còn cho chúng ta thấy sự ảnh hưởng của nó đến truyền thống văn hóa của các dân tộc khác trên thế giới.

Ở Việt Nam, hàng ngàn năm qua văn hóa Ấn Độ nói chung và đặc biệt là tư tưởng Phật giáo nói riêng đã ảnh hưởng khá sâu đậm đến đời sống tinh thần, đạo đức, tôn giáo của dân tộc ta. Văn hóa Ấn Độ đã góp phần tạo nên một trong những yếu tố trong truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam. Vì vậy, tìm hiểu, nghiên cứu làm rõ nội dung và đặc điểm triết học Ấn Độ cổ đại, giúp chúng ta có sự hiểu biết sâu sắc hơn truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc ta.

Không những thế, nghiên cứu triết học Ấn Độ cổ đại còn cho chúng ta có được một cách nhìn toàn diện và hệ thống về lịch sử phát triển tư tưởng triết học của nhân loại; từ đó, góp phần giúp chúng ta rèn luyện tư duy lý luận, vươn tới đỉnh cao của khoa học, như Ph. Ăngghen đã từng nói: “Một dân tộc muốn đứng vững trên đỉnh cao của khoa học thì không thể không có tư duy lý luận”[2], “nhưng tư duy lý luận chỉ là một đặc tính bẩm sinh dưới dạng năng lực của người ta mà thôi. Năng lực ấy cần phải được hoàn thiện, và muốn hoàn thiện nó thì cho tới nay, không có một cách nào khác hơn là nghiên cứu toàn bộ triết học thời trước”[3]. Vì thế, tôi chọn vấn đề Triết học Ấn Độ cổ đại - nội dung, đặc điểm và ý nghĩa lịch sử làm đề tài luận n tiến sĩ triết học.

    2. Tổng quan tình hình nghiên cứu đề tài

Có thể khái quát các công trình nghiên cứu về nội dung, đặc điểm và ý nghĩa lịch sử của triết học Ấn Độ cổ đại thành ba chủ đề chính.

Chủ đề thứ nhất, đó là các công trình nghiên cứu về triết học Ấn Độ cổ đại trong tổng thể quá trình lịch sử và văn hóa Ấn Độ, như các công trình: Our Oriental Heritage (Di sản phương Đông của chúng ta) của Will Durant, do Simon and Schuster, New York, 1954, với Quyển 2 có tựa đề Ấn Độ và những người láng giềng của mình (India and Her Neighbors) đã trình bày, phân tích khá sâu sắc về lịch sử văn minh Ấn Độ trên các lĩnh vực như địa lý, dân cư, lịch sử, kinh tế, chính trị - xã hội, phong tục, tập quán, tư tưởng, tín ngưỡng, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, kiến trúc,.. trong đó có triết học, tôn giáo Ấn Độ; hay tác phẩm The Discovery of India  (Phát hiện Ấn Độ), 3 tập của Jawaharlal Nehru, do The Oxford University Press, New Delhi, India, 1954. Tuy đây không phải là những công trình chuyên về triết học nhưng trên nền tảng lịch sử và văn hóa chung, các tác giả trên cũng đã trình bày và đưa ra những đánh giá, những nhận định khá sâu sắc về đặc điểm của triết học Ấn Độ.

Chủ đề thứ hai, đó là các công trình nghiên cứu về quá trình hình thành, phát triển và những đặc điểm của triết học Ấn Độ cổ đại, như những công trình: Indian Philosophy của S. Radhakrisnan, do New York, The Machillan, 1951; và The Oxford University Press, New Delhi, India,1956; Six Systems of Indian Philosophy của Max Muller, do  Bhavan’s book University, 1899; Đại cương triết học phương Đông của Minh Chi và Hà Thúc Minh, Ban xuất bản Trường Đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 1993; Nhập môn triết học Ấn Độ của Lê Xuân Khoa, Trung tâm học liệu, Bộ giáo dục, Sài Gòn, 1972; Lịch sử triết học Ấn Độ của Thích Mãn Giác, Ban tu thư Đại học Vạn Hạnh, Sài Gòn, 1967; Lịch sử triết học Ấn Độ cổ đại của Doãn Chính - Lương Minh Cừ, Nxb. Đại học và giáo dục chuyên nghiệp, Hà Nội, 1991, Tư tưởng giải thoát trong triết học Ấn Độ của Doãn Chính, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1997… Các công trình trên đã đi sâu làm rõ nội dung của các trường phái triết học Ấn Độ cổ đại, qua đó đã đánh giá và rút ra những đặc điểm của nó, khá sâu sắc.

Chủ đề thứ ba, đó là các công trình nghiên cứu từng trào lưu, từng loại kinh sách triết học tôn giáo Ấn Độ. Trong đó phải kể đến các công trình như: A Sourcebook in Indian Philosophy, do Sarvepalli Radhakrishnan và Charles A. Moore biên soạn, Princeton University Prees, Princeton New Jersey, 1973, gồm các phần: Thời kỳ Veda (kinh Veda, kinh Upanishad), thời kỳ Anh hùng ca (Bhagavad-gità, Mahàbhàrata, Luật Manu, Artha-sàstra của Kautilya), Hệ thống triết học tôn giáo không chính thống (Càrvàka, Jainism, Buddhism), Hệ thống triết học tôn giáo chính thống (Nyàya, Vaisesika, Sànkhya, Yoga, Pùrva Mimàmsà, Vedànta); The Upanishas, 4 vol, do Bonanaza  Books, New York, xuất bản năm 1949, 1953, 1956, 1959; The Bhagavad gita, của S. Radhakrisnan, Allen và Unwin, London, xuất bản năm 1953; Áo nghĩa thư Uphanisshad, An Tiêm, Sài Gòn, 1972, Shri Aurobindo bình giải; Nguyên thủy Phật giáo tư tưởng luận của Kimura Taiken, Vạn Hạnh, Sài Gòn, 1969; Tiểu thừa Phật giáo tư tưởng luận của Kimura Taiken, Vạn Hạnh, Sài Gòn, 1969; Đại thừa Phật giáo tư tưởng luận của Kimura Taiken, Vạn Hạnh, Sài Gòn, 1969

Những công trình trên đã đi sâu vào nội dung của từng trường phái hoặc từng loại kinh sách, với những vấn đề triết học cụ thể như bản thể luận, nhận thức luận, đạo đức nhân sinh của triết học Ấn Độ cổ đại, từ đó giúp chúng ta có sự hiểu biết sâu sắc và toàn diện hơn những đặc điểm của triết học Ấn Độ cổ đại. 

         3. Mục đích, nhiệm vụ của luận án

Mục đích của luận án: Từ sự trình bày khái quát quá trình hình thành, phát triển và nội dung cơ bản của triết học Ấn Độ cổ đại, luận án nhằm làm rõ những đặc điểm và ý nghĩa lịch sử của nó trên các mặt tư tưởng, tôn giáo và đạo đức, trong đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc Ấn Độ.

Nhiệm vụ của luận án:

Một là, trình bày, phân tích làm rõ những đặc điểm điều kiện tự nhiên và điều kiện lịch sử - xã hội; sự phát triển của các thời kỳ văn minh và các thành tựu về văn hóa, khoa học cổ Ấn Độ tác động, ảnh hưởng, chi phối đến qúa trình hình thành, phát triển; đặc biệt là đến nội dung và đặc điểm của triết học Ấn Độ cổ đại.

Hai là, trình bày quá trình hình thành, phát triển của triết học Ấn Độ cổ đại với những nội dung tư tưởng cơ bản của các trường phái triết học cổ Ấn Độ, qua hai thời kỳ thời kỳ Véda - Sử thi hay Veda - Anh hùng ca và thời kỳ Cổ điển hay thời kỳ Phật giáo, Bàlamôn giáo.

Ba là, từ những nội dung tư tưởng của các trường phái triết học Ấn Độ cổ đại, luận án đánh giá chỉ ra những đặc điểm chủ yếu và rút ra ý nghĩa lịch sử của nó cả về mặt lý luận và thực tiễn, trên các phương diện tư tưởng, tôn giáo và vấn đề đạo đức nhân sinh của dân tộc Ấn Độ, qua đó nêu lên một số hạn chế của nó.

4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận án

 Luận án không nghiên cứu toàn bộ lịch sử triết học Ấn Độ nói chung, mà chỉ tập trung nghiên cứu nội dung, đặc điểm và ý nghĩa lịch sử của triết học Ấn Độ thời kỳ Veda - Sử thi hay thời kỳ Veda - Anh hùng ca (khoảng từ thế kỷ XV trước CN đến thế kỷ VI trước CN) và thời kỳ Phật giáo - Bàlamôn giáo (từ thế kỷ VI trước CN đến thế kỷ thứ III sau CN).

     5. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu

Luận án dựa trên cơ sở thế giới quan và phương pháp luận của triết học mác xít, đồng thời sử dụng các phương pháp nghiên cứu cụ thể như phân tích và tổng hợp, lô gích và lịch sử, quy nạp và diễn dịch, trừu tượng hóa, khái quát hóa, đối chiếu, so sánh và phương pháp văn bản học để nghiên cứu và trình bày luận án. Luận án được tiếp cận đưới góc độ triết học lịch sử và giá trị học.

6.    Cái mới của luận án

Một là, luận án đã trình bày làm rõ quá trình hình thành, phát triển của triết học Ấn Độ cổ đại, một cách hệ thống, với các giai đoạn phát triển và những nội dung của các kinh sách, các trường phái triết học Ấn Độ cổ đại.

Hai là, luận án đã phân tích làm rõ những đặc điểm và ý nghĩa lịch sử của triết học Ấn Độ cổ đại đối với đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc Ấn Độ; đó là ý nghĩa về mặt tư tưởng, tôn giáođạo đức.

         7. Ý nghĩa khoa học và ý nghĩa thực tiễn của luận án

Về ý nghĩa khoa học: Việc tìm hiểu, nghiên cứu làm rõ những nội dung, đặc điểm và ý nghĩa lịch sử của triết học Ấn Độ cổ đại, giúp người đọc có sự hiểu biết một cách hệ thống, cơ bản và sâu sắc hơn về triết học Ấn Độ cổ đại nói riêng và về nền văn hóa của Ấn Độ nói chung.

Về ý nghĩa thực tiễn: Việc nghiên cứu triết học Ấn Độ cổ đại một cách hệ thống và cơ bản cả về nội dung, đặc điểm và ý nghĩa lịch sử, không chỉ giúp chúng ta thấy rõ sự ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ nói chung và của Phật giáo nói riêng đối với nền văn hóa của dân tộc ta, mà qua đó còn giúp chúng ta hiểu biết sâu sắc hơn, với lòng tự tôn dân tộc và tinh thần khoan dung văn hóa, dân tộc Việt Nam đã tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa giá trị của nhiều nền văn hóa trên thế giới, trong đó có văn hóa Ấn Độ như thế nào, để từ đó làm phong phú và sâu sắc nền văn hóa dân tộc ta trong lịch sử.

         8. Kết cấu cơ bản của luận án

         Ngoài phần mở đầu, phần kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, luận án gồm 200 trang được kết cấu thành 3 chương, 6 tiết và 15 tiểu tiết.

 

Chương 1

KHÁI QUÁT ĐIỀU KIỆN VÀ TIỀN ĐỀ HÌNH THÀNH,

PHÁT TRIỂN CỦA TRIẾT HỌC ẤN ĐỘ CỔ ĐẠI

 

Là một trong những hình thái ý thức xã hội, triết học Ấn Độ ra đời và phát triển tất yếu bị chi phối và phản ánh những đặc điểm của điều kiện sống và tính chất sinh hoạt xã hội Ấn Độ, như C. Mác đã nói: “Chính con người, khi phát triển sự sản xuất vật chất và sự giao tiếp vật chất của mình, đã làm biến đổi, cùng với hiện thực đó của mình, cả tư duy lẫn sản phẩm tư duy của mình. Không phải ý thức quyết định đời sống mà chính đời sống quyết định ý thức”[4].

1.1. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN VÀ ĐIỀU KIỆN LỊCH SỬ - XÃ HỘI VỚI QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH, PHÁT TRIỂN CỦA TRIẾT HỌC ẤN ĐỘ CỔ ĐẠI

         1.1.1. Điều kiện tự nhiên của Ấn Độ cổ với quá trình hình thành và phát triển của triết học Ấn Độ cổ đại

Có thể nói, triết học Ấn Độ cổ đại hình thành và phát triển trong điều kiện sống hết sức đa dạng, phong phú và phức tạp. Đó là một đất nước rộng lớn với cư dân, phong tục, tập quán, ngôn ngữ và cả sinh hoạt xã hội đa dạng. Đó cũngmột đất nước có điều kiện tự nhiên, khí hậu hết sức phong phú: có những miền núi cao quanh năm tuyết phủ như Himalaya, có vùng cao nguyên khô cằn như Deccan và đại dương mênh mông như Ấn Độ dương, nhưng cũng có những vùng đồng bằng màu mỡ như đồng bằng Ấn - Hằng với các con sông lớn như sông Ấn (Indus), sông Hằng (Ganga), là cái nôi của nền văn minh tối cổ của Ấn Độ - văn minh sông Ấn từ thiên niên kỷ thứ III trước CN, là nơi hình thành chế độ nô lệ ở Ấn Độ và một nền văn hóa cổ truyền, kết quả sự tiếp biến, dung hợp giữa nền văn hóa bản địa (người Dravidian, Munda, Naga) với nền văn hóa của người Aryan, tạo ra nền văn minh mới - nền văn minh Veda rực rỡ.

Tóm lại, với những điều kiện địa lý, khí hậu và tự nhiên đa dạng, huyền bí, khắc nghiệt và đầy uy lực, vốn là cái nôi sinh ra và che chở con người từ thuở ban sơ, nhưng cũng luôn là áp lực đè nặng lên đời sống con người, đã tác động thường xuyên, lâu dài đến phong tục, tập quán, tâm lý, tín ngưỡng, tôn giáo và cả quan điểm tư tưởng của người Ấn Độ cổ. Những đặc điểm, điều kiện địa lý, tự nhiên, khí hậu đó tất yếu đã ảnh hưởng đến quá trình hình thành, đến nội dung và đặc điểm của triết học Ấn Độ cổ đại. Người Ấn Độ cổ luôn ước mơ một cuộc sống an lành và hạnh phúc; nhưng trước điều kiện sống khắc nghiệt họ hoặc phải dựa vào sự che chở bởi sức mạnh, quyền uy của các lực lượng siêu nhiên do sự thần thánh hóa các thế lực của tự nhiên và xã hội mà thành; hoặc đi tìm giá trị cuộc đời trong thế giới nội tâm, trong tinh thần, đạo đức, tâm linh con người.

          1.1.2. Điều kiện lịch sử - xã hội Ấn Độ cổ với quá trình hình thành và phát triển triết học Ấn Độ cổ đại

Quá trình hình thành, phát triển và những nội dung, đặc điểm của triết học Ấn Độ còn bị chi phối bởi tính chất đặc biệt của điều kiện lịch sử - xã hội Ấn Độ cổ đại. Đó chính là chế độ nô lệ mang tính chất gia trưởng, lại bị kìm hãm bởi sự kiên cố của công xã nông thôn cùng với chế độ phân biệt đẳng cấp xã hội hết sức khắc nghiệt - chế độ varna. Chế độ nô lệ ở Ấn Độ cổ đại hình thành trong quá trình người Aryan làm cuộc di thực, xâm nhập và chinh phục Ấn Độ từ giữa thiên niên kỷ II trước CN. Theo bộ luật Manu người ta chia nô lệ Ấn Độ ra làm 15 loại, như: nô lệ do cha mẹ nô lệ sinh ra, nô lệ mua về, nô lệ thừa kế, do phạm tội bị phạt làm nô lệ, nô lệ chiến tù, nô lệ được thưởng trong các cuộc thách đấu, nô lệ tự nguyện, vì bội ước mả phải làm nô lệ, nô lệ tạm thời, bán mình làm nô lệ... Người chủ nô không chỉ có quyền hành tuyệt đối đối với nô lệ mà còn đối với cả các thành viên trong gia đình. Chế độ nô lệ ở Ấn Độ cổ là chế độ xã hội chưa đạt tới trình độ phát triển thành thục như ở Hy Lạp - La Mã cổ đại, lại mang tính gia trưởng và bị kìm hãm bởi sự kiên cố của công xã nông thôn, “nhờ vào mối liên hệ có tính chất gia trưởng trong tổ chức, phân công lao động giữa nông nghiệp và thủ công nghiệp”[5], làm cho nền kinh tế mang nặng tính chất tự nhiên, tự cấp, tự túc và do đó làm cho xã hội hết sức bảo thủ, trì trệ, đã trói buộc con người với quy tắc xã hội cổ truyền, với chế độ chuyên chế phương Đông.

Cùng với chế độ nô lệ mang tính chất gia trưởng, xã hội Ấn Độ còn bị đè nặng bởi sự phân biệt đẳng cấp hà khắc. Theo Rig - Veda và bộ luật Manu chế độ phân biệt đẳng cấp được phân thành bốn đẳng cấp chính: đẳng cấp Bàlamôn (Bràhmin), đẳng cấp vương công, võ sĩ (Kshatriya), đẳng cấp thương nhân, điền chủ (Vaishya) đẳng cấp nô lệ (Shudra) và tầng lớp cùng đinh, hạ đẳng (Paria). Chế độ phân biệt đẳng cấp ở Ấn Độ không chỉ được giáo lý đạo Bàlamôn biện hộ mà còn được pháp luật nhà nước bảo vệ; nó không chỉ là sự phân biệt địa vị xã hội mà còn là sự phân biệt về chủng tính, nghề nghiệp, tôn giáo, hôn nhân, giao tiếp giá trị, ý nghĩa tôn giáo và đạo đức thiêng liêng của con người.

Tóm lại, nếu như trong quan hệ với tự nhiên, đứng trước những lực lượng tự nhiên đầy khắc nghiệt và huyền bí, luôn gây ra cho con người những tai họa bất trắc, thì trong quan hệ xã hội, với chế độ xã hội hết sức hà khắc, người Ấn Độ cổ cảm thấy cuộc đời đầy đau khổ. Mơ ước giải thoát khỏi nỗi khổ của cuộc đời đã trở thành khát vọng của người Ấn Độ. Do vậy, hầu như các trường phái triết học, tôn giáo xuất hiện thời kỳ này đều tập trung vào lý giải căn nguyên và tìm con đường để giải thoát con người khỏi nỗi khổ. Chính những đặc điểm điều kiện trên đã chi phối nội dung và đặc điểm của triết học Ấn Độ cổ đại.

1.2. SỰ PHÁT TRIỂN CỦA NỀN VĂN MINH VÀ CÁC THÀNH TỰU VỀ VĂN HÓA, KHOA HỌC CỔ ẤN ĐỘ VỚI QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH, PHÁT TRIỂN CỦA TRIẾT HỌC ẤN ĐỘ CỔ ĐẠI

         1.2.1. Sự phát triển của nền văn minh cổ Ấn Độ với quá trình hình thành và phát triển của triết học Ấn Độ cổ đại

Quá trình phát sinh, phát triển và những nội dung, đặc điểm của triết học Ấn Độ cổ đại không chỉ nảy sinh và mang đậm dấu ấn điều kiện tự nhiên và xã hội của đất nước Ấn Độ cổ mà nó còn phản ánh và dựa trên nền tảng của nền văn minh Ấn Độ cổ - trình độ phát triển về các phương diện giá trị vật chất, kỹ thuật đặc sắc. Đó là “sự phát triển một cách kỳ diệu lạ thường và đáng khâm phục của một nền văn minh”[6], từ thời kỳ văn minh sông Ấn (thiên niên kỷ III tr. CN) qua nền văn minh Veda - Sử thi (khoảng thế kỷ XV tr. CN - thế kỷ VI tr. CN), đến thời kỳ Phật giáo - Bàlamôn giáo (thế kỷ VI tr. CN - thế kỷ III sau CN). Xã hội cũng như nền văn minh Ấn Độ cổ trải qua các thời kỳ với những sự kiện, trình độ và thành tựu hết sức rực rỡ, độc đáo, là một trong những cơ sở ảnh hưởng, chi phối quá trình hình thành, phát triển của tư tưởng triết học Ấn Độ.

1.2.2. Những thành tựu về văn hóa và khoa học cổ Ấn Độ với quá trình hình thành, phát triển của triết học Ấn Độ cổ đại

          Là hình thái ý thức xã hội, nội dung, đặc điểm của triết học Ấn Độ cổ đại không chỉ bị chi phối, phản ánh điều kiện tự nhiên và tính chất sinh hoạt xã hội Ấn Độ cổ, mà còn dựa trên tiền đề khoa học và văn hóa - tổng hợp những giá trị vật chất và tinh thần mà người Ấn Độ đã sáng tạo nên qua quá trình hoạt động thực tiễn lâu dài trong lịch sử, khá phong phú và độc đáo trên tất cả các lĩnh vực như: thiên văn học, toán học, y học, kỹ thuật, văn học, nghệ thuật, âm nhạc, điêu khắc, kiến trúc... Sự phát triển của nền văn minh Ấn Độ là nền tảng để triết học Ấn Độ nảy sinh và phát triển; còn những thành tựu về văn hóa và khoa học ở Ấn Độ cổ là những tiền đề, những tư liệu quý báu để từ đó người Ấn Độ khái quát lên thành những tư tưởng triết học, với những quan niệm về thế giới và nhân sinh đặc sắc của mình.

     KẾT LUẬN CHƯƠNG 1

          Quá trình hình thành, phát triển cũng như nội dung, đặc điểm của tư tưởng triết học Ấn Độ cổ đại là sự phản ánh, chịu sự quy định đậm nét bởi điều kiện tự nhiên, điều kiện khí hậu hết sức đa dạng, khắc nghiệt cùng với sự chi phối và ảnh hưởng sâu sắc bởi điều kiện lịch sử - xã hội Ấn Độ cổ đại. Trong đó, đặc biệt là chế độ nô lệ mang tính chất gia trưởng hà khắc, lại bị kìm hãm bởi công xã nông thôn, với sự khép kín về địa bàn cư trú, về dân cư, về tổ chức hành chính và nền kinh tế tự nhiên, tự cung, tự cấp, bảo thủ, trì trệ và chế độ phân biệt đẳng cấp xã hội  - chế độ varna, là sự phân biệt về chủng tính, sắc tộc, về hôn nhân, nghề nghiệp, về tôn giáo và cả về sự giao tiếp hết sức khắt khe.

          Không những thế, quá trình hình thành, nội dung và đặc điểm của triết học Ấn Độ còn dựa trên một cơ sở, một tiền đề khác hết sức quan trọng, đó là sự phát triển đặc sắc của nền văn minh Ấn Độ cổ đại, qua các thời kỳ lớn như: thời kỳ văn minh sông Ấn, thời kỳ văn minh Veda - Sử thi, thời kỳ Phật giáo và Bàlamôn giáo, với các thành tựu khoa học và văn hóa nổi bật trên các lĩnh vực như: thiên văn học, lịch pháp, toán học, y học, văn học, nghệ thuật, điêu khắc, kiến trúc...  Tất cả những điều đó luôn tác động, ảnh hưởng và ghi dấu ấn sâu đậm đến đời sống vật chất và đời sống tinh thần, đến cách thức sinh hoạt và dân cư, đến quan niệm, tư tưởng, đến phong tục, tập quán, ngôn ngữ, tín ngưỡng, tôn giáo, đến quá trình hình thành, nội dung, đặc điểm của triết học Ấn Độ cổ đại.

                                                     

Chương 2

NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA

TƯ TƯỞNG TRIẾT HỌC ẤN ĐỘ CỔ ĐẠI

 

          Có thể phân chia quá trình hình thành, phát triển của triết học tôn giáo Ấn Độ cổ đại thành hai thời kỳ:

          2.1. TƯ TƯỞNG TRIẾT HỌC ẤN ĐỘ THỜI KỲ VEDA - SỬ THI (khoảng từ thế kỷ XV đến thế kỷ VI tr. CN)

Niên đại của thời kỳ này được xác định khoảng từ thế kỷ thứ XV trước Công nguyên đến thế kỷ thứ VI trước Công nguyên. Thời kỳ Veda - Sử thi là thời kỳ người Aryan xâm nhập Ấn Độ, tạo nên cuộc dung hợp văn hóa của người Aryan với nền văn hóa của người bản địa Dravidian, hình thành nên một nền văn minh mới - nền văn minh Veda. Trên cơ sở đó, tư tưởng triết học Ấn Độ hình thành và phát triển, thể hiện trong kinh Veda, kinh Upanishad và các cuốn sử thi lớn như Ràmàyana và Mahàbhàrata.

2.1.1.Tư tưởng triết học trong kinh Véda

         Kinh Véda là những bộ kinh cổ nhất của Ấn Độ. “Véda ” bắt nguồn từ căn tự “vid” nghĩa đen là “tri thức”, “hiểu biết”, nó không phải là những lời mặc khải của thần linh cho con người và cũng không phải do một nhân vật nào sáng tác, nó là một bộ sách thâu lượm tất cả những câu ca dao, vịnh phú, những quan điểm, tập tục, lễ nghi … của các bộ lạc người Aryan ở nhiều địa phương dọc theo sông Ấn (Indus), sông Hằng (Gange) và chân núi Hymalaya. Một thời gian dài các bộ kinh ấy đã được truyền khẩu từ thế hệ này qua thế hệ khác. Khoảng năm 1000 đến năm 800 trước CN nó mới được sưu tập chép lại bằng một thứ tiếng Phạn cổ. Có thể nói kinh Veda là một tác phẩm có tính hỗn hợp và người ta có nhiều cách phân chia. Theo nghĩa hẹp Véda gồm có bốn tập thánh kinh chủ yếu: 1. Rig - Véda, trong đó “rig” có nghĩa là “ca ngợi”, “veda” có nghĩa là “tri thức”, nên nó có nghĩa là tri thức về thánh ca. Nó gồm 1082 bài, là kinh dùng để cầu nguyện, ca ngợi công đức các bậc thần linh, trong đó có hai vị thần được nhắc đến nhiều nhất là thần Lửa Agni và thần Sấm sét Indra. Kinh này chuyên dùng cho bậc “Khuyến thỉnh sư” (Hotri); 2. Sama -Véda: Tri thức về các giai điệu ca chầu khi hành lễ, gồm 1.549 bài, là bộ sưu tập những bài ca, vần điệu ca ngợi thần linh. Kinh này chuyên dùng cho các bậc “Ca vinh sư” (Udgrat); 3. Yajur- Véda: Tri thức về các lời khấn tế, những công thức, lễ nghi trong lễ hiến tế. Còn gọi là “Tế tự Véda”, chuyên dùng cho các “Hành lễ sư” (Adhvaryn); 4. Atharva -Véda: Tách riêng ra với bộ ba trên, gồm 731 bài văn vần, là những lời khấn bái mang tính bùa chú, phù phép, ma thuật.

Véda còn gồm có các bộ phận muộn hơn là kết quả bình chú, chú giải kinh Veda về các mặt lễ nghi tôn giáo và triết lý mà có như: 1) Brahmana: gọi là Phạn chí, hay kinh Bàlamôn; 2) Aranyaka: (Kinh rừng) giải thích ý nghĩa huyền bí của những nghi lễ Véda; 3) Upanishad: là những kinh sách bình chú giải thích ý nghĩa triết lý sâu xa của tư tưởng thần thoại, tôn giáo Véda.

Đứng trước các hiện tượng tự nhiên, xã hội, con người đa dạng và huyền diệu người Ấn Độ đã sáng tạo ra thế giới các vị thần để lý giải các hiện tượng đó, nhằm thỏa mãn cả về mặt nhận thức và về mặt tâm lý con người. Dó đó, có thể nói thế giới quan thần thoại tôn giáo mang tính chất đa thần tự nhiên là thế giới quan đặc trưng của kinh Veda. Nhưng càng về sau, trong kinh Véda quan niệm tự nhiên về các vị thần linh đa dạng mà đồng điệu nhau, biểu tượng cho các hiện tượng tự nhiên phong phú đã dần mờ nhạt. Thay vào đó, đó là cách giải thích căn nguyên và bản chất của vũ trụ, vạn vật bằng một nguyên lý có tính trừu tượng và khái quát hơn, như Prajàpati, Brahman, Purusa

Tuy còn hết sức trực quan và mang dấu ấn của thế giới quan thần thoại, tôn giáo nhưng điều quan trọng nhất là từ những cái riêng lẻ, cụ thể, triết lý Ấn Độ đã vạch ra được cái chung, cái bản chất với nguyên lý trừu tượng để giải thích về căn nguyên của vũ trụ. Đó cũng là xu hướng tất yếu của tư tưởng triết học Ấn Độ sau này. Trong đó, nó chủ yếu tôn sùng ba vị thần: đó là thần Sáng tạo Brahmà, thần Hủy diệt Shiva và thần Bảo vệ Vishnu, như trong kinh Upanishad, trong Bhagavad - gità. Ba vị thần, ba xu hướng nhưng thực chất chỉ là sự thể hiện của một quá trình của vũ trụ. Sáng tạo là để bảo tồn rồi hủy diệt, hủy diệt để sáng tạo rồi bảo tồn, bảo tồn để hủy diệt rồi sáng tạo.

2.1.2.Tư tưởng triết học trong kinh Upanishad

Upanishad là một trong những bộ kinh quan trọng nhất của kinh Véda. Nó là những lời bình giải tôn giáo triết học cổ Ấn Độ về các lẽ thiết yếu, về các ý nghĩa triết lý sâu xa của các bài kinh, các nghi lễ cũng như các bản thần thoại Véda, được biên soạn qua nhiều thế kỷ (khoảng từ thế kỷ X đến thế kỷ V trước CN), bởi các tông phái trong những hoàn cảnh, địa phương khác nhau.

Upanishad có nghĩa là ngồi trang nghiêm lĩnh hội lý thuyết cao siêu với thầy vì “shad” có nghĩa là “ngồi”, “upa” nghĩa là “gần”, “ni” có nghĩa là “trang nghiêm”. Upanishad có tới hơn 200 bài kinh. Sự xuất hiện của Upanishad là bước chuyển từ thế giới quan thần thoại, tôn giáo sang tư duy triết học.

Về bản thể luận, trả lời câu hỏi, cái gì là thực tại cao nhất, là căn nguyên của tất cả mà khi nhận thức được nó, người ta sẽ nhận thức được mọi cái còn lại và có thể giải thoát được linh hồn khỏi sự lo âu khổ não của đời sống trần tục và sự ràng buộc của thế giới hiện tượng biến ảo, vô thường. Upanishad đã đưa ra một cách giải đáp duy tâm rằng: bản nguyên của thế giới này là “Linh hồn vũ trụ tối cao” Brahman, là thực tại tuyệt đối, tối cao, trừu tượng, huyền diệu, tinh khiết, bất diệt, là cái từ đó tất cả thế giới sinh ra và nhập về với nó sau khi tiêu tan.

Linh hồn cá nhân (Àtman) chỉ là sự biểu hiện của “Linh hồn tối cao” trong là cái “vỏ bọc” là thể xác, nên về bản chất linh hồn là đồng nhất với “Linh hồn tối cao”. Trong vũ trụ, từ cái vô cùng lớn đến cái vô cùng nhỏ, đều là sự biểu hiện của một cái tối cao, tuyệt đối, duy nhất Brahman. Vì Àtman “linh hồn” là cái tồn tại trong thể xác con người, nên con người lầm tưởng rằng linh hồn, “cái ngã” là cái khác với “Linh hồn vũ trụ”, khác với nguồn sống không có sinh, không có diệt của vũ trụ. Những ý chí, dục vọng và hành động của con người nhằm thỏa mãn những ham muốn đã gây ra những hậu quả, giam hãm linh hồn bất tử vào hết thể xác này đến thể xác khác, không đồng nhất với chân bản của mình là Brahman được, gọi là nghiệp báo (karma) và luân hồi (samsara).

Muốn giải thoát linh hồn bất tử khỏi vòng vây hãm của nghiệp báo, luân hồi, thoát khỏi sự chi phối của đời sống nhục dục và của thế giới hiện tượng cảm tính như ảo ảnh (màyà), thường biến, để đạt tới sự đồng nhất với “Tinh thần vũ trụ tối cao, tuyệt đối”, con người phải toàn tâm tu luyện đạo đức (karma-yoga) và rèn luyện trí tuệ trực giác (prajna-yoga), con người mới nhận ra chân bản của mình, khi đó linh hồn bất tử mới đồng nhất được với “Linh hồn vũ trụ tối cao”, giải thoát (moks’a).

Để nhận thức được bản thể tuyệt đối tối cao đó, Upanishad chia nhận thức của con người thành hai trình độ khác nhau: hạ trí (aparà-vidya) và thượng trí (parà-vidya). Hạ trí là tri thức phản ánh những sự vật, hiện tượng riêng lẻ, có hình tướng, danh sắc đa dạng của hiện thực, gồm các tri thức khoa học thực nghiệm, các ngành nghệ thuật. Thượng trí là trình độ vượt qua tất cả thế giới hiện tượng hữu hình, hữu hạn, thường biến, để nhận thức một thực tại tuyệt đối, duy nhất, bất diệt (aksara), là bản chất của tất cả những cái đang tồn tại. Tuy nhiên, hạ trí cũng có vai trò là phương tiện cần thiết đưa người ta tới thượng trí.

Cùng với kinh Véda, tư tưởng triết lý của kinh Upanishad đã trở thành hệ tư tưởng chính thống thống trị trong đời sống tinh thần xã hội Ấn Độ cổ đại. Nó ảnh hưởng, chi phối đến hầu hết quan điểm của các trường phái triết học Ấn Độ sau này. Không những thế, tư tưởng duy tâm tôn giáo của Upanishad đã đóng vai trò là cơ sở triết lý cho đạo Bàlamôn ở Ấn Độ.

         2.1.3.Tư tưởng triết học trong Ràmàyana và Mahàbhàrata

         Tư tưởng triết học trong bộ sử thi Ràmàyana: Ràmàyana nói về những kỳ tích của Hoàng tử Rama, một mẫu hình cổ điển của người anh hùng thuộc đẳng cấp võ sĩ Kshatriya. Rama đã từng chịu đựng nhiều nỗi oan nghiệt của cuộc đời, vì danh dự của đẳng cấp võ sĩ, vì bổn phận (dharma) mà từ bỏ cuộc sống vương giả, cùng với người em trai cùng cha khác mẹ và tướng khỉ Hanuman vượt qua mọi thử thách của thiên nhiên cũng như những mưu mô ác độc của con người và ma quỷ, để chiến thắng tất cả và trở về với ngôi vương của mình. Sita đã từng theo Rama đi đày suốt mười bốn năm trong rừng và bị quỷ Ravana mười đầu bắt cóc về giam giữ, ép làm vợ tại đảo Lanka. Nhưng trong cuộc chiến đấu cuối cùng với chính mình, Rama lại bị gục ngã trước sức mạnh hiểm độc của lòng ghen tuông, đố kỵ ám ảnh. Khi Rama kịp nhận ra lỗi lầm của mình thì sự tình đã quá muộn. Vì quá thất vọng trước tình đời đen bạc Sita đã kêu gọi nữ thần Đất mẹ giang rộng đôi tay đón nàng trở về nơi mình đã sinh ra.

Tư tưởng chủ yếu như dấu son trong Ràmàyana đó là ý nghĩa triết lý đạo đức - nhân sinh trong quan niệm của người Ấn Độ cổ về con người và về phẩm chất, giá trị và bổn phận tự nhiên của con người. Rama và Sita là tấm gương điển hình của triết lý nhân sinh lý tưởng của người Ấn Độ cổ. Đức hy sinh, lòng quả cảm theo bổn phận, theo đạo lý một cách tự nhiên, vô tư, nhiệt thành, không bị mê hoặc bởi nhục dục và sự quyến rũ của thế giới hiện tượng như ảo ảnh của Rama là bài học sống động cho ý nghĩa cuộc sống của người Ấn Độ. Còn lòng thủy chung, can đảm và nhân từ của Sita trong gian nan, đau khổ lại là một bậc đức hạnh, thánh thiện đứng hàng đầu cái thiện của con người.

Tư tưởng triết học trong bộ sử thi Maahàbhàrata: Mahàbhàrata có nghĩa là “Đại thi tập về cuộc chiến tranh của dòng họ Bharata”, gồm 110.000 câu thơ đôi. Nội dung cơ bản của tác phẩm nói về trận chiến đấu 18 ngày đêm, trên cánh đồng Kurukshetra, tại vùng đồng bằng sông Hằng, cách New Delhi ngày nay khoảng 90km về phía Đông Bắc, giữa một bên là một trăm anh em dòng họ Kaurava với bên kia là năm hoàng tử Pandava. Hai bên đều là thân tộc, con cháu của Bharata, chỉ vì giành giật đất đai, quyền hành mà dứt tình đồng tộc đến mức dốc hết cả lực lượng ra tử chiến. Bên cạnh nội dung chính của câu chuyện chỉ chiếm một phần tư độ dài của tác phẩm, bộ sử thi đã lắp ghép rất nhiều những sự tích thần linh, truyện ngụ ngôn, những ẩn dụ triết học và châm ngôn xử thế.

Phần lắp ghép quan trọng nhất là tác phẩm triết học nổi tiếng Bhagavad gità (Chí tôn ca) được đưa vào toàn bộ quyển VI, vốn là lời khuyên bảo dài 700 câu thơ của người đánh xe Krishna, hóa thân của thần Vishnu, giảng giải cho dũng sĩ Arjuna về bản chất của thế giới và linh hồn, về lẽ trời (dharma), về trách nhiệm, bổn phận theo đạo tự nhiên, cao cả của con người, trong đêm trước trận quyết chiến với 100 anh em dòng họ Kaurava. Muốn vậy người ta phải nhận thức được rằng, cái thiết yếu nhất trong mỗi con người không phải là tình cảm, ý muốn, dòng máu, thân tộc hay sống chết mà chính là linh hồn bất tử. Linh hồn bất tử trong mỗi chúng sinh với thể xác, hình hài cụ thể, cảm tính, hữu hình, luôn biến đổi chỉ là sự hiện thân khác nhau của cùng một cái duy nhất, tuyệt đối, tối cao, bất diệt, là bản thể của tất cả mọi cái đang tồn tại, đó là “Linh hồn tối cao”. Người ta cần phân biệt đâu là thế giới hiện tượng, thường biến như ảo ảnh (màyà) và đâu là bản thể chân thực, tuyệt đối, vĩnh viễn của tất cả những cái hữu hình, hữu hạn, thường biến đó, mà rèn luyện trí tuệ (prajna-yoga), tu luyện đạo đức, hành động trong sáng, vô tư, nhiệt thành, không vụ lợi (karma-yoga) cùng với lòng tin yêu Đấng tối cao (bhakti-yoga) mới đạt được sự siêu thoát. Do đó Bhagavad-gità đã trở thành bộ kinh có tính phổ biến nhất của đạo Hinđu.

         2.2. TƯ TƯỞNG TRIẾT HỌC ẤN ĐỘ THỜI KỲ CỔ ĐIỂN HAY THỜI KỲ PHẬT GIÁO, BÀLAMÔN GIÁO (từ thế kỷ VI tr. CN đến thế kỷ III)

         Người ta gọi thời kỳ này là thời kỳ Bàlamôn giáo và Phật giáo bởi vì, các trào lưu triết học tôn giáo Ấn Độ đều bắt nguồn từ tư tưởng truyền thống Veda, Upanishad và chịu ảnh hưởng sâu rộng bởi giáo lý của đạo Bàlamôn, được mệnh danh là hệ tư tưởng và tôn giáo chính thống ở Ấn Độ. Nhưng cũng chính trong thời kỳ này đã xuất hiện những học thuyết có tư tưởng đối lập với tư tưởng và giáo lý đạo Bàlamôn, thể hiện tinh thần tự do tư tưởng và bình đẳng xã hội, trong đó tiêu biểu là Phật giáo. Các trường phái triết học tôn giáo thời kỳ này mặc dù có nhiều xu hướng, song có thể chia thành hai hệ thống lớn:

         2.2.1. Hệ thống triết học chính thống (The Orthodox Systems)

          Là hệ thống các trường phái triết học thừa nhận uy thế của kinh Veda, Upanishad và biện hộ cho giáo lý của đạo Bàlamôn, bảo vệ chế độ phân biệt đẳng cấp xã hội, được gọi là as’tika (nghĩa là “cái đó tồn tại”), gồm có sáu trường phái chính hay sáu darsanas (các quan điểm): Sànkhya, Vais’esika, Nyàyà, Yoga, Mimàmsà và Vedànta.

         Phái đầu tiên trong hệ thống chính thống đó là phái Sànkhya. Phái này cho rằng thế giới theo bản chất của nó, phát triển lên từ một nguyên thể vật chất đầu tiên thuần chất, không định hình, gọi là prakriti. Prakriti hàm chứa trong nó khả năng biến hóa, nhờ sự liên hệ tác động của ba gunas, đó là: sattva (sự trong sáng, thuần khiết), tamas (tính ỳ, tối tăm, thụ động), rajas (tính tích cực, hoạt động). Do đó prakriti không ngừng biến hóa trong không gian và thời gian, theo luật nhân quả dẫn tới sự hình thành toàn bộ thế giới đa dạng. Trước hết, prakriti sinh ra năm yếu tố vật chất đầu tiên gồm: đất, nước, lửa, khí, ê te; sau đó sinh ra con người với năm cơ quan tác động gồm: cuống họng, bàn tay, bàn chân, cơ quan bài tiết, cơ quan sinh dục và năm cơ quan cảm giác như mắt, tai, mũi, lưỡi và da, với năm khả năng tri giác: thị năng, thính năng, khứu năng, vị năng và xúc năng. Prakriti tiếp tục sinh ra trí tuệ (manas) và cao hơn hết là tri năng (buddhi). Cùng với sự tồn tại của prakriti đó là purusha. Purusha truyền sinh khí và năng lực của nó cho prakriti, làm cho prakriti từ một bản nguyên thụ động, không định hình đã biến hóa thành thế giới. Quan hệ tác động giữa prakritipurusha quyết định sự tiến hóa của cá nhân và vũ trụ. Mỗi sinh vật đều cấu thành bởi ba phần: purusha, thể tinh và thể thô. Thể tinh bao gồm trí tuệ, các giác quan, cảm giác về “cái tôi”. Thể tinh là trung tâm của nghiệp, nó đi theo với purusha chừng nào chưa được giải thoát hoàn toàn khỏi sự hiện thân vào một thực thể nào đó. Thể thô gồm các yếu tố vật chất tạo thành mỗi sinh vật.

         Phái thứ hai trong hệ thống chính thống đó là phái Nyàyà. Trường phái Nyàyà cho rằng toàn bộ thế giới các sự vật, hiện tượng đều do bốn thực thể vật lý đầu tiên là đất, nước, lửa, khí tạo thành. Các thực thể vật lý ấy lại được cấu thành bởi phần tử nhỏ nhất, tồn tại trong ê te, không gian và thời gian, đó là nguyên tử anu. Tồn tại bên cạnh các thực thể vật chất, trong vũ trụ có vô số những linh hồn có thể ở trong trạng thái tự do cũng như có thể gắn liền với các thực thể vật chất, gọi là ya. Ý thức là thuộc tính của ya. Đức tính riêng biệt của ý thức là mong muốn, chán ghét, vui thích, đau đớn, ý chí và biểu tượng. Ngoài ra, trong thế giới còn tồn tại một bản nguyên tinh thần tối cao, đó là thần Is’vara. Thần Is’vara tạo ra sự phối hợp giữa các nguyên tử với nhau và tạo nên mối liên hệ giữa linh hồn với nguyên tử hay giải thoát linh hồn khỏi các nguyên tử. Is’vara là quyền năng tối cao, vô hình (adris’ta) của vũ trụ. Trong lô gich học và nhận thức luận, Nyàyà đề xướng thuyết suy luận theo ngũ đoạn luận, gồm: tiền đề (tôn: pratijnà), chứng minh (nhân: hetu), đại tiền đề (dụ: udàharana), tiểu tiền đề hay áp dụng cách chứng minh (hợp: upànaya), kết luận (kết: nigamàna). Nyàyà thừa nhận bốn phương thức nhận thức: tri giác (pràtyksa), suy luận (anumàna), so sánh, (upànna), bằng chứng của các kinh sách (sabda).

         Gần gũi với trường phái Nyàyà là trường phái Vais’esika. Trường phái này đã phản ánh toàn bộ thế giới tồn tại bằng bảy phạm trù: 1. Thực thể, 2. Chất lượng, 3. Hoạt động, 4. Tính phổ biến, 5. Tính đặc thù, 6. Tính vốn có, 7. Hư vô. Ba phạm trù đầu tồn tại một cách hiện thực. Ba phạm trù tiếp theo là sản phẩm của tư duy lô gich. Thực thể là phạm trù cơ bản phản ánh bản chất của các vật thể. Nó có thuộc tính cố định là chất lượng, nó tồn tại tự nó và là nguyên nhân sinh ra các vật thể. Thế giới bao gồm những thực thể có chất lượng và vận động. Thực thể có chín dạng: đất, nước, lửa, gió, không khí hay ê te, thời gian, không gian, linh hồn và trí tuệ. Trong đó, có năm loại thực thể là yếu tố vật lý, đó là: đất, nước, lửa, khí, ê te, có đặc tính riêng biệt mà cảm giác có thể lĩnh hội được. Thực thể ê te có thuộc tính riêng biệt là âm thanh. Ê te tràn đầy không gian giữa các nguyên tử. Nguyên tử là phần tử nhỏ bé nhất cấu tạo nên các thực thể vật lý. Chúng được phân chia theo bốn loại, tùy theo nguồn gốc và gây nên bốn loại cảm giác: xúc giác, vị giác, thị giác và khứu giác. Nguyên nhân tác động, kết hợp các nguyên tử để tạo thành vạn vật, biến vũ trụ từ hỗn độn thành trật tự, đó là do một năng lực vô hình, còn gọi là “Linh hồn thế giới”. Có hai loại linh hồn, “Linh hồn cá biệt” và “Linh hồn tối cao”. “Linh hồn tối cao” chỉ có một, là toàn năng, là nguyên nhân sáng tạo ra vũ trụ, chỉ huy thế giới các nguyên tử và linh hồn cá biệt. Song song với thế giới các nguyên tử có một thế giới linh hồn cá biệt. Số phận, phẩm chất của các linh hồn cá biệt như thế nào thì “Linh hồn tối cao” cũng tạo ra hay hủy diệt vạn vật trong vũ trụ cho phù hợp với phẩm chất và số phận của linh hồn cá biệt như thế ấy. Phái Vais’esika giải thích rằng, linh hồn cá biệt trú ngụ trong con người bị những dục vọng che lấp, nên làm cho linh hồn cá biệt bị vây hãm bởi thế giới vật dục, không giữ được bản chất bản nhiên vốn có của mình. Đó chính là nghiệp. Vì vậy, để giải thoát cho linh hồn, con người ta phải tu luyện, tự chế dục theo phương pháp yoga. Trong nhận thức luận, Vais’esika đưa ra bốn loại nhận thức đúng: tri giác, suy luận, ký ức, trực giác.

         Trường phái khác trong hệ thống chính thống là phái Yoga. Yoga nguyên nghĩa tiếng Phạn có nghĩa là “cái ách”, “sự cột vào”, “sự liên kết” hay “hợp nhất tâm thể về một mối”. Phái này cho rằng để cho tinh thần thoát khỏi sự chi phối của thể xác và thế giới vật dục, đạt tới sự thanh khiết trong tinh thần, đạo đức, người ta phải tu luyện kiên trì theo tám phương pháp, gọi là “Bát bảo tu pháp”, gồm: 1. Chế giới (yama), 2. Nội chế (niyamà), 3. Tọa pháp (asàna), 4. Điều tức pháp (pranyàma), 5. Chế cảm pháp (pràtyahara), 6. Tổng trì pháp (dhàrana), 7. Thiền định (dhỳana), 8. Bát nhã (samadhi).

         Một trong những trường phái có quan điểm riêng về cách thức giải thoát trong hệ thống chính thống là phái Mimàmsà. Trường phái này cho rằng, đời sống chân chính đưa tới cái gọi là giải thoát hoàn toàn linh hồn khỏi sự ràng buộc của thể xác và thế giới nhục dục là không thể đạt được chỉ bằng trí tuệ và mọi sự cố gắng của ý thức, mà phải bằng cách gìn giữ và thực hiện đúng đắn, nghiêm túc mọi nghi thức của Veda, đồng thời phải triệt để chấp hành mọi nghĩa vụ, bổn phận, mọi luật lệ và giới luật về mặt xã hội và tôn giáo, tức “pháp” dharma, đã quy định mỗi đẳng cấp trong xã hội.

         Trường phái duy nhất có lập trường nhất nguyên luận duy tâm triệt để trong hệ thống chính thống là phái Vedànta. Tư tưởng chủ yếu của kinh Upanishad mà phái Vedànta lấy làm cơ sở cho học thuyết của mình là vấn đề trả lời cho câu hỏi, cái gì là bản nguyên của thế giới, là thực tại cao nhất mà khi nhận thức được nó sẽ biết được mọi cái còn lại. Phái Vedànta cho rằng, cái là bản chất sâu xa, là nền tảng của mọi cái tồn tại, từ đó nảy sinh ra tất cả và cũng từ đó tất cả mọi cái nhập về sau khi mất đi, đó là “Tinh thần vũ trụ tối cao” Brahman. Brahman là thực tại tuyệt đối, bất diệt, là linh hồn, là nguồn sống của vũ trụ. “Linh hồn cá biệt” chỉ là sự biểu hiện khác nhau của “Linh hồn vũ trụ tối cao” nơi thể xác của chúng sinh. Để giải thoát linh hồn con người khỏi sự ràng buộc của thể xác và thế giới vật dục, con người phải dốc lòng tu luyện, suy tư chiêm nghiệm nội tâm, thực nghiệm tâm linh, nhận ra chân bản tính của mình, đưa linh hồn cá nhân trở về đồng nhất với “Linh hồn vũ trụ tuyệt đối tối cao”, hợp nhất với Đấng tối cao, bằng sự tu luyện trí tuệ (prajnà-yoga), đạo đức (karmà-yoga) và niềm tin vào Đấng tối cao hay chủ nghĩa tín ái (bhakti-yoga).

         2.2.2. Hệ thống triết học không chính thống (The Heterodox Systems)

         Là các trường phái không thừa nhận uy thế của Veda, Upanishad, phê phán giáo lý của đạo Bàlamôn, phản đối chế độ đẳng cấp, gồm: Lokàyata hay là Càrvàka, Jaina, Phật giáo và các môn phái khác trong “Lục sư ngoại đạo”.

         Trước hết, đó là phái Lokàyata, cho rằng tất cả sự vật, hiện tượng trong thế giới đều do bốn yếu tố vật chất đầu tiên gồm đất, nước, lửa, khí tự tụ tự tán trong không gian mà thành. Các sự vật, hiện tượng sở dĩ đa dạng, phong phú khác nhau là do số lượng và thể thức kết hợp các nguyên tố đó khác nhau. Linh hồn cũng do các yếu tố đó kết hợp với nhau theo một cách thức đặc biệt, sau khi sinh vật chết đi thì sự kết hợp đó tan rã thành các nguyên tố và do đó linh hồn cũng mất đi. Bốn nguyên tố đó lại được cấu thành bởi những phần tử nhỏ bé, không phân chia, bất diệt gọi là các nguyên tử. Về nhận thức luận và lô gích học, phái Lokàyata chỉ thừa nhận cảm giác là nguồn gốc duy nhất của nhận thức. Theo họ, suy lý, kết luận hay những minh chứng của Veda đều là những phương pháp nhận thức sai lầm. Do đó, Lokàyata đã phủ nhận tính hiện thực của Thượng đế. Về đạo đức, phái Lokàyata phê phán học thuyết tuyên truyền cho sự chấm dứt khổ đau bằng cách kiềm chế mọi dục vọng và hy vọng cuộc sống hạnh phúc nơi thế giới bên kia nào đó. Họ chủ trương hãy để cho mọi người sống, hưởng thụ tất cả những gì trên cõi đời này, với cả những khổ đau và hạnh phúc.

         Tiếp theo, đó là môn phái Jaina. Môn phái này cho rằng toàn bộ thế giới đa dạng đều bắt nguồn từ hai thực thể đầu tiên, đó là jiva (linh hồn, tinh thần) và adjiva (không phải là linh hồn). Vật chất là một trong những biến dạng của adgiva, gồm các yếu tố vật lý như đất, nước, lửa, khí, chúng có những đặc tính như sờ mó được, có âm thanh, mùi vị và màu sắc. Các yếu tố vật chất lại được cấu thành bởi các nguyên tử anu. Anu có đặc tính cực kỳ nhỏ bé, không thể phân chia, tồn tại vĩnh viễn. Các thực thể vật chất hình thành đều do các nguyên tử tự tụ tán với nhau theo số lượng và cách thức khác nhau. Ngoài ra, còn có một thứ vật chất tinh tế, không thể nhận biết bằng cảm giác, nó quyết định mối liên hệ giữa linh hồn và thể xác. Jaina không thừa nhận có “Linh hồn tối cao”. Trong thế giới có số lượng lớn và cố định những linh hồn, được thể hiện trong các thực thể sống hoặc không được thể hiện ra. Linh hồn cũng như vật chất không do ai tạo ra, tồn tại ngay từ đầu và tồn tại mãi mãi. Dưới dạng tiềm năng và bản chất của nó, linh hồn là một lực lượng toàn năng, thâm nhập được tất cả, hiểu biết tất cả. Nhưng khả năng ấy của nó lại bị thân xác cụ thể với những dục vọng, ý chí mà linh hồn trú ngụ trong đó hạn chế. Muốn giải phóng linh hồn ra khỏi sự ràng buộc bởi những ham muốn của thể xác và sự lôi kéo của thế giới vật dục, người ta phải tu luyện trí tuệ và đạo đức theo luật ahimsà, sống khổ hạnh ép xác, giữ đạo đức và linh hồn trong sạch, khi đó con người có thể đạt tới giải thoát.

         Nổi bật trong hệ thống không chính thống đó là Phật giáo. Phủ nhận tư tưởng về sự tồn tại của Đấng sáng tạo Brahmà trong kinh Veda, Upanishad và đạo Bàlamôn, Phật giáo cho rằng thế giới là một dòng biến chuyển không ngừng, theo chu trình sinh, thành, hoại, diệt, gọi là một kiếp (kalpa) hay một satna (ks’ana), không do ai tạo ra và cũng không có cái gì là tồn tại vĩnh viễn. Nguyên nhân của sự biến đổi ấy của vạn pháp, đó là do sự chi phối và tác động của luật nhân quả. Triết học Phật giáo gọi đó là “chư hành vô thường”. Theo triết lý Phật giáo, con người cũng do nhân duyên tạo ra bởi hai thành phần: phần sinh lý và phần tâm lý. Trong đó, phần sinh lý tức thể xác gọi là “sắc” (rupa), được tạo bởi bốn yếu tố (tứ đại) là: thủy, hỏa, địa, phong; sắc tạo nên thân thể, các giác quan và đối tượng của chúng. Phần tâm lý hay tinh thần chỉ có tên gọi mà không có hình chất nên gọi là “danh”. Danh cũng do bốn yếu tố hợp thành đó là: thụ, tưởng, hành, thức. Quá trình hợp, tan của ngũ uẩn do nhân duyên tác động tạo ra sự sinh thành, diệt vong của mỗi chúng sinh. Vì thế sự tồn tại của vạn pháp, thực chất cũng chỉ là giả hợp, không có cái gì là thực thể, không có cái gì tồn tại tuyệt đối cả, cho nên gọi là “vạn pháp vô ngã”. Vì không nhận thức được rằng cái tôi có mà không; nên người ta lầm tưởng rằng cái gì cũng thường định, cho nên con người ta chấp ngã, khát ái, tham dục, gây nên nghiệp báo (karma) do ý nghĩ (ý), lời nói (khẩu), hành động (thân) xuất phát từ tâm con người ta ra, mắc vào bể khổ luân hồi (samsàra). Từ đó Phật giáo đã chỉ ra nguồn gốc nỗi khổ của con người và con đường diệt khổ để được giải thoát, qua học thuyết “Tứ diệu đế” (catvàri àrya satyàni), “Thập nhị nhân duyên” (dvàdasanidàna) và “Bát chánh đạo” (astàngika màrga). “Tứ diệu đế” là bốn chân lý cao thượng, chắc chắn, gồm: Khổ đế (dukkha satya), là chân lý về nỗi khổ của chúng sinh, đó là: sinh khổ, lão khổ, bệnh khổ, tử khổ, ái biệt ly khổ, sở cầu bất đắc khổ, oán tăng hội khổ, ngũ uẩn chấp thủ là khổ. Tập đế (sammudaya satya), là chân lý giải thích nguồn gốc nỗi khổ của chúng sinh. Phật giáo đã đưa ra thuyết “Thập nhị nhân duyên” để chỉ ra nguồn gốc của những nỗi khổ ấy. Mười hai nhân duyên đó là: 1. Vô minh (avidyà), 2. Hành (samskàra), 3. Thức (vijnàna), 4. Danh sắc (nàma rùpa), 5. Lục căn (sadàyatana), 6. Xúc (sparsa), 7. Thụ (vedanà), 8. Ái (trsnà), 9. Thủ (upàdàna), 10. Hữu (bhàva), 11. Sinh (jàti) và 12. Lão tử (jarà-marana). Như vậy, theo triết lý Phật giáo, nguyên nhân trực tiếp của nỗi khổ chính là do ái dục. Còn nguyên nhân sâu xa chính là do sự “vô minh” của con người. Diệt đế (dukkha nirodha satya), là chân lý về sự diệt khổ, khẳng định rằng chúng sinh có thể chấm dứt được nghiệp báo, luân hồi bằng những nỗ lực trong tu luyện đạo đức và trí tuệ của mình. Đạo đế (màrga satya), là chân lý về con đường diệt khổ. Có tám con đường tu luyện để giải thoát, gọi là “Bát chánh đạo”, gồm: Chính kiến (samyag drsti), Chính tư duy (samyak samkalpa), Chính ngữ (samyag vàcà), Chính nghiệp (samyak karmanta), Chính mệnh (samyag àjiva), Chính tinh tiến (samyag vyàyàma), Chính niệm (samyag smrti), Chính định (samyak samàdhi). Tám con đường ấy được quy về ba môn học, gọi là “Tam học”, gồm: giới (s’ìla), định (dhyàna), tuệ (prajnà).

KẾT LUẬN CHƯƠNG 2

Trên cơ sở đặc điểm điều kiện tự nhiên và điều kiện xã hội khá đặc biệt, triết học Ấn Độ cổ đại đã hình thành, phát triển và trải qua hai thời kỳ: thời kỳ Veda - Sử thi và thời kỳ Cổ điển hay thời kỳ Phật giáo - Bàlamôn giáo. Thời kỳ Veda - Sử thi thế giới quan thần thoại tôn giáo mang tính chất đa thần tự nhiên chiếm địa vị thống trị. Sau đó là sự biến chuyển từ thế giới quan thần thoại tôn giáo đa thần sang nhất thần giáo và cuối cùng hòa trộn với nó là thuyết nhất nguyên với quan niệm về “Tinh thần vũ trụ tối cao”, về thần Sáng tạo tối cao sáng tạo, chi phối thế giới. Đó cũng là thời kỳ con người từ trình độ nhận thức cảm tính, giải thích thế giới bằng biểu tượng các vị thần tự nhiên phát triển lên trình độ nhận thức lý tính, lý giải về căn nguyên của vũ trụ và bản chất con người, bằng một bản nguyên triết học có tính trừu tượng.

Thời kỳ Cổ điển hay thời kỳ Phật giáo - Bàlamôn giáo là thời kỳ phát triển tư tưởng triết lý của kinh Veda và kinh Upanishad bởi các trường phái triết học tôn giáo lớn như: Sànkhya, Vais’esika, Nyàya, Yoga, Mimàmsà và Vedànta, gọi là các darsanas hay hệ thống triết học tôn giáo chính thống, và ba môn phái Jaina, Lokàyata và Phật giáo, gọi là hệ thống triết học tôn giáo không chính thống. Nếu trong thời kỳ Veda thế giới quan thần thoại tôn giáo có tính chất đa thần tự nhiên là nội dung chủ yếu và tư tưởng triết học còn mang tính tản mạn thì thời kỳ Cổ điển đã đi sâu vào lý giải và trả lời cho những câu hỏi về thế giới và nhân sinh mang tính hệ thống, mạch lạc, chặt chẽ hơn.

 

Chương 3

ĐẶC ĐIỂM VÀ Ý NGHĨA LỊCH SỬ CỦA

                                TRIẾT HỌC ẤN ĐỘ CỔ ĐẠI

 

         3.1. NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CHỦ YẾU CỦA TRIẾT HỌC ẤN ĐỘ CỔ ĐẠI

         Từ nội dung của triết học Ấn Độ cổ đại, có thể nói, nền triết học ấy có những đặc điểm chủ yếu sau:

         3.1.1. Tính thống nhất và đa dạng - đặc điểm nổi bật của triết học Ấn Độ cổ đại

         Tính thống nhất và đa dạng trong triết học Ấn Độ cổ đại được biểu hiện ở chỗ, trên cùng một điều kiện sống và đặc điểm lịch sử xã hội, cùng một mục đích là suy ngẫm về bản chất và ý nghĩa tối cao của cuộc đời của con người, lý giải về lẽ sống của con người, đi tìm nguồn gốc của nỗi khổ, từ đó đề ra cách thức để giải thoát con người khỏi nỗi khổ của cuộc đời, nhưng các trường phái triết học Ấn Độ lại phát triển theo những khuynh hướng, tính chất rất đa dạng, phong phú khác nhau, tạo ra sự sống động, muôn màu muôn vẻ của nó. “Có thuyết đa thần giáo, có thuyết hữu thần với một Thượng đế riêng và nhất thần giáo thuần tuý; và một hệ thống vừa nhận Thượng đế vừa tự đặt cơ sở trên một thuyết tiến hóa. Có chủ nghĩa duy tâm lẫn chủ nghĩa hiện thực. Chúng “đại diện cho một cách tiếp cận, một lý luận riêng rẽ, ấy thế mà chúng không biệt lập với nhau.” [7] Điều đó được biểu hiện trong các trường phái triết học tôn giáo chính thống, tất cả đều có sự thống nhất: một là, thừa nhận uy thế của Veda và Upanishad, tức thừa nhận Brahman là bản nguyên duy nhất, tối cao tuyệt đối chi phối vũ trụ vạn vật; hai là, biện hộ cho giáo lý đạo Bàlamôn, kêu gọi con người hãy chấp hành nghiêm chỉnh mọi giới luật, lễ nghi của đạo Bàlamôn, bằng sự tu luyện nghiêm khắc về đạo đức và tu luyện trí tuệ, phục tùng mọi luật lệ xã hội, để tâm hồn trở nên trong sạch, từ đó có thể siêu thoát lên Thiên đường sau khi con người ta chết đi; và ba là, bảo vệ cho chế độ phân biệt đẳng cấp xã hội. Tuy nhiên, các trường phái triết học đó lại phát triển tư tưởng của họ theo các khuynh hướng khác nhau. Có phái nhất nguyên luận, như môn phái Vedànta, chỉ đề cao Brahman, nhưng cũng có những phái đa nguyên bản thể luận như trường phái Sànkhya, thừa nhận thế giới được cấu thành từ hai bản nguyên là prakriti (vật chất, tự nhiên) và purusha (linh hồn), hay phái Vais’esika, giải thích thế giới bằng sáu nguyên lý căn bản: thực thể, chất lượng, vận động, đứng im, đồng, dị, hoà hợp và tất cả đều xuất phát từ hai bản nguyên vật chất, gồm tứ đại được cấu tạo bởi các nguyên tử anu và tinh thần hay Linh hồn tối cao; có trường phái thể hiện tính chất duy tâm triệt để như phái Vedànta, Yoga, nhưng cũng có những trường phái vừa giải thích vũ trụ vạn vật bằng sự tiến hoá của vật chất do sự kết hợp hay phân rã của nguyên tử, vừa đề cao Thượng đế chi phối sự vận động, biến đổi của thế giới nguyên tử ấy. Để nhận thức được bản thể tối cao và chân bản tính của con người, từ đó đồng nhất với bản thể tối cao ấy, có trường phái đề cao phương pháp rèn luyện đạo đức và trí tuệ, trực giác như phái Vedànta, có những trường phái đi sâu phương pháp tiếp cận chân lý bằng học thuyết nhận thức và lô gích học khá đặc sắc như Vais’esika, Nyàya.

       Còn trong các trường phái triết học tôn giáo được coi là không chính thống, tuy chúng đều có những điểm thống nhất, như: một là, nghi ngờ và phủ nhận quyền uy của kinh Véda và Upanishad; hai là, phê phán giáo lý đạo Bàlamôn, ba là, phủ nhận chế độ phân biệt đẳng cấp xã hội, nhưng giữa họ cũng lại có sự khác biệt nhau trong quan niệm về thế giới cũng như quan niệm về nhân sinh.

        Trường phái Lokàyata luôn thể hiện một cách hết sức rõ ràng và triệt để thế giới quan duy vật, vô thần của mình, chỉ thừa nhận bốn yếu tố cơ bản cấu thành vạn vật gồm: đất, nước, lửa, khí, ngay cả linh hồn con người cũng là do “tứ đại” kết hợp theo một thể thức đặc biệt của vật chất, gắn liền với sự tồn tại và không tồn tại của thể xác, phủ nhận Thượng đế, thần linh, đả phá quan niệm về “sự bất tử của linh hồn”, đề cao chủ nghĩa hiện thực, chỉ thừa nhận những gì mà con người tri giác được. Còn trường phái triết học Jaina lại là một hệ thống triết học mang tính chất nhị nguyên luận, có chiều hướng ngả về chủ nghĩa duy tâm. Nó thừa nhận chỉ có hai bản nguyên đầu tiên cấu tạo nên thế giới vạn vật, đó là jiva và adjiva. Trường phái Jaina cho rằng mọi sai lầm về đạo đức dẫn tới sự đau khổ chính là tham muốn và thế giới vật dục lôi kéo, do vậy phải tu luyện khổ hạnh, ép xác, chế ngự mọi cảm giác và diệt mọi dục vọng theo luật ahimsa.

         Trong khi đó, Phật giáo vừa không thừa nhận thế giới quan thần quyền vừa không thừa nhận “cái ngã” - cá nhân bất biến, chủ trương tất cả đều do nhân duyên hòa hợp, tác động mà hiển hiện, “vô thường”, “vô ngã” theo chu trình biến hóa: sinh, thành, dị, diệt diễn ra trong một sátna, một niệm hay một kiếp (kalpa). Và, căn cứ của nhân duyên là ở ý thức, ở tâm chúng ta. Do đó, nếu muốn giải thoát, con người phải cắt đứt nhân duyên, xóa vô minh, diệt dục vọng bằng “Bát chính đạo”, gồm giới, định, tuệ, để đạt tới cái tâm trong sáng, bản nhiên, thanh tịnh, không vọng động, đạt tới sự giác ngộ, giải thoát và Niết bàn. Như vậy, nếu xem xét triết học Ấn Độ cổ đại một cách tổng thể và tính chất thì đặc điểm nổi bật của nó là tính thống nhất và đa dạng.

         3.1.2. Sự đấu tranh, kế thừa - đặc điểm xuyên suốt trong triết học Ấn Độ cổ đại

         Trong quá trình phát triển của triết học Ấn Độ, luôn diễn ra sự “tranh luận triết lý” khá sôi động, gay gắt giữa các trường phái triết học duy vật, vô thần hay “những người theo thuyết hư vô”, “bọn hoài nghi” với quan điểm duy tâm tôn giáo trong kinh Veda, kinh Upanishad, trong giáo lý đạo Bàlamôn và các môn phái triết học duy tâm; nhằm phủ nhận quan điểm suy tôn Thượng đế hay Tinh thần vũ trụ tối cao - là nguyên lý tối cao sáng tạo và chi phối vũ trụ; chống lại những quan điểm về sự bất tử của linh hồn; về nghiệp báo luân hồi và sự siêu thoát của linh hồn con người sang “thế giới bên kia” nào đó, khi người ta chết đi.

         Các trường phái triết học, tôn giáo Ấn Độ vừa đấu tranh với nhau, vừa kế thừa tư tưởng của nhau, trên cái trục chính của văn hóa tư tưởng Ấn Độ đó là Véda - Upanishad - Bhagavad-gità Vedànta, tương ứng với ba hình thái phát triển của Ấn Độ giáo là đạo Rig - Veda - đạo Bàlamôn - đạo Hindu. Đó là quá trình phủ định của phủ định các hình thái Ấn Độ giáo trong quá trình phát triển. Chúng “gối lên nhau, tư tưởng mới và tư tưởng cũ vận động bên nhau,.. không dung hòa và thường khi mâu thuẫn với nhau”[8], tạo nên hệ thống khái niệm, phạm trù, nguyên lý triết học, tôn giáo sinh động, phong phú và sâu sắc.

Trong cuộc đấu tranh chống lại chủ nghĩa duy tâm, tôn giáo trong thánh kinh Véda, Upanishad và giáo lý Bàlamôn, những quan điểm duy vật vô thần cũng đã để lại những dấu ấn sâu sắc trong lịch sử tư tưởng Ấn Độ. Các tăng lữ, tu sĩ quý tộc đương thời đã phê phán những nhà triết học duy vật, vô thần và kết tội họ là “bọn tà giáo”. Còn “những người duy vật thì đả kích quyền lực và tất cả các quyền lợi có tính chất bất di bất dịch trong tư tưởng tôn giáo và thần học… Nó muốn thoát khỏi những xiềng xích và gánh nặng của quá khứ, thoát khỏi việc suy tưởng về những vấn đề không cảm thụ được, khỏi sự sùng bái của thần linh tưởng tượng”[9]. Như vậy, nếu xem xét ở mặt động lực thì sự đấu tranh và kế thừa là đặc điểm xuyến suốt của triết học Ấn Độ cổ đại.

         3.1.3. Triết lý đạo đức nhân sinh với tư tưởng giải thoát - một trong những vấn đề trung tâm của triết học Ấn Độ cổ đại

         Triết học Ấn Độ là một nền triết học phát triển khá phong phú về nội dung và hình thức. Nó đã đề cập đến hầu hết các vấn đề của triết học thể hiện trình độ phát triển tư duy lôgích sâu sắc của người Ấn Độ, như vấn đề bản thể luận, nhận thức luận, lôgích học, tâm lý học, đạo đức, luân lý học... Tuy nhiên, dù dưới những hình thức muôn màu muôn vẻ như thế nào, các học thuyết triết học tôn giáo Ấn Độ đều tập trung lý giải một vấn đề cơ bản nhất, đó là vấn đề về bản chất và giá trị đời sống con người, tìm nguồn gốc của nỗi khổ của con người và vạch ra con đường, cách thức để giải thoát con người khỏi những nỗi khổ ấy trên bình diện tinh thần, đạo đức, tâm linh; cố gắng đi tìm chân bản tính của con người mà về bản chất là đồng nhất với nguồn sống của vũ trụ tuyệt đối tối cao, hay tìm cái ta vũ trụ tuyệt đối, bản nhiên trong cái ta giả, cái ta hiện tượng đầy hư vọng và tham dục của con người.

        Do đó, đối với các trường phái triết học Ấn Độ, mục đích tối cao của đời sống con người là phải vượt qua sự vô minh, nhận ra chân bản tính của mình và thực tướng của vạn vật, xóa bỏ mọi dục vọng, đạt tới cái tâm thanh tịnh, hòa nhập được vào với bản thể vũ trụ tối cao, bằng tu luyện đạo đức (karma-yoga), trí tuệ trực giác (prajna-yoga) và đức tin (bhakti-yoga). Đó chính là sự giải thoát. Như vậy, nếu xem xét triết học Ấn Độ ở mặt giá trị thì vấn đề nhân sinh và vấn đề giải thoát là đặc điểm trung tâm của triết học Ấn Độ cổ đại.

        3.2. Ý NGHĨA LỊCH SỬ CỦA TRIẾT HỌC ẤN ĐỘ CỔ ĐẠI

        Với những nội dung và đặc điểm trên, triết học Ấn Độ cổ đại có ý nghĩa to lớn không chỉ với sự phát triển nhận thức, tư tưởng mà còn với cả triết lý đạo đức nhân sinh, quan điểm tôn giáo và đời sống xã hội của dân tộc Ấn Độ.

        3.2.1. Ý nghĩa về mặt tư tưởng của triết học Ấn Độ cổ đại

Ý nghĩa đầu tiên về mặt tư tưởng, đó là triết học Ấn Độ cổ đại đã đề cập và tập trung nghiên cứu, lý giải hầu hết các lĩnh vực căn bản khác nhau của triết học, từ vấn đề bản thể luận, nhận thức luận, lô gích học, và đặc biệt là vấn đề về bản chất con người. Do đó, triết học Ấn Độ cổ đại đã góp phần to lớn vào nhận thức, giải thích thế giới và nhân sinh.

Thứ hai, từ sự thống nhất và đa dạng, đấu tranh và kế thừa trong quá trình phát triển, triết học tôn giáo Ấn Độ, đã góp phần tạo nên hệ thống những khái niệm, phạm trù, nguyên lý triết học tôn giáo, trong quan niệm về thế giới và nhân sinh hết sức đa dạng, phong phú, sâu sắc, như: “tồn tại”, “hư vô”, “thực thể”, “chất”, “lượng”, “thể xác”, “linh hồn”, “tứ đại”, “không gian”, “thời gian”, “vận động”, “đứng im”, “bản ngã”, “tri giác”, “trực giác”, “suy luận”, “chứng minh”, “kết luận”, “thiền định”, “nhân quả”, “nghiệp báo”, “luân hồi”, “hạnh phúc”, “khổ đau”, “thiện”, “ác”, “sống’, “chết”, “tự do”, “giải thoát”, “siêu thoát”, “Niết bàn”…

Thứ ba, tư tưởng triết học Ấn Độ đã góp phần hun đúc cho người Ấn Độ cổ một triết lý sống; nó ảnh hưởng mạnh mẽ trong việc nhào nặn cách nhìn của dân tộc và phát triển một tâm thức đặc biệt của người Ấn Độ. Tâm thức đi tìm cái thanh tĩnh, vô hạn, tuyệt đối đằng sau cái vô thường, hữu hạn, tương đối; tâm thức coi tiền tài, danh vọng chỉ là phù du; còn cái giá trị trong tâm linh, đạo đức con người mới là cao cả vĩnh hằng.

        3.2.2. Ý nghĩa về mặt tôn giáo của triết học Ấn Độ cổ đại

        Tất cả các trường phái triết học Ấn Độ, trừ môn phái Lokàyata, với tư cách là khoa học đi tìm chân lý, bao giờ cũng là cơ sở triết lý cho một tôn giáo nào đó. Còn tôn giáo chính là sự thể nghiệm chân lý, biến triết lý đó thành đạo lý, bằng sự tu luyện trí tuệ, đạo đức, đức tin, thông qua hệ thống giáo lý, giới luật và các nghi thức tôn giáo.

        Dù khác nhau về khuynh hướng, tính chất, nhưng tất cả các trường phái triết học Ấn Độ cổ đại đều quan tâm đến số phận và cuộc đời con người, mong muốn tìm ra chỗ quy hướng của kiếp người, tìm con đường, cách thức hoàn thiện con người và giải thoát con người khỏi nỗi khổ của cuộc đời, chủ yếu trong thế giới tinh thần, tâm lý, đạo đức, tâm linh. Do đó triết học Ấn Độ mang đậm tính chất tôn giáo. Hơn thế, triết học Ấn Độ cổ đại với triết lý nhân sinh sâu sắc của nó, nó không còn là những tư tưởng triết lý cao siêu, thoát ly quần chúng, mà nó thấm vào quần chúng, ảnh hưởng phổ biến đến quần chúng như một niềm tin, một lẽ sống, một tôn giáo. “Triết học Ấn Độ là một bộ phận thiết yếu của tôn giáo quần chúng; nó thấm vào quần chúng dưới dạng giản đơn hơn nào đó và tạo ra một quan điểm triết học hầu như phổ biến ở Ấn Độ.”[10]

        3.2.3. Ý nghĩa về mặt đạo đức của triết học Ấn Độ cổ đại

        Các trường phái triết học Ấn Độ cổ đều quan tâm đến con người, cố gắng đưa ra các phương pháp rèn luyện đạo đức, trí tuệ và hành động để xóa vô minh, diệt dục vọng, góp phần hoàn thiện con người cả về tri thức, đạo đức và nhân cách, như triết lý Upanishad và giáo lý đạo Bàlamôn đề cao karma-yogaprajnà-yoga, Vedànta chủ trương tu luyện đạo đức karma-yoga, rèn luyện trí tuệ trực giác prajnà-yoga và đề cao chủ nghĩa tín ái bhakti-yoga, Jaina chủ trương sống theo luật ahimsa, còn Phật giáo thì chủ trương “Bát chính đạo”, “Ngũ giới”, “Lục độ”. Không những thế các trường phái triết học Ấn Độ cổ đại còn cố gắng xây dựng cho con người mục đích, lý tưởng sống và những chuẩn mực đạo đức tốt đẹp cả trong quan điểm, thái độ lẫn hành vi và các quan hệ đạo đức. Trong đó mục đích cao cả nhất của đời sống con người, theo các trường phái triết học Ấn Độ cổ đại là giải thoát. Các chuẩn mực đạo đức và các phương pháp tu luyện đạo đức của các trường phái triết học Ấn Độ cổ đã ảnh hưởng khá sâu rộng đến đời sống tinh thần, đạo đức của người dân Ấn Độ.

 Tuy nhiên, triết học Ấn Độ cổ đại cũng có những hạn chế nhất định, đó là: 1). Tính không triệt để trong khuynh hướng, tính chất thế giới quan triết học của nó; 2). Lối tư duy đề cao và tuyệt đối hóa cái chung thành cái tuyệt đối, tách rời thế giới hiện thực, làm cho hầu hết các trường phái triết học Ấn Độ rơi vào khuynh hướng duy tâm; tạo nên trong tư tưởng của người Ấn Độ tâm lý tuyệt đối hóa và tôn sùng các lực lượng tự nhiên một cách mù quáng, biến họ “trở thành công cụ ngoan ngoãn của mê tín, trói buộc họ bằng xiềng xích nô lệ của các quy tắc cổ truyền.”[11]; 3). Do chưa giải thích đúng đắn căn nguyên nỗi khổ của cuộc đời con người, cho nên sự giải thoát trong triết học Ấn Độ cổ đại chủ yếu chỉ dừng lại ở sự giải thoát trên lĩnh vực tinh thần, đạo đức, tâm linh.

                                   KẾT LUẬN CHƯƠNG 3

Từ bức tranh toàn cảnh về triết học Ấn Độ cổ đại qua các giai đoạn phát triển, với nội dung đặc sắc của các kinh sách, các trường phái triết học thuộc cả hệ thống chính thống (as’tika) và không chính thống (nas’tika), có thể nói, triết học Ấn Độ cổ đại nổi bật nên ba đặc điểm chính: một là, tính thống nhất và đa dạng của triết học Ấn Độ cổ đại trong nội dung, tính chất và khuynh hướng; hai là, sự đấu tranh, kế thừa trong triết học Ấn Độ cổ đại; ba là, vấn đề nhân sinh, đặc biệt là vấn đề giải thoát con người khỏi nỗi khổ của cuộc đời, bằng sự tu luyện trí tuệ và đạo đức, nhằm nhận thức được bản thể chân thực của vũ trụ vạn vật và chân bản tính của mình, là một trong những vấn đề trung tâm của triết học Ấn Độ cổ đại. Vì thế, triết học Ấn Độ cổ đại có ý nghĩa lịch sử to lớn. Nó góp phần làm phong phú và sâu sắc những tư tưởng triết lý, tôn giáo ở Ấn Độ nói riêng và nhân loại nói chung, cả về thế giới quan, nhận thức luận, lô gích học và đạo đức luân lý. Các trường phái triết học Ấn Độ đi tìm chân chân lý không phải chỉ ở những điều triết lý khô khan, tựu trung, đều cố gắng “tìm ra chỗ quy hướng của kiếp người, tìm phương châm thực tiễn để quy định cho lẽ sống.[12] của con người, chủ yếu trong đời sống tinh thần, đạo đức, tâm linh.

 

      KẾT LUẬN CHUNG

1.Triết học Ấn Độ cổ đại là một trong những nền triết học phát triển rực rỡ và khá đặc biệt của nhân loại, phản ánh tập trung tính chất sinh hoạt xã hội Ấn Độ cổ đại. Hình thành từ thời kỳ Veda - Sử thi (khoảng từ thế kỷ XV trước CN đến thế kỷ VI trước CN), từ những tư tưởng thần thoại, tôn giáo người Ấn Độ đã sáng tạo nên triết học giải căn nguyên của vũ trụ và nhân sinh với Brahman là Tinh thần vũ trụ tuyệt đối tối cao là bản nguyên vũ trụ, chi phối vũ trụ vạn vật và biểu tượng Phạm thiên, Brahman thể hiện trong kinh Veda, kinh kinh Upanishad, sử thi Ràmàyana, Mahàbhàrata…

Triết học Ấn Độ cổ đại phát triển khá rực rỡ ở thời kỳ Phật giáo, Bàlamôn giáo (khoảng từ thế kỷ thứ VI trước CN đến thế kỷ thứ III sau CN), với hai hệ thống chính, hệ thống triết học chính thống (astika), gồm sáu phái chính: Sànkhya, Nyya, Vaisesika, Mimàms, Yoga và Vedànta, gọi là các darsanas; hệ thống không chính thống (nastika), gồm có các phái là Lokàyata hay Càrvàka, Jaina, Phật giáo và “Lục sư ngoại đạo”. Bên cạnh những quan điểm có tính chất duy tâm, tôn giáo, những quan điểm duy vật, vô thần cũng đã xuất hiện và luôn đấu tranh với tư tưởng duy tâm, tín ngưỡng tôn giáo thống trị xã hội qua các thời kỳ này.

2. Qua bức tranh khái quát về triết học Ấn Độ cổ đại, có thể thấy nổi bật lên một số đặc điểm chủ yếu của nó. Nếu xem xét triết học Ấn Độ ở tổng thể và tính chất, chúng ta thấy triết học Ấn Độ cổ đại vừa mang tính thống nhất vừa mang tính đa dạng. Trên cùng một cơ sở hiện thực xã hội, cùng một mục đích chung là đi tìm lẽ sống cho nhân sinh, cùng bị chi phối bởi tư tưởng truyền thống và tín ngưỡng cổ truyền, nhưng các trường phái triết học tôn giáo Ấn Độ lại phát triển theo các khuynh hướng và tính chất khác nhau. Mỗi hệ thống, mỗi trường phái triết học trên “đại diện cho một cách tiếp cận, một lý luận riêng lẻ, ấy thế mà chúng ta không biệt lập với nhau”[13]. Nếu tiếp cận triết học Ấn Độ ở mặt động lực, chúng ta thấy quá trình phát triển của triết học Ấn Độ cổ đại là quá trình đấu tranh, kế thừa của các trường phái triết học duy vật, vô thần hay “những người theo thuyết hư vô”, “bọn hoài nghi”, “tà giáo” với các trường phái triết học duy tâm, tôn giáo như triết lý Veda, Upanishad, giáo lý đạo Bàlamôn, triết lý Vedànta nhằm phủ nhận Brahman, linh hồn bất tử và sự siêu thoát của linh hồn con người sang thế giới bên kia nào đó. Nếu xem xét triết học Ấn Độ ở mặt giá trị, ta thấy triết học Ấn Độ cổ đại là triết lý đạo đức nhân sinh và mục đích tối cao của nó là giải thoát con người khỏi nỗi khổ, chủ yếu trên bình diện tinh thần, đạo đức, tâm linh, bằng sự tu luyện trí tuệ (trực giác), đạo đức và đức tin (chủ nghĩa tín ái).

         3. Với nội dung và đặc điểm phong phú, đặc sắc trên, triết học Ấn Độ cổ đại thực sự có ý nghĩa to lớn trên nhiều mặt. Về mặt tư tưởng, triết học Ấn Độ cổ đại đã tập trung nghiên cứu, làm sáng tỏ hầu hết các lĩnh vực cơ bản của triết học, do đó, nó đã góp phần vào mài sắc tư duy, phát triển nhận thức, làm phong phú và sâu sắc những quan điểm về thế giới và nhân sinh trong triết học Ấn Độ. Về mặt tôn giáo, triết học Ấn Độ với tư cách là khoa học đi tìm chân lý, bao giờ cũng là cơ sở triết lý cho một tôn giáo nào đó. Còn tôn giáo chính là sự thể nghiệm chân lý đó, biến triết lý đó thành đạo lý, đức tin bằng sự tu luyện đạo đức, trí tuệ trực giác, thông qua giáo lý, giới luật và các lễ nghi tôn giáo. Về mặt đạo đức, triết học Ấn Độ cổ đại luôn quan tâm đến con người, đưa ra các phương pháp rèn luyện đạo đức góp phần hoàn thiện con người. Không những thế triết học Ấn Độ cổ đại còn cố gắng xây dựng cho con người mục đích, lý tưởng sốngnhững quan hệ, chuẩn mực đạo đức cao đẹp.



[1].  The Upanishads, vol. II, Bonanza Books, New York, 1951, p. 71.

[2]. C. Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 20, tr. 489.

[3]. C. Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 20, tr. 487.

[4]. C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994, t. 9, tr. 38.

[5]. C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn  tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 9, tr. 175.

[6]. Jawaharlal Nehru: The Discovery of India, vol. 1, The Oxford University Press, India, 1954, p. 391.

[7]. Jawaharlal Nehru: The Discovery of India, vol. 1, The Oxford University Press, New Delhi, India. 1954, p. 117.

[8]. Jawaharlal Nehru: The Discovert of India, vol. 1, The Oxford University Press, New Delhi, India, 1954, p. 115.

[9]. Jawaharlal Nehru: The Discovery of India, vol.1, The Oxford University Press, New Delhi, India, 1954, p. 54.

[10]. J. Nehru: The Discovery of India, vol. 1, The Oxford University Press, New Delhi, India, 1954,  p.44.

[11]. C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994, t. 1, tr. 177 - 178.

[12]. Kimura Taiken: Đại thừa Phật giáo tư tưởng luận, Vạn Hạnh, Sài Gòn, 1969, tr. 22.

[13]. J.  Nehru: The Discovery of India, vol 1, The Oxford University Press, New Delhi, India, 1954, p.117.

Tổng số lượt xem trang