GIẢM THIỂU PHÁT THẢI KHÍ NHÀ KÍNH TRONG HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP

 GIẢM THIỂU PHÁT THẢI KHÍ NHÀ KÍNH TRONG HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP 

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Biến đổi khí hậu đang đặt ra những thách thức to lớn đối với các quốc gia, nhất là đối với các nước đang phát triển như Việt Nam. Đánh giá của các tổ chức quốc tế, Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu. Với nền nông nghiệp còn phụ thuộc nhiều vào tự nhiên như hiện nay, Việt Nam cần chủ động, thường xuyên đánh giá và dự báo tác động của biến đổi khí hậu, để kịp thời có những giải pháp hỗ trợ kinh tế nông nghiệp phát triển bền vững.

Biến đổi khí hậu (BĐKH) trong thời gian qua đã gây ra nhiều tác động tiêu cực đến nước ta. Khí nhà kính (KNK) hiện được coi là nguyên nhân chủ yếu làm tăng nhiệt độ toàn cầu, gây nên BĐKH. Có nhiều ngành sản xuất tham gia vào phát thải KNK. Tại các nước phát triển thì KNK chủ yếu từ ngành công nghiệp và năng lượng, còn tại các nước đang phát triển, nhất là các nước trồng lúa thì KNK chủ yếu xuất phát từ nông nghiệp. Trong khoảng 50 năm qua, nhiệt độ trung bình đã tăng khoảng 2-3oC và mực nước biển đã dâng thêm khoảng 20cm. Ước tính, đến cuối thế kỷ 21, so với trung bình thời kỳ 1980-1999, nhiệt độ trung bình ở Việt Nam có thể tăng thêm 2,3oC, lượng mưa hàng năm tăng khoảng 5% và mực nước biển có thể dâng thêm 75cm (Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2012).

Là nước nông nghiệp (nông nghiệp đóng góp khoảng 20% GDP), phần đông người nghèo sống dựa vào nông nghiệp và đánh bắt thủy sản, nên Việt Nam được Tổ chức Phát triển của Liên Hợp Quốc đánh giá là 1 trong 5 nước đứng đầu thế giới dễ bị tổn thương nhất và tổn thương trực tiếp do quá trình BĐKH. Với nền nông nghiệp còn phụ thuộc nhiều vào tự nhiên như hiện nay, Việt Nam cần chủ động đánh giá và dự báo tác động của BĐKH, để kịp thời có những giải pháp ứng phó, phát triển kinh tế nông nghiệp phù hợp và bền vững.

Tại Việt Nam, nông nghiệp đóng góp 43,1% tổng phát thải KNK. Các hoạt động nông nghiệp như canh tác lúa, lên men dạ cỏ gia súc nhai lại, sử dụng đất nông nghiệp, quản lý chất thải chăn nuôi, xử lý phụ phẩm nông nghiệp là những nguồn phát thải KNK chủ yếu. Trong sản xuất lúa, các loại khí thải nhà kính chủ yếu gồm khí CH4, N2O và khí CO2.

II. TÁC ĐỘNG CỦA BĐKH ĐẾN SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP 

Hạn hán làm giảm 20-30% năng suất cây trồng, giảm sản lượng lương thực. Những đợt hạn hán và nóng kéo dài liên tiếp xảy ra ở khắp các vùng trong cả nước những năm gần đây cho thấy mức độ gia tăng ngày càng lớn của tình trạng BĐKH. Hạn hán có năm làm giảm 20-30% năng suất cây trồng, giảm sản lượng lương thực, ảnh hưởng nghiêm trọng tới chăn nuôi và sinh hoạt của người dân. Hạn hán kéo dài sẽ dẫn đến nguy cơ hoang mạc hóa ở một số vùng, đặc biệt là vùng Nam Trung Bộ, vùng cát ven biển và vùng đất dốc thuộc trung du, miền núi, gây ra những hệ lụy đáng kể đối với phát triển bền vững ở Việt Nam.

Theo nghiên cứu và dự báo của Ủy ban liên chính phủ về BĐKH của Liên hợp quốc (IPPC) và Ngân hàng thế giới (WB), ở Việt Nam, nếu nước biển dâng lên 1m sẽ làm ngập khoảng từ 0,3 đến 0,5 triệu ha tại đồng bằng sông Hồng (ĐBSH), vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ có 1,5-2,0 triệu ha và những năm lũ lớn khoảng trên 90% diện tích của ĐBSCL bị ngập từ 4-5 tháng, trong đó chủ yếu là đất lúa bị ngập hoặc nhiễm mặn không thể sản xuất. Biến đổi khí hậu cũng làm gia tăng thiên tai khiến năng suất cây trồng giảm. Theo đánh giá của ADB, nếu nhiệt độ tăng thêm 1oC, năng suất lúa sẽ giảm 10%, thực trạng trên sẽ đe dọa nghiêm trọng đến an ninh lương thực quốc gia và ảnh hưởng đến hàng chục triệu người dân.

BĐKH có thể tác động đến thời vụ, làm thay đổi cấu trúc mùa, quy hoạch vùng, kỹ thuật tưới tiêu, sâu bệnh, năng suất, sản lượng; làm suy thoái tài nguyên đất, đa dạng sinh học bị đe dọa, suy giảm về số lượng và chất lượng do ngập nước và do khô hạn, tăng thêm nguy cơ diệt chủng của động, thực vật, làm biến mất các nguồn gen quý hiếm.

BĐKH đang làm thay đổi điều kiện sinh sống của các loài sinh vật, dẫn đến tình trạng biến mất của một số loài và ngược lại, xuất hiện nguy cơ gia tăng các loại "thiên địch". Trong thời gian nhiều năm trở lại đây, dịch rầy nâu, vàng lùn, lùn xoắn lá ở ĐBSCL diễn biến ngày càng phức tạp, ảnh hưởng đến khả năng thâm canh, tăng vụ và làm giảm sản lượng lúa.

Các tác động của BĐKH như nước biển dâng, lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, thời tiết cực đoan... đang hiện hữu ngày càng nhiều hơn, rõ rệt hơn, gây thiệt hại cho kinh tế nông nghiệp nói riêng và kinh tế - xã hội Việt Nam nói chung, cụ thể tác động đến ngành trồng trọt như sau:

- Thứ nhất, lũ lụt và nước biển dâng sẽ làm mất đất canh tác trong nông nghiệp. Nếu mực nước biển dâng cao thêm 1m mà không có biện pháp phòng ngừa hữu hiệu, thì khoảng 40% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), 11% diện tích Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) và 3% diện tích của các tỉnh khác thuộc vùng ven biển sẽ bị ngập. Lũ lụt sẽ khiến gần 50% diện tích đất nông nghiệp vùng ĐBSCL bị ngập chìm không còn khả năng canh tác. Theo phân tích của Viện Tài nguyên thế giới về ảnh hưởng của lũ lụt đến GDP, Việt Nam đứng thứ 4 trong số 164 quốc gia được khảo sát về tác hại nghiêm trọng của lũ lụt đến toàn nền kinh tế; làm thiệt hại 2,3% GDP của Việt Nam mỗi năm… Tính riêng năm 2018, thiên tai xảy ra liên tiếp trên các vùng miền cả nước (với 13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, 212 trận dông, lốc sét; 14 trận lũ quét, sạt lở đất; 9 đợt gió mạnh trên biển; 4 đợt rét đậm, rét hại; 11 đợt nắng nóng, 23 đợt không khí lạnh; 30 đợt mưa lớn trên diện rộng; lũ lớn tại thượng nguồn sông Cửu Long sau 7 năm kể từ 2011, triều cường vượt mốc lịch sử tại các tỉnh Nam Bộ, sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển nghiêm trọng tại miền Trung và ĐBSCL…) đã gây thiệt hại về kinh tế ước tính là 20.000 tỷ đồng, làm 218 người chết và mất tích.

- Thứ hai, tình trạng xâm nhập mặn ở khu vực ven biển cũng sẽ làm thu hẹp diện tích đất nông nghiệp. Một phần diện tích đáng kể đất trồng trọt ở vùng ĐBSH và ĐBSCL sẽ bị nhiễm mặn vì 2 đồng bằng này đều là những vùng đất thấp so với mực nước biển. Xâm nhập mặn làm cho diện tích đất canh tác giảm, từ đó hệ số sử dụng đất có thể giảm từ 3-4 lần/năm xuống còn 1-1,5 lần/năm. Ngập mặn sẽ đặc biệt nghiêm trọng ở vùng ĐBSCL. Nếu nước biển dâng cao thêm 1m thì khoảng 1,77 triệu ha đất sẽ bị nhiễm mặn, chiếm 45% diện tích đất ở ĐBSCL và ước tính rằng, có khoảng 85% người dân ở vùng ĐBSCL cần được hỗ trợ về nông nghiệp. Theo kết quả nghiên cứu của Viện Môi trường nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), BÐKH làm giảm năng suất một số loại cây trồng chủ lực. Cụ thể, năng suất lúa vụ xuân sẽ giảm 0,41 tấn/ha vào năm 2030 và 0,72 tấn vào năm 2050. Năng suất cây ngô có nguy cơ giảm 0,44 tấn/ha vào năm 2030 và 0,78 tấn vào năm 2050… Dự báo đến năm 2100, khu vực ĐBSCL có nguy cơ bị ngập 89.473 ha, tương ứng khu vực này sẽ mất khoảng 7,6 triệu tấn lúa/năm nếu nước biển dâng 100 cm. Khi đó, Việt Nam có nguy cơ thiếu lương thực trầm trọng, gia tăng tỷ lệ đói nghèo...

- Thứ ba, nhiệt độ tăng, hạn hán sẽ ảnh hưởng đến sự phân bố của cây trồng, đặc biệt làm giảm năng suất. Cụ thể là năng suất lúa của vụ Xuân có xu hướng giảm mạnh hơn so với năng suất lúa của vụ mùa; năng suất ngô vụ Đông có xu hướng tăng ở Đồng bằng Bắc Bộ và giảm ở Trung Bộ và Nam Bộ. Theo dự báo, nếu không có các biện pháp ứng phó kịp thời, thì hiệu quả năng suất lúa xuân ở vùng ĐBSH có thể giảm 3,7% vào năm 2020 và giảm tới 16,5% vào năm 2070; năng suất lúa mùa sẽ giảm 1% vào năm 2020 và giảm 5% vào năm 2070. Mất đất canh tác trong nông nghiệp và năng suất cây trồng suy giảm sẽ đặt ra những thách thức và đe dọa đời sống của nông dân, vấn đề xuất khẩu gạo và an ninh lương thực quốc gia đối với một quốc gia mà nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân như Việt Nam (nông nghiệp chiếm 52,6% lực lượng lao động và 20% GDP của cả nước…).

Từ thực tiễn có thể khẳng định rằng, kinh tế nông nghiệp luôn giữ vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam. Tuy nhiên, nghiên cứu về "Tác động của BĐKH tới tăng trưởng và phát triển kinh tế ở Việt Nam" của Cơ quan Phát triển quốc tế Đan Mạch, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Đại học Copenhaghen và Viện Nghiên cứu kinh tế phát triển Thế giới dự báo đến năm 2050, nhiệt độ của Việt Nam sẽ tăng lên khoảng 1,5 đến 2oC, điều này ảnh hưởng sâu sắc tới kinh tế nông nghiệp Việt Nam.

Theo giả định của GS. Channing Arndt, Đại học Copenhaghen, kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng với tốc độ 5,4%/năm trong giai đoạn 2007-2050 với đóng góp của nông nghiệp trong GDP giảm từ 16% xuống còn 7,6%. Còn trong giai đoạn 2046 – 2050, tỷ trọng nông nghiệp đóng góp cho nền kinh tế chỉ 7-8% nên tác động của BĐKH là không đáng kể. Tuy nhiên, việc tăng lượng mưa hoặc tăng cường độ mưa sẽ làm ảnh hưởng đến năng suất của khu vực sản xuất theo thời gian.

Hơn nữa, sự gia tăng của các cơn bão cũng khiến tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam giảm sút, nếu tốc độ tăng trưởng bình quân là 5,4% hàng năm thì tốc độ tăng trưởng khi bị tác động vào khoảng 5,32% - 5,39%. Kịch bản nước biển dâng cho thấy, các tác động ở mức nhẹ nhất nhưng cũng khiến GDP giai đoạn 2046 - 2050 giảm từ 0 - 2,5%. Trong khi đó, vì GDP đến năm 2050 của Việt Nam dự báo lớn hơn 500 tỷ USD nên giá trị thiệt hại do BĐKH lên đến khoảng 40 tỷ USD. Thiệt hại này tương đối lớn và có thể hạn chế được tối đa nếu có chính sách thích ứng phù hợp.

III. CÁC GIẢI PHÁP GIẢM THIỂU PHÁT THẢI KHÍ NHÀ KÍNH TRONG HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP

1. Các chính sách bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp

  • Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; 

  • Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 21/1/2009 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX; 

  • Nghị quyết số 24-NQ/TW do Hội nghị Trung ương 7 khóa XI ban hành ngày 3/6/2013 về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường.

  • Quyết định số 2139/QĐ-TTg ngày 5/12/2011 phê duyệt chiến lược quốc gia về BĐKH. Cùng với đó, vấn đề bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với BĐKH nhằm mục tiêu phát triển bền vững đã được đưa vào kế hoạch phát triển của các ngành, địa phương…

  • Quyết định số 1474/QĐ-TTg ngày 5/10/2012 về việc ban hành kế hoạch hành động quốc gia về BĐKH giai đoạn 2012-2020

  • Quyết định số 543/QĐ-BNN-KHCN ngày 23/3/2011 ban hành kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH của ngành nông nghiệp và PTNTT giai đoạn 2011-2015 tầm nhìn đến năm 2050

  • Quyết định số 819/QĐ-BNN-KHCN ngày 14/3/2016 phê duyệt kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến năm 2050 

2. Các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính

Nhiệm vụ bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với an sinh xã hội và phát triển bền vững. Nằm trong chiến lược quốc gia ứng phó với BĐKH, ngành nông nghiệp cần có những chương trình, dự án phù hợp, vừa có tác dụng trước mắt, vừa lâu dài với BĐKH đã, đang và sẽ có ảnh hưởng xấu tới sản xuất lương thực nói riêng và sản xuất nông nghiệp nói chung, theo hướng ngày càng phức tạp và xấu hơn. Nội dung nghiên cứu nông nghiệp thích ứng bao gồm các biện pháp né và sống chung an toàn với điều kiện bất lợi do BĐKH, như dùng giống lúa cực sớm, lúa cạn và cây lương thực ăn củ ở đất cao để né lũ né hạn/mặn xâm nhập; lúa nước sâu và lúa nổi cùng rau củ thủy sinh để sống chung với nước ngập cho an ninh lương thực.

2.1. Giải pháp kỹ thuật

-  Chuyển đổi mùa và thời vụ đối với những cây ngắn ngày như lúa, ngô, khoai, đậu tương, lạc và những cây rau màu khác, nên khuyến cáo làm nhiều vụ trong năm;

-  Đa dạng mùa vụ và giống: đối với các cây trồng chính và bố trí phù hợp với khí hậu đối với từng giai đoạn sinh trưởng phát triển của chúng;

-  Chọn tạo những giống cây trồng mới: trên cơ sở lai tạo cây trồng trong giới hạn cho phép, tiếp tục chọn tạo những giống mới có khả năng thích nghi với biến đổi khí hậu và thiên tai gia tăng;

-  Nguồn nước và hệ thống tưới: Thuỷ nông có ý nghĩa với cây trồng cạn nhưng hệ thống tưới phụ thuộc vào nguồn nước. Biến đổi khí hậu và thiên tai có ảnh hưởng lớn đến nguồn nước bởi vậy hệ thống tưới phải được tính toán cẩn thận và đáp ứng được lượng nước tối ưu cho cây trồng trong quá trình sinh trưởng;

-  Đầu tư và quản lý điều hành: thêm phân đạm và các loại phân hữu cơ khác là cần thiết nhưng lại dẫn đến hiệu ứng CO2. Bởi vậy quản lý, điều hành và điều tiết phân bón cho SXNN là cần thiết để hạn chế nguồn thải CO2;

-  Canh tác: canh tác đúng kỹ thuật sẽ giảm thiểu được khí CO2, tăng nguồn hữu cơ cho đất, tránh được sự xói mòn, làm giảm sự mất mát Nitơ trong đất;

-  Nâng cao dự báo khí hậu hạn ngắn và hạn dài đặc biệt là dự báo các hiện tượng khí hậu cực đoan như ENSO để giảm thiểu sự mất mát kinh tế do biến đổi khí hậu;

-  Áp dung dự báo khí hậu và dự báo ENSO để chuyển đổi cơ cấu cây trồng và thời vụ cho phù hợp với quy luật diễn biến của thời tiết, khí hậu và thiên tai đối với từng vùng.


2.2. Giải pháp công nghệ

Về khoa học công nghệ, cần có những đề tài nghiên cứu phát triển dài hạn, trước hết là về giống cây trồng và bảo vệ sản xuất trước biến động phức tạp của sâu bệnh khi thời tiết ngày một khắc nghiệt. Nghiên cứu triển khai bảo vệ thực vật khi cơ cấu cây trồng thay đổi để thích nghi với BĐKH.

- Để giảm phát thải khí nhà kính trong canh tác lúa, nông dân cần tránh việc đốt rơm rạ sau thu hoạch lúa mà xử lý bằng chế phẩm sinh học và cày vùi vào đất hoặc thu gom, đồng thời thực hiện gieo cấy thưa gắn với bón phân, tưới nước tiết kiệm. Áp dụng kỹ thuật tưới lúa “ướt khô xen kẽ”, sử dụng phân bón hữu cơ và các loại phân bón thế hệ mới, tiết kiệm đạm, lân giúp giảm thất thoát phân bón, giảm phát thải khí nhà kính. Cây lúa không phải lúc nào cũng cần ngập nước và chỉ cần bơm nước vào ruộng cao tối đa 5cm. Đặc biệt, việc áp dụng kỹ thuật tưới “ướt khô xen kẽ” vừa giúp giảm khí thải nhà kính, vừa giúp tiết kiệm nước tưới và giảm chi phí, cũng như giúp cây lúa chắc khỏe, ít đổ ngã.

- Để đối phó với biến đổi khí hậu, hiện ngành nông nghiệp đang tích cực áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn kết hợp với quy hoạch tổng thể vùng sản xuất cũng những giải pháp nhằm phát triển bền vững cho nền nông nghiệp. Những biện pháp đã được triển khai như: 

+ Xây dựng giải pháp quy hoạch đảm bảo 3,8 triệu ha diện tích đất lúa, trong đó 3,2 triệu ha đất canh tác 2 vụ, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia; 

+ Giảm phát khí thải nhà kính qua kỹ thuật 3 giảm, 3 tăng, 1 phải 5 giảm sử dụng tiết kiệm chi phí đầu vào; thúc đẩy quy trình VietGAP trong chăn nuôi; 

+ Cải tiến kỹ thuật và công nghệ trong hoạt động khai thác thủy hai sản; đẩy mạnh trồng rừng, phục hồi rừng, xúc tiến tái sinh và làm giàu từ rừng; xây dựng các hệ thống chống ngập, nước biển dâng tại các thàn phố lớn…

2.3. Giải pháp thích ứng

Những tác động tiêu cực của BĐKH đang ngày càng rõ rệt. Chính vì vậy, cần đẩy nhanh việc hiện thực hóa các giải pháp thích ứng cây trồng để giảm thiểu tác động, góp phần ổn định đời sống người dân và bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Thích ứng cây trồng là biện pháp cần thiết để nền nông nghiệp có thể đứng vững trước các hình thái biến đổi khí hậu. Nông dân sẽ gặp phải những khó khăn mà trước đó họ chưa có kinh nghiệm: Thời tiết thay đổi cực đoan, nhiệt độ trung bình tăng cao, số ngày cực nóng và cực lạnh nhiều hơn, mùa vụ lại có khuynh hướng rút ngắn, bức xạ mặt trời mạnh hơn, các áp lực về hạn, ẩm hay mặn ngày càng cao, và sẽ xuất hiện các tập đoàn sâu hại cũng như các bệnh mới.

Nhận thức rõ ảnh hưởng của BĐKH, để nâng cao khả năng thích ứng với BĐKH bảo đảm phát triển bền vững lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành "Khung chương trình hành động thích ứng với biến đổi khí hậu của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2008-2020", trong đó chú trọng đến: bảo đảm ổn định, an toàn dân cư cho các thành phố, các vùng, miền, đặc biệt là vùng đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng Bắc Bộ, miền trung, miền núi; bảo đảm sản xuất nông nghiệp ổn định, an ninh lương thực; bảo đảm 3,8 triệu ha canh tác lúa hai vụ; bảo đảm an toàn hệ thống đê điều, các công trình dân sinh, hạ tầng kinh tế kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai.

Những giống này chưa nhiều nhưng sẽ là tiền đề để các nhà chọn giống tiếp tục nghiên cứu, lai tạo ra những giống thích ứng với các điều kiện của BĐKH như giống lúa có khả năng chịu mặn, chịu hạn, chịu ngập lụt. Bên cạnh các giải pháp và công nghệ canh tác ở vùng khô hạn và sa mạc hóa, được nhiều nơi nghiên cứu chọn tuyển những cây giống khỏe chịu khô hạn như: điều, ca cao, ôliu...; các cây nông nghiệp ngắn ngày: hành tím, khoai lang, mì (sắn), đậu, mía...; các cây ăn quả đan xen: thanh long, xoài, mãng cầu xiêm (na); một vài loại rau, ớt... đều được tuyển chọn đã chịu được hạn.

Nước ta có điều kiện tuyệt vời để né biển dâng nước ngập là sử dụng đất đồi núi để phát triển nhiều loại công/nông/lâm nghiệp trong những điều kiện đất/nước khác nhau, như: cao-su, cây dừa, cây cọ dầu...; cây ăn trái, cây xa kê, cây hạt dẻ... Để tăng sức sản xuất của vùng có nhiều loại đất nghèo, vấn đề phủ đất chống xói mòn bằng cây họ đậu đỗ cần đặc biệt chú ý.

Với những giống cây trồng, vật nuôi đã được các nhà khoa học, cơ quan khoa học nghiên cứu, thử nghiệm thành công có thể thích ứng với biến đổi khí hậu (ngắn ngày, chịu mặn, chịu hạn, chịu ngập úng, kháng sâu bệnh...) cần được các cơ quan chuyên môn, cơ quan quản lý (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đánh giá, nghiên cứu, tài liệu hóa để xây dựng thành những chương trình, dự án nhân rộng ra các địa phương có những điều kiện áp dụng tương tự.

Đồng thời các giải pháp, mô hình về các biện pháp canh tác cây trồng góp phần thích ứng với BĐKH đang được áp dụng thành công ở cộng đồng (do cộng đồng tìm ra, hoặc do các tổ chức phi chính phủ chuyển giao từ nước ngoài) cũng cần được các cơ quan chuyên môn, cơ quan quản lý đánh giá và có những biện pháp, khuyến nghị nhân rộng tới các địa phương khác. Sau khi các tài liệu này được công bố lãnh đạo địa phương ở các cấp mới có cơ sở để đưa các mô hình, giải pháp nông nghiệp thích ứng với BĐKH vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đề án phát triển nông nghiệp hằng năm.

- Thích nghi trước mắt: Bảo hiểm nông nghiệp để ứng phó với dao động thời tiết, khí hậu và thiên tai; Đa dạng hoá cây trồng, vật nuôi, thay đổi cây trồng thông qua yêu cầu của cây đối với mùa sinh trưởng và chế độ canh tác; Thay đổi cường độ sản xuất; Tăng cường chất khoáng và giám sát sâu bệnh; Thay đổi biện pháp canh tác và các hệ thống nông nghiệp; Di chuyển tạm thời.

- Thích nghi lâu dài: Phát triển hiện đại hoá và công nghệ cao; Thay đổi hệ thống cây trồng và xen canh; Nâng cao quản lý nguồn nước; Thực hiện dịch chuyển lao động.

- Kết hợp trước mắt và lâu dài: Đầu tu và tích luỹ vốn; Thay đổi sơ đồ phát triển giá của thị trường và các thay đổi khác; Thích nghi bằng công nghệ mới; Mở rộng thương mại, trao đổi kinh tế thích nghi với khí hậu; Phục vụ chuyển giao; Đa dạng nghề và phương thức lao động; Kiểm soát số liệu khí hậu; Tổ chức các cơ quan quy hoạch và thực hiện.

2.4. Nâng cao năng lực cho cán bộ nông nghiệp

Nâng cao năng lực cho các cán bộ nông nghiệp, khuyến nông của địa phương về phương pháp, kỹ năng để thí điểm, nhân rộng các mô hình, giải pháp thích ứng với BĐKH.

2.5. Xác định định hướng trọng tâm trong sản xuất nông nghiệp thời gian tới

Một là, nghiên cứu mối quan hệ, tác động qua lại giữa ô nhiễm môi trường, BĐKH và tăng trưởng kinh tế, trong đó đánh giá cụ thể hơn những hoạt động của con người vì mục tiêu tăng trưởng kinh tế mà làm ô nhiễm môi trường, dẫn tới BĐKH.

Hai là, nâng cao năng lực của nền kinh tế để tăng sức chịu đựng đối với BĐKH qua việc đổi mới mô hình tăng trưởng, hướng tới tăng trưởng xanh, đầu tư xanh; cơ cấu lại nền kinh tế, lựa chọn các ngành kinh tế phù hợp để tập trung phát triển; nâng cao tính thiết thực và hiệu quả liên kết vùng trong tổng thể nền kinh tế, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi.

Ba là, chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp ứng phó với BĐKH, từng bước hình thành cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao; Mở rộng các dịch vụ trong nông nghiệp; Liên kết trong đầu tư, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; Xây dựng và phát triển sinh kế thích ứng với BĐKH. 

Bốn là, khảo sát, tổng hợp những sáng kiến của người dân trong việc ứng phó với các hiện tượng BĐKH và tăng cường nguồn lực để hỗ trợ, nâng cao hơn nữa tính chủ động cũng như tính dài hạn trong các biện pháp đó.

Thứ năm, tập trung đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông, nhằm giảm thời gian và chi phí vận chuyển nội vùng. 

Thứ sáu, đổi mới tổ chức sản xuất và thúc đẩy liên kêt chuỗi giá trị; Nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến. Khuyến khích dịch vụ hỗ trợ nông dân tiếp thu và áp dụng khoa học công nghệ, trao quyền cho nông dân, doanh nghiệp tham gia đánh giá và đặt hàng các cơ quan nghiên cứu và khuyến nông; Thúc đẩy xã hội hóa các hoạt động khoa học công nghệ nông nghiệp; phân cấp hoạt động khuyến nông cho các tổ chức nông dân và doanh nghiệp.

Thứ bảy, tiếp tục rà soát để hoàn thiện các khuôn khổ pháp luật và cơ chế chính sách; xem xét cho thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù cho các vùng chuyên canh; thúc đẩy hợp tác quốc tế để hỗ trợ ngành Nông nghiệp thích ứng với BĐKH và phát triển sinh kế bền vững, cụ thể gồm:

- Chính sách đất đai: Khơi thông thị trường đất đai, thúc đẩy tích tụ, tập trung đất nông nghiệp.

- Chính sách thu hút đầu tư: Tạo động lực mạnh mẽ thu hút đầu tư và khuyến khích phát triển doanh nghiệp vào nông nghiệp thông qua việc kiến tạo cơ chế chính sách khả thi và đáp ứng đúng nhu cầu của doanh nghiệp.

- Chính sách thuế, phí: Cải thiện hệ thống thuế, phí, tạo động lực cho việc áp dụng các mô hình nông nghiệp bền vững, thích ứng với BĐKH.

- Chính sách tín dụng: Đẩy mạnh tín dụng cho vay theo chuỗi giá trị nông nghiệp. Hoàn thiện khung pháp lý để phát triển cung ứng đồng bộ các sản phẩm dịch vụ tài chính mới nhằm tăng khả năng tiếp cận tín dụng với quy mô lớn và dài hạn hơn cho nông dân, trang trại, hợp tác xã và doanh nghiệp trong nông nghiệp, nông thôn.

- Chính sách bảo hiểm: Tiếp tục triển khai các chương trình/mô hình bảo hiểm nông nghiệp đối với các nông sản chủ lực của vùng, từng bước gắn kết giữa bảo hiểm và tín dụng theo chuỗi. Xây dựng chính sách bảo hiểm xã hội đối với lao động phi chính thức.

- Chính sách thương mại: Rà soát, đổi mới và hoàn thiện bộ máy kiểm dịch, đảm bảo an toàn sinh học, vệ sinh dịch tễ đối với hàng xuất nhập khẩu. Tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai các chính sách hỗ trợ xây dựng liên kết chuỗi giá trị nông nghiệp. Xây dựng cơ chế hòa giải tranh chấp trong các hợp đồng bao tiêu nông, lâm, thủy sản nhằm giải quyết các tranh chấp đối với những xung đột phát sinh, tiến tới xây dựng cơ chế chia sẻ giá giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị nông nghiệp để đảm bảo lợi ích của các bên tham gia và phát triển bền vững.

Định hướng cụ thể cho từng vùng đến năm 2030

- Vùng núi và Trung du Bắc Bộ: Mùa sinh trưởng sẽ dài hơn, rất thích nghi đối với lúa, nhiệt độ thấp đối với lúa sẽ giảm dần. Sự phụ thuộc của cây lúa cũng như các cây trồng khác vào điều kiện mưa nhiều hơn là điều kiện nhiệt. Cho nên điều quan trọng hơn cả là nhiệm vụ quản lý nước. Khả năng phát triển cây thuốc và cây á nhiệt đới sẽ giảm đi và phải dịch chuyển lên các đai cao hơn hiện nay chúng đang sống. Ngược lại số lượng cây nhiệt đới sẽ giảm dần được hình thành và phát triển (do nhiệt độ tối thấp tuyệt đối có xu thế tăng lên rõ rệt).

- Đồng bằng sông Hồng: Vai trò nhiệt độ sẽ là thứ yếu so với lượng mưa. Nhờ có sự giảm dần của số ngày có nhiệt độ thấp nên vụ xuân sẽ đến sớm hơn bây giờ, vụ xuân và vụ mùa sẽ là vụ chủ chốt và được mở rộng hơn. Nhờ có sự biến đổi trong mùa mưa nên tần suất hạn trong mùa hè và lụt trong mùa thu sẽ tăng lên. Lượng bốc hơi trong  phương trình cán cân nước sẽ tăng, vấn đề quản lý nước trở nên quan trọng. Một số cây nguyên chủng trong vĩ độ cao sẽ mất dần đi (các cây rau màu vụ đông có nguồn gốc ôn đới và á đới) sẽ được thay thế bởi một loạt các cây trồng nhiệt đới điển hình khác.

- Vùng ven biển Bắc Trung Bộ: Nhiệt độ cực đoan có hại với vụ đông xuân sẽ giảm dần. Hạn hán ảnh hưởng đến canh tác lúa vụ đông sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng. Tác động của bão, mưa lớn đến vụ lúa mùa trỗ bông sẽ mạnh hơn bây giờ. Tần suất xuất hiện gió tây khô nóng trong vụ mùa sẽ tiếp tục phát triển ở một số địa phương. Đặt vấn đề quản lý nước là cần thiết cho vùng này.

- Vùng Nam Trung Bộ: Tác động của khí hậu đến sản xuất nông nghiệp sẽ không có dấu hiệu biến đổi so với hiện tại. Chỉ có các tỉnh Đông nam của vùng tần suất hạn sẽ tăng lên và như vậy kế hoạch quản lý nước sẽ phải được đề cao hơn hiện tại.

- Vùng Tây Nguyên: Sản xuất cà phê, cao su, ca cao... và các cây công nghiệp nhiệt đới điển hình khác sẽ không bị giới hạn do nhiệt độ thấp. Hạn hán, mùa khô sẽ khắc nghiệt hơn bây giờ nên vấn đề quản lý nước sẽ là nhiệm vụ hàng đầu.

- Vùng đồng bằng sông Mê Kông: Nhìn chung tình huống sản xuất nông nghiệp (SXNN) sẽ không thay đổi so với hiện tại. Chỉ cần chú ý đến tần suất xuất hiện hạn hán sẽ tăng ảnh hưởng xấu cho sản xuất nông nghiệp của vùng.

Ứng phó với biến đổi khí hậu sau những năm 2050

Sau những năm 2050 có nhiều điều kiện khí tượng nông nghiệp và khí hậu nông nghiệp sẽ thay đổi mạnh mẽ do hệ quả của biến đổi khí hậu. Các vùng khí hậu Việt Nam sẽ dần dần dịch chuyển về xích đạo, độ dài mùa lạnh sẽ giảm từ 30 - 50 ngày so với hiện tại. Ngược lại độ dài mùa nóng sẽ kéo dài hơn 30 - 60 ngày so với hiện tại. Mùa sinh trưởng với ý nghĩa lượng mưa lớn hơn 1/2 lượng bốc thoát hơi sẽ giảm đi; Tần suất cả hạn và úng sẽ tăng lên; Mực nước biển dâng lên là điều kiện đáng lo và phải quan tâm ở Việt Nam. Tác động của các trạng huống biến đổi khí hậu đến các vùng khác nhau sẽ được nêu dưới đây:

- Vùng Đông Bắc và Tây Bắc: Kế hoạch SXNN sẽ được thay đổi về nguyên lý. Các cây nhiệt đới sẽ thay thế hoàn toàn các cây á đới và các cây dược liệu. Mùa trồng trọt cũng phải được sắp xếp lại hoàn toàn cho phù hợp với khí hậu. Vấn đề quản lý nước phải được quan tâm hơn; giá nông sản sẽ tăng lên.

- Vùng đồng bằng sông Hồng: Các vùng lụt lội tự nhiên sẽ không vượt 443.000 ha như bây giờ và vùng lúa bị úng lụt sẽ không vượt quá 25% diện tích. Tất nhiên những vùng canh tác sẽ bị thu hẹp so với hiện tại đặc biệt là các tỉnh ven biển. Kế hoạch gieo trồng những cây trồng khác sẽ được thực hiện về cơ bản. Vai trò của các loại ngũ cốc khác sẽ có tác dụng hơn. Tác động phá hại của lụt và hạn sẽ ngày càng khốc liệt hơn. Cơ cấu mùa vụ sẽ phải xem xét lại. Sự xuất hiện của nhiệt độ thấp sẽ giảm đi nhiều và vai trò của vụ lúa xuân ngày một quan trọng hơn. Chỉ đạo vấn đề quản lý nước và kiểm soát đê biển cần được chú ý và phát triển hơn so với hiện tại.

- Vùng ven biển Bắc và Nam Trung Bộ: Các vùng lụt lội tự nhiên sẽ giảm dần và diện tích trồng lúa sẽ tăng dần lên. Các sông suối phải được phát triển để bảo vệ nguồn nước cho SXNN và nuôi trồng thuỷ sản. Kế hoạch gieo trồng các cây trồng khác nhau phải tổ chức lại. Một số cây công nghiệp nhiệt đới như cao su, cà phê sẽ được dịch chuyển dần lên vùng núi và trung du. Mùa vụ gieo trồng sẽ được thay đổi về cơ bản. Thời vụ các vụ lúa phải được xác định lại trên quan điểm năng suất cao và ổn định. Lúa xuân sẽ không bị hại do nhiệt độ cực đoan. Lúa hè thu và lúa mùa cần phải đánh giá kỹ nguồn nước và phải phòng chống lũ lụt và hạn hán. Bão trong vùng sẽ hoạt động mạnh mẽ và khốc liệt hơn ảnh hưởng lớn đến kinh tế xã hội trong vùng. Nguồn tài chính của nhà nước cần được quan tâm chú ý hỗ trợ cho SXNN ở vùng này.

- Vùng Tây Nguyên: Cây công nghiệp nhiệt đới sẽ không còn bị ức chế về nhiệt trên các độ cao. Tuy vậy hạn hán sẽ phát triển và giá nông sản sẽ không có giới hạn như mức hiện nay. Lụt lội sẽ tăng lên và cánh đồng lúa sẽ bị giảm đi

- Vùng đồng bằng sông Mê Kông: Khu vực trồng lúa sẽ bị giảm nhiều do ngập mặn phát triển. Tần suất hạn hán tăng lên. SXNN bị hạn chế. Giá thực phẩm và ngũ cốc tăng lên đáng kể so với hiện nay.

Tóm lại các vùng nông nghiệp sẽ bị thất bát do biến đổi khí hậu. Tuy vậy mức độ thất bát sẽ tập trung vào các vùng hoạt động kinh tế xã hội quan trọng nhất: đồng bằng sông Hồng, vùng ven biển Bắc và Nam Trung Bộ, đồng băng sông Mê Kông. Hệ quả quan trọng của tác động biển đổi khí hậu là làm mất dần những vùng đất canh tác đặc biệt là do mực nước biển dâng lên làm mặn hoá các vùng đất thấp tiền đề cho sự suy thoái không đảo ngược về tài nguyên thiên nhiên. Những nghiên cứu về mô hình hoá cây trồng (mùa màng) ở nhiều nước khác nhau đã cho những kết quả khẳng định năng suất cây trồng ở các vùng vĩ độ thấp sẽ giảm. Cho nên các biện pháp thích nghi phải là xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất cho từng vùng phù hợp với khí hậu: Tổ chức lại (sắp xếp lại) cơ cấu mùa vụ trên toàn lãnh thổ và cho từng vùng - Phát triển quản lý nguồn nước và các biện pháp tưới; Nghiên cứu biện pháp thích hợp để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và chọn lựa công nghệ phù hợp với sản xuất của từng vùng.

IV. KẾT LUẬN


Tổng số lượt xem trang