MÔN KỸ NĂNG QUẢN LÝ MÔI TRƯỜNG CHUYÊN SÂU

 MÔN KỸ NĂNG QUẢN LÝ MÔI TRƯỜNG CHUYÊN SÂU

Quản lý môi trường liên quan đến các rủi ro thiên tai sử dụng công cụ phụ trợ trong phòng chống bão lũ lụt sạt lở đất tại Quảng Nam

I. Các công cụ phụ trợ hiện nay

1, Công cụ truyền thông môi trường

 Là một quá trình tương tác xã hội hai chiều nhằm giúp cho những người có liên quan hiểu được các yếu tố môi trường then chốt, mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau của chúng và cách tác động vào các vấn đề có liên quan một cách thích hợp để giải quyết các vấn đề về môi trường".

Mục tiêu của truyền thông môi trường nhằm:

Thông tin cho người bị tác động bởi các vấn đề môi trường biết tình trạng của họ, từ đó họ quan tâm đến việc tìm kiếm các giải pháp khắc phục.

Huy động các kinh nghiệm, kỹ năng, bí quyết địa phương tham gia vào các chương trình bảo vệ môi trường.

Thương lượng hoà giải các xung đột, khiếu nại, tranh chấp về môi trường giữa các cơ quan, trong nhân dân.

Tạo cơ hội cho mọi thành phần trong xã hội tham gia vào việc bảo vệ môi trường, xã hội hoá công tác bảo vệ môi trường.

Khả năng thay đổi các hành vi sẽ được hữu hiệu hơn thông qua đối thoại thường xuyên trong xã hội.

2, Công cụ mô hình hóa 

+ MIKE 11 là một phần mềm kỹ thuật chuyên dụng mô phỏng lưu lượng, chất lượng nước và vận chuyển bùn cát ở cửa sông, sông, hệ thống tưới, kênh dẫn và các hệ thống dẫn nước khác. MIKE 11 là mô hình động lực một chiều thân thiện với người sử dụng nhằm phân tích chi tiết, thiết kế, quản lý và vận hành cho sông và hệ thống kênh dẫn đơn giản và phức tạp. Với môi trường đặc biệt thân thiện với người sử dụng, linh hoạt và tốc độ, Mike 11 cung cấp một công trình hữu hiệu về thiết kế kĩ thuật công trình, tài nguyên nước, quản lý chất lượng nước và các ứng dụng quy hoạch.

          +MIKE 21:

- Thiết kế đánh giá dữ liệu cho kết cấu ven biển và ngoài khơi

- Tối ưu hóa bố trí cảng và các biện pháp bảo vệ bờ biển

- Thân tích nước làm mát, khử muối và tuần hoàn

- Tối ưu hóa các lối ra ven biển

- Đánh giá tác động môi trường của cơ sở hạ tầng biển

- Mô hình sinh thái bao gồm tối ưu hóa hệ thống nuôi trồng thủy sản

- Tối ưu hóa hệ thống năng lượng tái tạo

- Dự báo nước cho hoạt động hàng hải an toàn và giao thông thủy

- Lũ lụt ven biển và cảnh báo nước dâng do bão

- Mô hình dòng chảy nội địa và dòng chảy nội địa

3, Công cụ Gis và viễn thám

Hệ thống thông tin địa lý là một hệ thống máy tính có chức năng lưu trữ và liên kết các dữ liệu địa lý với các đặc tính của bản đồ dạng đồ họa, từ đó cho một khả năng rộng lớn về việc xử lý thông tin, hiển thị thông tin và cho ra các sản phẩm bản đồ, các kết quả xử lý cùng các mô hình

Là một loại hệ thông tin kiểu mới được xây dựng trên nền tảng công nghệ máy tính và công nghệ bản đồ. Từ các thông tin vị trí địa lý của đối tượng (dữ liệu không gian) và thông tin thuộc tính được lưu trữ (dữ liệu thuộc tính) ta có thể dễ dàng tạo ra các loại bản đồ và các báo cáo để cung cấp một sự nhìn nhận có hệ thống và tổng thể, nhằm thu nhận và quản lý thông tin vị trí có hiệu quả.

4, Công cụ dự báo thời tiết, lũ quét, sạt lở đất, Đèn báo bão, bắn pháo sáng, sms

Bắn pháo hiệu cảnh báo cho ngư dân, tàu thuyền trên biển khi bão đã gần bờ.

II. Tình hình thực tế tại Quảng Nam

1, Công cụ phụ trợ thông báo qua SMS

Năm 2019, UBND tỉnh vừa ban hành Quy trình nhắn tin SMS phòng, chống thiên tai đến người dân trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Quy trình nhắn tin SMS phòng, chống thiên tai được xây dựng nhằm cung cấp thông tin cảnh báo sớm, thông báo các nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh về công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn kịp thời, nhanh chóng đến người dân; giúp người dân chủ động ứng phó, hạn chế tối đa ảnh hưởng, thiệt hại do thiên tai gây ra. Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng các dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin hiện đại trong công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh.

Quy trình nhắn tin SMS phòng, chống thiên tai đến người dân được thực hiện theo sơ đồ sau:

 

Trong đó:

(1): Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh (Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh) gửi nội dung tin nhắn cần gửi đến các doanh nghiệp viễn thông và Sở Thông tin và Truyền thông theo Biểu mẫu 01 qua email và gọi điện thông báo, xác nhận cho các doanh nghiệp. Sau mỗi đợt thiên tai tổng hợp các nội dung đã yêu cầu nhắn tin và gửi theo đường văn bản để các doanh nghiệp lưu trữ. Doanh nghiệp viễn thông xác nhận đã nhận được văn bản cho Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông theo một trong các phương thức tin nhắn, điện thoại, email, fax.

(2): Doanh nghiệp viễn thông thực hiện nhắn tin đến người dân. Thời gian thực hiện tối đa 03 giờ từ lúc doanh nghiệp nhận được văn bản từ Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh.

(3): Sau khi hoàn tất việc nhắn tin, doanh nghiệp viễn thông thực hiện báo cáo về Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh và Sở Thông tin và Truyền thông theo Biểu mẫu 02.

2, Công cụ phụ trợ dự báo thời tiết bão, lũ lụt, lũ quét, sạt lở đất

Không phải đến thời điểm này cảnh báo thiên tai bằng công nghệ hiện đại mới được ứng dụng, mà cuối năm 2013, Công ty CP Thủy điện A Vương đã đưa vào sử dụng hệ thống truyền báo thông tin về mức ngập lụt tự động qua sóng điện thoại di động. Tuy nhiên, chỉ mới áp dụng giới hạn trong phạm vi 12 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Đại Lộc. Thực tế cho thấy, nhu cầu truyền tin cảnh báo xả lũ từ các hồ chứa thủy điện rất được quan tâm tại vùng hạ lưu sông Vũ Gia - Thu Bồn. Tháng 5.2014, UBND tỉnh gửi văn bản yêu cầu các nhà máy thủy điện phải lắp đặt, bổ sung hệ thống cảnh báo phía hạ du.

Cách đây không lâu, Tập đoàn Viễn thông công nghệ thông tin Nhật Bản và Đại học Waseda (Nhật Bản) đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông lắp đặt nhiều thiết bị giám sát mực nước và tốc độ nước để cảnh báo lũ cho người dân tại khu vực huyện Nam Trà My. Công nghệ điện toán đám mây, phân tích nước lũ rất hiện đại, có khả năng phát hiện sớm sự thay đổi mực nước các dòng sông, suối ở thượng nguồn, từ đó phát hiện sớm các nguy cơ lũ quét và thông báo đến người dân để hạn chế thấp nhất rủi ro do thiên tai gây ra.

3, Công cụ phụ trợ ứng dụng GIS và thuật toán AHP

Trên cơ sở ứng dụng GIS và thuật toán AHP, Ban phòng chống lũ lụt đã xây dựng bản đồ phân vùng nguy cơ lũ lụt tại lưu vực sông Vũ Gia. Dựa vào bản đồ phân cấp vùng có nguy cơ lũ, có thể thấy rằng vùng có nguy cơ xảy ra lũ lụt cao chiếm 23,40% diện tích toàn lưu vực. Trên cơ sở bản đồ phân vùng nguy cơ lũ lụt, tiến hành chồng lớp với bản đồ ranh giới hành chính, xác định vùng có nguy cơ cao tập trung chủ yếu ở hạ lưu như xã Đại Hồng, Đại Lãnh, Đại Đồng, Đại Sơn… thuộc huyện Đại Lộc. Bản đồ phân vùng nguy cơ lũ là nguồn tài liệu tham khảo hữu ích cho công tác quản lý lũ lụt trên lưu vực sông Vũ Gia, nhằm giảm tối đa thiệt hại về người và của cho người dân cũng như hạn chế sự tàn phá môi trường sinh thái. Đây cũng được xem là tiền đề quan trọng cho việc xây dựng cảnh báo lũ lụt trên lưu vực.

III. Công cụ phụ trợ mới đã và đang áp dụng trên thế giới

Tại Trung Quốc, chính quyền coi trọng áp dụng các giải pháp phi công trình, như dự báo, cảnh báo sớm; quản lý vùng chứa nước; nạo vét dòng chảy; chính sách bảo hiểm lũ lụt; cứu trợ thảm họa....

Hơn 20.000 trạm cùng hàng nghìn điểm quan trắc và hệ thống dự báo tự động được lắp đặt trên toàn quốc để thực hiện dự báo và cảnh báo sớm. Các thiết bị hiện đại như vệ tinh, radar, hệ thống quan trắc thủy văn và truyền số liệu vô tuyến điện tiến hành xử lý, dự báo chính xác các đặc trưng cơ bản của lũ lụt như: đỉnh lũ, lượng nước, mức lũ, tốc độ dòng chảy, thời gian lũ đến, lịch sử lũ….Để giúp người dân sớm ổn định cuộc sống, giảm gánh nặng cho xã hội và chi phí của nhà nước, từ những năm 80 của thế kỷ trước, Trung Quốc đã bắt đầu thực hiện chế độ bảo hiểm lũ lụt đối với cư dân và các đơn vị trong vùng lũ. Đối tượng tham gia theo một trong hai hình thức là tự nguyện hoặc bắt buộc, được các công ty bảo hiểm bồi thường khi có thiệt hại về tài sản. Đây là một trong những giải pháp phi công trình quan trọng mà Trung Quốc đang áp dụng. Một số nước như Mỹ, Anh, Australia, New Zealand, Ấn Độ cũng đã thực hiện chính sách này.

Từ sau trận “đại hồng thủy” năm 1998 trên sông Trường Giang và sông Tùng Hoa, Chính phủ Trung Quốc đã áp dụng mô hình: “Người dân kiểm soát, người dân phòng tránh” trong phòng, chống lũ lụt và sạt lở đất. Đây là hình thức huy động sự tham gia quần chúng nhân dân ở chính những điểm có nguy cơ cao về thảm họa địa chất, hình thành nên một mạng lưới giám sát, phòng ngừa những hiện tượng bất thường của thiên nhiên, từ đó giúp người dân chủ động có biện pháp phòng tránh. Với hơn 29 vạn người tham gia, mô hình này được triển khai thực hiện ở ba cấp (huyện, xã và thôn), tại tất cả những khu vực có nguy cơ cao về lũ lụt, thảm họa địa chất và được vận hành theo chế độ “tam tra” (điều tra trước mưa, tuần tra trong mưa và phúc tra sau mưa).

Công việc hằng ngày của họ là thay phiên nhau trực ban, tuần tra kiểm soát, ghi chép số liệu quan trắc đơn giản và báo cáo nhanh tình hình. Họ được hưởng trợ cấp, khi thực hiện nhiệm vụ được trang bị các loại thiết bị giám sát thông minh, phân tích và gửi dữ liệu tự động; đồng thời phải trải qua các lớp bồi dưỡng, tập huấn những kiến thức cơ bản, dấu hiệu nhận biết thảm họa, cách thức thông báo và kỹ năng sơ tán khẩn cấp.... Khi phát hiện các dấu hiệu bất thường, người đảm nhiệm trực ban lập tức gõ kẻng cảnh báo, sau đó gửi tin báo cho cơ quan chức năng để có biện pháp ứng phó kịp thời, và phối hợp với lực lương chuyên trách và đội ứng phó khẩn cấp (cũng được thành lập ở 3 cấp huyện, xã và thôn) sơ tán người dân đến khu vực an toàn. Lực lượng này cùng với đội ngũ chuyên trách đã tạo nên một mạng lưới rộng khắp, xuống tận cơ sở, góp phần tích cực nâng cao ý thức đề phòng, hiệu quả dự báo và khả năng phản ứng của người dân trước các tình huống khẩn cấp về địa chất, đặc biệt ở những khu vực hẻo lánh, vùng núi cao đi lại khó khăn, phương tiện kỹ thuật chưa vươn tới được.

IV. Các biện pháp truyền thông nâng cao nhận thức người dân về phòng chống thiên tai đang được áp dụng

- Tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác phòng chống thiên tai tại Quảng Nam; đồng thời, mở các lớp tập huấn nâng cao nhận thức cho người dân về đánh giá rủi ro thiên tai.

- Xây dựng nhiều tài liệu truyền thông hướng dẫn kiến thức, kỹ năng phòng chống thiên tai phù hợp với từng đối tượng; 

- Phổ biến, nâng cao kiến thức về phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai cho học sinh.

- Triển khai thực hiện toàn diện mô hình quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng.

- Đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức cho những người làm công tác phòng chống thiên tai; tập huấn nâng cao kiến thức cho trưởng thôn, người có uy tín trong cộng đồng, cán bộ truyền thông, tuyên truyền cấp cơ sở; 

- Tổ chức đánh giá rủi ro thiên tai có sự tham gia của cộng đồng; xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai có sự tham gia của cộng đồng; 

- Tổng kết, xây dựng các bài học kinh nghiệm sau mỗi trận thiên tai xảy ra; phổ biến, tuyên truyền kịp thời tới cộng đồng để không bị lặp lại thiệt hại cho các thiên tai tương tự; 

- Đưa kiến thức phòng chống thiên tai vào giảng dạy tại cấp tiểu học

- Xây dựng các bản đồ cảnh báo khu vực có nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất nguy hiểm với tỷ lệ thích hợp.

- Tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực và quốc tế trong công tác cảnh báo, dự báo, giáo dục, đào tạo, chuyển giao công nghệ, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, các bài học thực tiễn, tiến tới xây dựng các thỏa thuận, các hiệp định hợp tác về phòng, chống thiên tai, đặc biệt trong lĩnh vực cứu hộ, cứu nạn; hợp tác với các tổ chức quốc tế trong việc thực hiện Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu, Nghị định thư Kyoto;

- Tăng cường công tác truyền thông, kết hợp hài hòa giữa phương thức truyền thống với truyền thông đa phương tiện để truyền tải thông tin chính xác, kịp thời về thiên tai, bão lũ tới người dân; nâng cao nhận thức, năng lực phòng, chống thiên tai cho cộng đồng, đẩy mạnh xây dựng lực lượng xung kích phòng chống thiên tai ở cơ sở;

- Lồng ghép đầu tư công tác phòng, chống thiên tai trong các chương trình, dự án đầu tư phát triển kinh tế xã hội của từng ngành, từng địa phương tỉnh Quảng Nam.

V. Kết luận:

Việc sử dụng các công cụ phụ trợ trong phòng chống bão lũ lụt sạt lở đất tại Quảng Nam góp phần tăng hiệu quả công tác phòng chống thiên tai. Đồng thời, cũng giảm thiểu được các tác động biến đổi khí hậu ảnh hưởng tới con người cũng như môi trường sống của chúng ta. Hơn hết, thông qua các công cụ này mà các nhà quản lý có thể tuyên truyền tới người dân giúp mọi người nâng cao ý thức chấp hành luật bảo vệ môi trường trong công tác phòng chống thiên tai và nhận thức rõ được quyền hạn và trách nhiệm của mỗi người trong việc thực hiện phòng chống thiên tai và bảo vệ môi trường sinh thái./.


Tổng số lượt xem trang