NGUY CƠ SUY THOÁI MÔI TRƯỜNG VỊNH HẠ LONG

 


NGUY CƠ SUY THOÁI  MÔI TRƯỜNG VỊNH HẠ LONG


Trần Đức  Thạnh, 

Viện Tài nguyên và Môi trường biển




TÓM TẮT

Vịnh Hạ Long hai lần được UNESCO công  nhận   là di sản Thế  giới về Mỹ  học  và địa chất  học, đồng  thời có tiềm năng lớn phát triển du lịch – dịch vụ,  thủy  sản và cảng - giao thông thuỷ. Vịnh còn có tiềm năng được công nhận là di sản về đa dạng sinh học. Gần đây, môi  trường  vịnh đang  chịu áp  lực  lớn  từ các  hoạt động nhân tác, các  biến động tự  nhiên bất  thường xuất hiện tại chỗ, trên  đất liền, xuyên lưu vực và thậm chí xuyên lãnh hải. Đó  là quá  trình đô thị hoá  và  gia tăng dân số;  phát triển công nghiệp và khai khoáng; phát triển cảng và giao thông thuỷ; đánh bắt, nuôi trồng và chế biến thuỷ sản; du lịch và dịch vụ và biến đổi khí  hậu v.v. Do vậy,  vịnh  Hạ  Long đang  phải đối  mặt  với  các nguy cơ suy thoái môi trường như ô nhiễm;  đục nước, bùn hoá và nông hoá đáy vịnh;  tai biến môi trường như nước biển dâng cao, bão tố, giông lốc, mưa lớn, xói lở bờ bãi và sa bồi luồng bến, tràn dầu v.v.); đánh  bắt và nuôi trồng quá mức, khai thác bằng  các phương  tiện huỷ hoại nguồn lợi; mất nơi cư trú của sinh vật dẫn đến suy  giảm nguồn lợi  thuỷ sản và đa dạnh sinh học

Để bảo vệ môi trường  vịnh, ngoài các biện  pháp chung, cần quan tâm đến  những vấn  đề  đặc  thù  của địa  phương như ô  nhiễm từ khai thác và sàng  tuyển than, san lấp lấn biển, hành  hải và  neo đậu tầu  thuyền, các xóm chài và nhà  hàng trên  vịnh, sự cố  tràn dầu  và các tại nạn do giông  lốc  trên  vịnh v.v.


MỞ ĐẦU

Vịnh Hạ Long thuộc tỉnh Quảng Ninh, giáp Hải Phòng, có diện tích 1553 km2 và gồm 1969 hòn đảo. Đây là một vùng nổi tiếng về cảnh đẹp thiên nhiên và các giá trị di sản quý giá  cần được bảo tồn, đồng  thời có tiềm năng lớn phát triển du lịch – dịch vụ,  thủy  sản, cảng - giao thông thuỷ. Do những giá trị toàn cầu về vẻ đẹp của cảnh quan tự nhiên, vào  năm 1994, vịnh được UNESCO công nhận là di sản thế giới về mĩ học, với vùng lõi nằm ở khu trung tâm vịnh, rộng 534 km2 và  bao gồm 775 hòn đảo. Vào cuối năm 2000, Hạ Long đã được công nhận lần thứ hai là di sản thế giới về địa chất học  với những giá trị toàn cầu nổi bật  về lịch sử địa chất và địa mạo karst. Vịnh còn có tiềm năng được công nhận là di sản về đa dạng sinh học. Đây là một khu vực có đa dạng sinh học rất cao với đa dạng loài động thực vật trên cạn và thuỷ sinh,  hiện được biết có 2186 loài sinh vật trên cạn và dưới nước, trong đó có khoảng 50 loài quý, hiếm, đặc hữu và đặc biệt 30 loài đang có nguy cơ tuyệt chủng được ghi vào sách đỏ của Việt Nam và danh mục đỏ thế giới – IUCN (Nguyễn văn Tiến, 2004). Các hệ sinh thái vịnh rất đa dạng ở ven bờ, trên đảo và dưới biển, trong đó có các hệ đặc trưng như rạn san hô, rừng ngập mặn và các hệ đặc biệt như tùng áng, hồ nước mặn, hang động. Tuy nhiên, môi trường và đa dạng sinh học  ở đây có nguy cơ bị suy thoái do các tác động từ trên lưu vực, trong vịnh và từ ngoài  biển.

1. Áp lực từ phát triển 

1.1. Đô thị hoá  và  gia tăng dân số

Dân số thành phố Hạ  Long  tăng lên nhanh chóng, từ trên 16 vạn  năm 2000 lên  gần 20  vạn  vào  năm 2005, phân bố không đều và tập trung với mật độ cao ở sát bờ vịnh, có những thời điểm tăng đột biến do du khách. Quá trình đô thị hoá đang diễn ra nhanh kèm theo tăng dân số cơ học. Theo quy hoạch đến năm 2010, tăng trưởng kinh tế bình quân 14 - 15%/ năm  với tỷ trọng công nghiệp và xây dựng 53,0 - 56,0% trong tổng giá trị gia tăng; dịch vụ 43,0 - 46,0% và nông nghiệp dưới 1%. Thành phố sẽ trở thành một trung tâm du lịch lớn tầm quốc gia, quốc tế; trung tâm công nghiệp, cảng, thương mại, dịch vụ của vùng và trở thành động lực phát triển của toàn tỉnh Quảng Ninh.

Không gian bờ vịnh có xu hướng bị thu hẹp do lấn biển phát triển các khu định cư, công nghiệp và  dịch vụ trên diện tích rừng ngập mặn, bãi triều và cả vùng nước ven vịnh. Trên mặt vịnh có những cộng đồng cư dân sống trên mặt nước như làng chài Cửa Vạn. Đó là nét độc đáo về văn hoá , nhưng cũng là một thách thức với  bảo vệ môi trường  và đa dạng sinh học.

1.2. Phát triển công nghiệp và khai khoáng. 

Tại khu vực, đang phát triển mạnh công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến hải,  bao bì, bia, nước giải khát, sửa chữa cơ khí tàu thuyền, hàng tiêu dùng và xuất khẩu. Khoáng sản phong phú, riêng  than đá trữ lượng khoảng 3,5 tỉ tấn. Khai thác than có sản lượng tăng không  ngừng, 10 -15 triệu tấn/năm vào  những  năm 90 (58% sản lượng mỏ lộ thiên), 17 triệu tấn vào 2003 và 34,6 triệu tấn vào 2006.  Khu  vực Hạ Long - Cẩm Phả  có 12 mỏ khai thác lộ thiên, 04 nhà máy sàng tuyển than. Ven bờ vịnh Hạ Long có  nhiều bãi thải khai  thác  và tuyển than  như nam Lộ Phong (21ha), Nam Đèo Nai (230 ha), Nam Cầu Trắng (80 ha),Cửa Ông (125 ha). Khai  thác, sang tuyển và vận  chuyển than hàng năm thải một lượng lớn chất thải rắn (khoảng150 triệu m3 ), lỏng (khoảng 30 triệu m3 ) và bụi khí,  gây đục, ô  nhiễm bụi  than và  mang theo  lượng  lớn  các  chất  gây ô  nhiễm theo nước  thải mỏ  như các  kim  loại  nặng, các  hợp  chất  sunfua v.v.  Đá vôi có trữ lượng 3,1 tỉ tấn, riêng khu Hoành Bồ  1,32 tỉ tấn  là tiềm năng lớn sản xuất xi măng, nhưng cũng  tiềm ẩn khả năng gây biến dạng cảnh quan thiên nhiên. Mỏ sét  Giếng Đáy cho phép sản xuất vài trăm triệu viên gạch, ngói mỗi năm, có lợi ích kinh tế   lớn,  nhưng cũng là nguồn đục hoá nước và bùn hoá đáy  vịnh.

Hình 1: Một góc xóm chài trên vịnh

Hình 2: Bãi than trên bờ  vịnh

1.3.Phát triển cảng và giao thông thuỷ

Khu  vực là nơi tập trung khá nhiều cảng, bến. Cảng Cái Lân được thiết kế cho tầu 4 vạn tấn cập bến và quy hoạch đến năm 2010  cho 15 - 20 triệu tấn hàng  hoá thông qua. Cảng dầu B12 lớn nhất phía bắc cho phép nhận tàu 3 vạn tấn. Cảng Cửa Ông hiện đón nhận tầu 3 vạn tấn, dự kiến  công suất 5-6 triệu tấn hàng  hoá thông qua vào năm 2010. Các vùng neo đậu Con Ong và Hòn Nét cho phép đón tàu đến 5 vạn tấn. Ngoài ra, còn có các bến cảng Cây Than, Cầu Trắng, Mũi Chùa và Vạn Gia. Tham gia giao thông thuỷ trên vịnh gồm rất nhiều loại phương tiện và mục đích khác nhau như vận tải, du lịch và hoạt động nghề cá. Các hoạt động này nếu không được quản lý tốt sẽ gây ảnh hưởng lớn đến môi trường vịnh thông  qua phát thải các chất gây ô nhiễm, gây đục do hành  hải và đổ thải bùn cát nạo vét luồng, neo đậu làm huỷ hoại các rạn san hô và đặc biệt là  các tai nạn tàu thuyền gây tràn dầu  và hoá chất.

1.4. Đánh bắt, nuôi trồng và chế biến thuỷ sản

 Hoạt động nghề cá không chỉ gây áp lực suy giảm đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản trên vịnh mà còn trực tiếp gây ô nhiễm chất hữu cơ và nguy cơ bùng phát thuỷ triều đỏ, tảo độc. Ngành thuỷ sản, bao gồm cả nuôi trồng, đánh bắt, dịch vụ và chế biến, đang phát triển mạnh. Tổng sản lượng hải sản khai thác và nuôi trồng của Quảng Ninh khá lớn.  Nuôi trồng thuỷ sản  trước đây chủ yếu là các đầm nuôi ven vịnh, nay phát triển cả nuôi lồng giàn tại các vùng nước khá kín trong vịnh. Tại Vịnh Hạ Long có 07 địa điểm nuôi trồng hải sản được duyệt với trên 456 bè nuôi cá, ghẹ và dịch vụ nhà hàng; 60 ha mặt biển nuôi trai cấy ngọc. Nhiều bè neo đậu, nuôi trồng thuỷ sản không đúng vị trí quy định, hều  hết không có giấy phép vệ sinh môi trường và chưa có biện pháp thu gom và xử lý chất thải. Trên vịnh có khoảng 700 hộ ngư dân với 1500 nhân khẩu, sinh sống trên 04 làng chài: Ba Hang, Cửa Vạn, Cống Tàu, Vông Viêng thuộc phường Hùng Thắng. Họ chủ yếu sống  trên nhà bè và thuyền gỗ, đánh bắt và nuôi trồng hải sản. Hiện  tại,  thành phố  Hạ Long có diện tích  nuôi  tới 1.140ha  và huyện Hoành Bồ 686ha.

 Nghề nuôi sẽ phải đối mặt với nguy cơ ô nhiễm môi trường và dịch bệnh. Khai thác cá biển, chủ yếu  ở độ sâu đến 30m bị suy giảm do khai thác quá mức và suy thoái môi trường. Các khu neo đậu, chế biến thuỷ sản thường là các điểm nóng ô nhiễm ven bờ vịnh.

Hình 3: Vịnh Hạ  Long nhìn  qua  hang Bồ Nâu

Ảnh Waltham Tony

Hình 4: Nuôi lồng giàn  trên mặt vịnh

1.5.Du lịch và dịch vụ

Nhiều công trình phục vụ du lịch như khách sạn, nhà hàng,  tàu du lịch, hang động, công viên, đường xá đã được xây dựng, sửa chữa, cải tạo thu hút một lượng khách lớn đến thành phố Hạ Long và VHL. Các hoạt động  khai thác và phát huy  giá trị di sản của vịnh  góp phần làm tăng  nhanh số lượng du khách và phương tiện tàu thuyền trên vịnh. Hiện có trên 350 tàu du lịch hoạt động, trong đó: 46 tàu đạt tiêu chuẩn 3 sao, 55 tàu đạt tiêu chuẩn 2 sao; 106 tàu đạt tiêu chuẩn 1 sao; 99 tàu đạt tiêu chuẩn tối thiểu; còn lại là các tàu thải. Trong  năm 2006 có 1462 100 lượt khách tham quan vịnh, trong đó có 728 016 khách nước ngoài; có 125487 lượt tàu cập hang động;  có  96673 lượt khách và 8175 lượt tàu lưu trú qua đêm trên vịnh (Tài liệu Ban Quản  lý VHL). Hiện  tại, Số lượng  du   khách  mỗi ngày  5 – 10 nghìn  du  khách, đi trên 3- 4 trăm tàu, hàng trăm  thuyền khác   trên  mặt  vịnh và  tương  lai  còn  nhiều hơn. Hoạt động  của tàu thuyền du lịch làm tăng độ đục và tăng lượng chất thải từ du khách. 

Trào  lưu  các nhà bè ẩm thực bắt đầu nhà hàng Biển Mơ từ  cuối  những  năm 90,  sau đó phát triển dọc theo bờ vịnh, tại các phường Bạch Đằng, Hồng Hải, Hồng Hà và  mở rộng ra long vịnh, gần các hang động, tạo  nên  các  xóm  nhà bè  như Vạ Giá, Bồ Nâu, Ba Hang, Sửng Sốt, Cửa Vạn v.v. Hiện nay có trên 120 bè neo đậu sai qui định và không có giấy phép vệ sinh môi trường, không chỉ  làm  hỏng cảnh  quan thiên  nhiên, mà còn là  nguồn  thải trực tiếp xuống biển. Mặc dù là ngành công nghiệp không khói, nhưng du lịch phát triển và số du khách tăng cũng tạo nên áp lực toàn diện đến môi trường. 

1.6. Khí hậu ấm lên và dâng cao mực biển. 

 Những nhiễu động về khí hậu và các hiện tượng thời tiết bất thường như khô hạn và mưa lớn có liên quan tới hiện tượng ENSO gây mặn hoá, ngọt hoá, đục hoá  cục bộ;  nhiệt độ không khí và nước biển tăng cao  và  mực nước biển dâng cao do trái đất ấm lên  gây những biến động về điều kiện sinh thái, bất lợi cho sinh vật và đa dạng sinh học.

Bên cạnh các áp lực tại chỗ  trên vịnh như  hoạt động giao thông – cảng, du lịch, nuôi trồng và đánh bắt thuỷ sản, sinh cư trên mặt nước, các hoạt động ven vịnh rộng hơn là trên cả lưu vực đổ vào vịnh bao gồm nông lâm, giao thông, công nghiệp, khai khoáng, du lịch - dịch vụ và sinh hoạt cũng gây áp lực lớn đối với môi trường và đa dạng sinh học vịnh. Nguồn tác động xuyên lưu vực  từ các lưu vực và vùng biển bên cạnh  có thể nhờ dòng ven bờ đưa vật chất gây ô nhiễm vào vịnh. Dòng chảy hệ thống sông Thái Bình kết nối với các  của hệ thống sông Hồng hàng năm đổ ra biển Hải Phòng khoảng trên 30 km3 nước và 18 triệu  tấn bùn cát. Nước nhạt hoá và  bùn cát lơ lửng, dinh dưỡng và các chất ô nhiêm do sông tải ra theo dòng chảy ven bờ  về phía bắc có  ảnh hưởng rõ đến vịnh. Môi trường và đa dạng sinh học vịnh  còn chịu ảnh hưởng của nguồn xuyên biên giới do có cảng biển  giao lưu quốc tế  và có thể do cả dòng dọc bờ từ  vung biển Trung Quốc xuống vào  mùa gió đông bắc. 

2. Nguy cơ suy thoái môi trường

2.1.Nguy cơ ô nhiễm

Vịnh Hạ  Long là bồn chứa chất thải của lưu vực ven biển từ Cửa Ông đến Yên Lập. Mặc dù thuỷ triều mạnh, nhưng vịnh tương đối kín, yên tĩnh, nên khả năng phân tán các chất ô nhiễm  hạn chế và  mức độ tích luỹ các chất ô nhiễm trong trầm tích và trong sinh vật  tương đối cao. Theo tính toán cho những  năm cuối thế kỷ trước, mỗi ngày từ trên lưu vực đổ vào vịnh  7170 kg BOD, 21860kg COD, 241100kg tầm tích dạng lơ long 6050kg  photpho tổng số và 15520 kg Nitơ tổng số (Hoàng Doanh Sơn, Vũ Văn Thành, 2000; Nippon Koei, 1999). Kết  quả  khảo  sát  gần đây (Trần Đức  Thạnh và nnk, 2007) cho thấy trong nước  vịnh  Hạ  Long  -  Bái  Tử  Long,  Hệ số  tai  biến của một số chất  gây  ô  nhiễm  khá  cao (Bảng 1).

Bảng 1. Hệ số tai biến của một số chất ô nhiễm nước  khu vực Vịnh Hạ Long - Bái Tử Long

Thông số

Mùa mưa 

(tháng 9/2006)

Mùa khô 

(tháng 3/2007)

Trung bình

DO

0,720

0,830

0,770

BOD

0,069

0,036

0,053

COD

0,082

0,057

0,070

Pb

0,144

0,138

0,141

Cd

0,060

0,056

0,058

As

0,113

0.094

0,103

Trung bình

0,198

0,223

0,218

Nitơ tổng số trong mùa mưa có  xu  hướng tập  trung  cao, với giá trị gấp khoảng 1,2 lần so với GHCP của Úc (đối với  các hệ sinh thái nước ngọt và biển). Phốt pho tổng số có giá trị gấp khoảng 1,6 đến 2,2 lần so với GHCP của Úc Hình 5). Vì thế có khả năng xảy ra tình trạng phú dưỡng và  thuỷ  triều đỏ.












     Hình 5: Hàm  lượng Phospho tổng số  trong  nước  vịnh Hạ  Long – 

             Bái  Tử Long vào  mùa  mưa 2006 và mùa khô 2007 

Ô nhiễm dầu và khuẩn coliorm  thực sự đã là vấn đề nghiêm trọng ở vùng nước vịnh (Cao Thị Thu Trang, 2004). Hàm lượng dầu có xu hướng tăng cao trong các khu vực gần cảng, bến đỗ tàu thuyền với hệ số ô nhiễm  khoảng 1,6 - 2,7 trong nước và  2,4 - 8,2 trong trầm tích  (1996- 2001). Môi trường nước đã bị ô nhiễm kim loại nặng Cu, Zn; trầm tích bị  ô nhiễm Cu, Cd và có nơi ô nhiễm cả Hg và Pb. Một số động vật đáy cũng có biểu hiện ô nhiễm   Cu, Pb  và Zn. Có hiện tượng tăng dị thường hàm lượng sunfat (S04) cục bộ trong nước ven vịnh liên quan đến khai thác than.  Trong nước và trầm tích vịnh Cửa Lục, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật gốc cơ Clo khá cao. Vùng nước vịnh cơ bản chưa ô nhiễm chất hữu cơ và chất thải rắn. Nhưng ở các điểm sát cụm dân cư, bến cá và khu du lịch, ô nhiễm chất hữu cơ khá rõ. Chất thải rắn bao gồm túi nilon, rác rưởi sinh hoạt, vỏ chai đồ hộp v.v. trôi nổi  vẫn còn. Hàm lượng các chất dinh dưỡng cao cục bộ. Phú dưỡng  liên quan đến dư  thừa  chất dinh dưỡng như phốt phát, nitơ, vật chất hữu cơ phát sinh từ nguồn thải sinh hoạt, nông nghiệp,  đặc biệt là công nghiệp thực phẩm và nuôi trồng thủy sản là nguy cơ  tiềm ẩn. Việc nuôi lồng, giàn nếu quá mức và thiếu quản lý có thể gây nhiễm, dịch bệnh và  thuỷ triều đỏ kèm theo tảo độc. Ô nhiễm ồn, nhiệt và ánh sáng xuất hiện ở các khu hệ sinh thái hang động đang mở cửa đón khách du lịch.

2.2. Nguy cơ đục nước, bùn hoá và nông hoá đáy vịnh

Đục hoá, bùn hoá đáy và nông hoá đáy vịnh  kèm theo suy giảm đa dạng sinh học đang là một nguy cơ lớn thực tế (Trần Đức Thạnh và nnk, 2004).  Hàm lượng chất rắn lơ lửng trung bình nhiều năm  trên 72% tổng số mẫu phân tích vượt giới hạn cho phép đối với vùng nước có rạn san hô trong vịnh. Tại đây, đã đo được hàm lượng bùn lơ lửng trung bình 45mg/l ở lớp nước mặt và 50mg/l lớp nước đáy. Tốc độ lắng đọng bùn cũng đã được xác định khoảng 170 – 315mg/cm2/ngày. Đục làm bẩn nước, thiệt hại cho du lịch, làm chết san hô, giảm năng xuất sơ cấp thực vật nổi do hạn chế quang hợp. Xu thế bùn hoá trầm tích đáy thể hiện ở diện phủ bùn và tỷ lệ bùn trong trầm tích có biểu hiện tăng trong thời gian 1975 - 2005. Bùn hoá đáy vịnh  kèm theo sự gia tăng hàm lượng bột than trong trầm tích, phổ biến 0,1 – 0,3%, thậm chí tới 10% tại Cửa Lục. Đó là hậu quả xói mòn đất do phá rừng, khai  thác và vận chuyển than, xói mòn và sạt lở  các bãi triều khi mất rừng ngập mặn, tác động của sóng chạy tàu. Ngoài ra, có thể còn do lượng phù sa chuyển đến từ vùng cửa sông phía Hải Phòng. Đánh giá bước đầu cho thấy các đập lớn trên lưu vực sông Hồng  gây tác động dồn nước và phù sa sang sông Cấm và Bạch Đằng, rồi lan truyền sang VHL. Nguy cơ này có thể tăng lên khi kênh đào Hà Nam cho luồng cảng nước sâu Lạch Huyện đã đi vào hoạt động.

2.3. Nguy cơ tai biến môi trường

Thiên nhiên khu vực khá thuận hoà. Tuy nhiên, các tai biến  không ít, có xu hướng tăng gần đây, gây ảnh hưởng xấu cho kinh tế dân sinh, môi trường và đa dạng sinh học. Đó là những biến đổi từ từ hoặc bất thường của tự nhiên như mực nước biển dâng cao, bão tố, giông lốc, mưa lớn, xói lở bờ bãi và sa bồi luồng bến. Giông lốẩytên VHL khá bất ngờ và nguy hiểm, ngoài thiệt hại trực tiếp về sinh mạng và tài sản, còn gây tổn hại cho đa đạng sinh học như chà sát đáy và gây tai nạn tầu thuyền kèm dầu tràn. Thiên tai xói lở và sa bồi ở đây không ồn ĩ như những nơi khác, nhưng đưa lại những hậu quả rất xấu đối với đa dạng sinh học như  gây đục hoá, bùn hoá và nông hoá vực nước vịnh.  Phần lớn các yếu tố tác động phát sinh tại chỗ, nhưng có những yếu tố tác động từ lưu vực thượng nguồn như phá rừng đầu nguồn, có yếu tố xuyên lãnh hải thậm chí có tính toàn cầu như sự ấm lên của trái đất làm dâng cao mực nước hay hiện tượng El-Nino kéo dài từ năm 1997 đến 1998. Trong thời gian này, hiện tượng san hô chết trắng đã xuất hiện ở vùng biển vịnh Hạ Long, có thể do cả tăng cao nhiệt độ và ô nhiễm môi trường. 

 Do điều kiện sương mù, địa hình đảo đá vôi, luồng lạch phức tạp và là nơi có cảng lớn, mật độ tầu thuyền cao, vịnh là nơi có khả năng đâm va tàu thuyền gây các vụ tràn dầu và hoá chất khá cao. Thực tế, đã có một số vụ tai nạn tàu thuyền gây lo lắng cho công luận.

2.4. Nguy cơ khai thác quá mức và khai thác huỷ hoại nguồn lợi

Một trong những bức xúc lớn nhất là việc khai thác thuỷ sản quá mức tập trung ở  ven bờ, trong đó  cả vùng nước vịnh. Áp lực tăng dân số, nhu cầu mưu sinh và sự hấp dẫn của giá trị hải sản xuất khẩu đã làm tăng không ngừng mật độ phương tiện và ngư cụ đánh bắt, phần lớn là các phương tiện nhỏ không thể vươn ra xa bờ. Cho đến nay vẫn chưa kiểm soát hoàn toàn được các hình thức đánh bắt huỷ diệt như dùng mìn, điện, thuốc gây mê, thuốc độc đánh bắt hải sản làm ô nhiễm môi trường, huỷ diệt nguồn giống, huỷ hoại nơi sinh cư ở khu vực Hạ Long và lân cận.  Không chỉ các loài kinh tế bị suy giảm, đa dạng sinh học cũng bị suy giảm và nhiều loài quí hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng

2.5.Nguy cơ huỷ hoại và  mất nơi cư trú của sinh vật

Vịnh Hạ  Long có rất nhiều kiểu nơi cư trú khác nhau, tiêu biểu nhất và quan trọng nhất là rừng ngập mặn, rạn san hô, vùng triều và nền đáy mềm. Những biến động tự nhiên và tác động do con người gần đây ở ven bờ vịnh đã làm mất nơi cư trú và bãi giống, bãi đẻ như các bãi triều, đầm lầy sú vẹt, bãi biển, thảm cỏ biển và rạn san hô. Rừng ngập mặn đã bị hủy hoại nặng nề do khai hoang nông nghiệp trước kia và nuôi trồng thủy sản gần đây, xây dựng các khu định cư, khu công nghiệp và do xói lở bờ. Từ năm 1998 - 2003, diện tích rừng ngập mặn ven bờ vịnh Hạ Long đã mất 866ha. Trong đó diện tích rừng ngập mặn bị phá để nuôi trồng thủy sản chiếm 732ha. Rạn san hô cũng bị suy thoái nghiêm trọng do nước đục và đánh bắt hải sản. Hiện tượng khai thác san hô làm đồ mỹ nghệ vẫn còn. Hoạt động hành hải và neo đậu tầu thuyền thiếu quản lý gây tác hại liên tục cho nơi cư trú của sinh vật. Đó là  chưa kể những tác động gián tiếp nhưng rất đáng kể của các hoạt động nhân sinh trên đất liền làm đục hoá, bùn hoá  và ngọt hoá vùng nước. Theo đánh giá của Nguyễn Huy Yết và đồng nghiệp (2000) vào trước năm 1996 vùng biển Hạ Long – Cát Bà có khu hệ san hô còn khá đa dạng với 152 loài thuộc 44 giống và 12 họ phân bố trong 33,3% rạn tốt và rất tốt, 41,7% rạn trung bình và 25% rạn nghèo. Chỉ đến năm 1998 – 1999, số rạn tốt và rất tốt chỉ còn 9,1% và rạn nghèo tăng đến 50%, san hô dạng cành Acropora trước đây phong phú, nay gần như bị tiêu diệt. Cùng với huỷ hoại nơi cư trú là biến dạng cảnh quan tự nhiên trên mặt và dưới đáy biển, làm mất vẻ đẹp, sự hài hoà tự nhiên, giảm chất lượng môi trường sống và ảnh hưởng đến giá trị du lịch sinh thái. 

2.6.Nguy cơ suy giảm nguồn lợi  thuỷ sản và đa dạnh sinh học

Các hậu quả tác động môi trường đã làm giảm đa dạng sinh học ở mức độ khác nhau, biểu hiện  rõ nhất ở  suy thoái các hệ sinh  thái, đặc biệt là các hệ sinh thái rạn san hô, rừng ngập mặn, thảm cỏ biển và tùng áng – hồ nước mặn đặc trưng cho vùng vịnh.  Đó  là sự giảm diện tích phân bố, giảm  năng xuất và sinh khối hệ,  giảm mật độ phân bố, sinh khối và kích thước cá thể nhiều loài và hệ mất dần các chức năng sinh thái của mình. Rừng ngập  mặn, rạn san hô, thảm cỏ biển, tùng áng là nơi sinh cư, bãi giống, bãi đẻ duy trì sản lượng nghề cá ven bờ. Các hệ sinh thái này suy thoái làm  ảnh hưởng  nghiêm trọng đến cả nghề cá ven bờ và ngoài khơi. Do đánh bắt quá mức, mất nơi cư trú và ô nhiễm, sản lượng  và năng xuất đánh bắt nhiều loài kinh tế  bị  suy giảm nhiều lần. Một số đối tượng  có sản lượng tăng  nhưng  chất lượng sản phẩm kém đi. Nhiều loài quý hiếm  có nguy cơ biến mất. 

Giá trị đa dạng sinh học có thể  phân định theo giá trị sử dụng. Đó là các giá trị  sử dụng trực tiếp (sản phẩm từ đánh bắt và nuôi trồng dùng làm thực phẩm, dược phẩm, sản phẩm mỹ nghệ, sinh vật cảnh), sử dụng gián tiếp (thông qua các lợi ích thăm xem, sinh thái, môi trường, văn hoá, khoa học) và giá trị không sử dụng (giá trị tuỳ chọn, giá trị  lưu tồn và giá trị để dành). Giá trị trực tiếp có hạn định  do khả năng tái tạo tài nguyên  hạn chế so với nhu cầu  nên dễ xảy ra khả năng quá mức, gây suy kiệt nguồn lợi. Các giá trị  sử dụng gián tiếp có lợi ích to lớn và lâu bền do có khả năng tái tạo tài nguyên và ít gây tổn hại đến đa dạng sinh học. Các giá trị không sử dụng, thực chất là để giành cho thế hệ mai sau, hoặc để dành cho những lợi ích còn to lớn hơn nhiều trong tương lai. Những nguy cơ trên, nếu không được loại bỏ, hạn chế, sẽ gây tổn hại  cho cả ba nhóm giá trị của đa dạng sinh học Vịnh Hạ Long. Không những thế, sự tổn thất giá trị đa đạng sinh học còn gây những ttỏn thất đi kèm cho các giá trị  di sản về mỹ học và địa chất học.


KẾT LUẬN

Môi trường  Vịnh Hạ Long đang phải đối mặt với  nguy cơ ô nhiễm , đục hoá nước, bùn hoá đáy và nông hoá vực nước, khai thác quá mức và khai thác huỷ diệt, huỷ hoại và mất nơi cư trú của sinh vật và nguy cơ tai biến môi trường. Các nguy cơ này có nguồn gốc tự nhiên và nhân tác, xuất hiện dưới các áp lực tại chỗ, trên  đất liền, xuyên lưu vực và CẢ xuyên lãnh hải. Trong  khi đó, sức ép phát triển dân số và kinh tế càng tăng, nền tảng kinh tế  còn thấp và chi phí môi trường cao, nguồn gây ô nhiễm phân tán và khó quản lý; ý thức xã hội bảo vệ môi trường còn thấp, khó hòa nhập lợi ích phát triển kinh tế trên bờ với trách  nhiệm bảo vệ  môi trường trên vịnh. 

Để bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học vịnh, cần tăng cường ngăn ngừa, kiểm soát, giảm thiểu, các tác động tiêu cực từ hoạt động nhân tác, phối hợp toàn diện cả quản lý vịnh với quản lý nguồn thải và hoạt động  trên đất liền và thực hiện đồng bộ các giải pháp: tăng cường thể chế và chính sách; tăng cường tiềm lực cơ sở và đào tạo đội ngũ cán bộ; phát huy vai trò của các công cụ quản lý và kỹ thuật; thông tin tuyên truyền, giáo dục và nâng cao nhận thức  bảo vệ môi trường. ngoài các biện  pháp chung, cần hết  sức quan tâm đến  những vấn  đề  đặc  thù  của địa  phương như ô  nhiễm từ khai thác và sàng  tuyển than, san lấp lấn biển, hành  hải và  neo đậu tầu  thuyền, các xóm chài và nhà  hàng trên  vịnh, sự cố  tràn dầu  và giông  lốc  trên  vịnh v.v.


TÀI LIỆU THAM KHẢO


  1. Nippon Koei, 1999. Nghiên cứu quy  hoạch  quản lý môi trường vịnh Hạ Long. Báo cáo Lưu trữ tại Sở TN & MT tỉnh Quảng Ninh.

  2. Hoàng Doanh Sơn, Vũ Văn Thành, 2000.  Sự ảnh hưởng của chất  thải trong lưu vực sông phía bắc Cửa Lục tới chất lượng nước Vịnh Hạ Long. Tài nguyên và Môi trường biển. TVII. Nxb. KH&KT. Hà Nội. Tr. 136 – 145.

  3. Trần Đức Thạnh, Trần Đình Lân, Đặng Hoài Nhơn, Nguyễn Thị Kim Anh, 2004. Tổng quan về giá trị địa chất và môi trường trầm tích Vịnh Hạ Long. Tài nguyên và Môi trường biển. XI. Nxb. KH&KT. Hà Nội. Tr. 38 – 64.

  4. Trần Đức  Thạnh (chủ biên), Đỗ  Đình Chiến, Trần  Anh Tú, Vũ Duy Vĩnh và nnk, 2007. Xây dựng mô hình lan truyền chất ô nhiễm cho Vịnh Hạ  Long – Bái Tử  Long. Báo  cáo Khoa học. Lưu trữ tại  Sở KH&CN tỉnh  Quảng Ninh.

  5. Nguyễn Văn Tiến, 2004. Về giá trị đa dạng sinh học ở Vịnh Hạ Long. Tạp chí Di Sản Văn Hoá. N0 8. Hà Nội.

  6. Cao Thị Thu Trang, 2004. Hiện trạng ô nhiễm nước Vịnh Hạ Long. Tài nguyên và Môi trường biển. XI. Nxb. KH&KT. Hà Nội. Tr. 143 – 154.

  7. Nguyễn Huy Yết, Lưu Văn Diệu, Nguyễn đăng Ngải, Lăng Văn Kẻn, 2000.  Sự suy thoái hệ sinh thái san hô vịnh Hạ Long – Cát Bà trong thời gian gần đây. lưu vực sông phía bắc Cửa Lục tới chất lượng nước Vịnh Hạ Long. Tài nguyên và Môi trường biển. TVII. Nxb. KH&KT. Hà Nội. Tr. 146 – 169.


Summary

Threat of environment degradation in  Ha Long Bay

Tran Duc  Thanh

Institute of Environmentand Resources


Ha Long Bay which was recognized as the World’s Heritage in aesthetics and geology by UNESSCO has great potential for development of tourism – service, fishery and port – water way. The bay has also the potential to become a World’s Heritage in biodiversity. Recently, its environment has been being under the strong pressure from human activities and unusually natural changes in situ, catchments and even Tran’s sea-territories. They are urbanization and population increase, development of industry, mining, port –water way, catching, aquaculture and sea-production processes, tourism and service, climate change and sea level rise etc. For  these  reasons, Ha  Long Bay is being faced to the  threats of  environment degradation such  as pollution, water turbidity, incrementally mud deposition and  bottom shallow; the environment risks  such as  sea level rise, typhoons, whirlwinds, heavy rains, coastal erosion, shipping channel siltation, oil spills etc; and over catching, over aquaculture,  catching by damaged means; habitat loses that leads to  the decrease of fishery resources  and biodiversity.

 For the  bay’s environment protection, beside  the  principal resolutions, it needs to   paid a  attention to locally  special problems  such as  pollution  from coal mining and  process, coastal filing for  land use, water navigation, shipping anchorage, floating fishery villages  and  restaurants , oil spills and accidents  by whirlwinds and typhoons in  the  bay.

















Tổng số lượt xem trang