Quản lý chặt nguồn thải từ ven biển Vịnh Hạ Long

 Quản lý chặt nguồn thải từ ven biển Vịnh Hạ Long

Phát triển kinh tế đang trở thành nguy cơ phát sinh nguồn ô nhiễm, có ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường vùng Vịnh Hạ Long - Bái Tử Long khi việc kiểm soát nguồn thải của địa phương hiện nay chưa thật sự hiệu quả. Nhìn rộng ra, việc ngăn chặn ô nhiễm nước mặt và trầm tích vùng biển ven bờ Bắc bộ là vấn đề cần làm ngay khi tất cả các cửa sông và ven biển ở đây đều ô nhiễm nghiêm trọng.

70% kim loại nặng đổ vào Vịnh do... ngành than

Theo số liệu quan trắc, với tốc độ xả thải như hiện nay, mỗi năm Vịnh Hạ Long - Bái Tử Long phải hứng chịu khoảng 43 nghìn tấn COD và 9 nghìn tấn BOD (chất hữu cơ lơ lửng) đổ vào Vịnh. Khoảng 5,6 nghìn tấn nitơ và gần 2 nghìn tấn phốt pho.

Đặc biệt, có khoảng 135 nghìn tấn kim loại nặng và khoảng 777,5 nghìn tấn TSS (chất rắn lơ lửng) hàng năm từ nguồn thải ven biển đổ vào Vịnh, là mối đe dọa lớn tới môi trường vùng Vịnh. Kết quả điều tra trong nhiều năm cho thấy, hàm lượng ô nhiễm kim loại nặng đưa vào Vịnh chủ yếu từ hoạt động khai thác than ở Cẩm Phả (chiếm tới 70% tổng lượng vào) và thành phố Hạ Long. Còn các chất hữu cơ và dinh dưỡng đưa vào vùng Vịnh có xuất phát điểm từ khu vực thành phố Hạ Long là nhiều nhất (khoảng 30 - 60%), tiếp theo là Hoành Bồ, Cẩm Phả và Vân Đồn.

Kết quả điều tra "Đánh giá dự báo tải lượng ô nhiễm đưa vào Vịnh Hạ Long - Bái Tử Long” do Viện Tài nguyên và Môi trường Biển thực hiện cho thấy, hiện việc quản lý, kiểm soát các nguồn ô nhiễm (đặc biệt là ngành than) chưa hiệu quả. Hầu hết các nguồn ô nhiễm chưa được xử lý khi thải ra môi trường. Các chất ô nhiễm vào hai Vịnh đẹp của Quảng Ninh thường theo hai đường chính, rửa trôi các nguồn ô nhiễm trên đất liền qua hệ thống sông, suối, lạch, triều đưa ra Vịnh và đổ trực tiếp từ sinh hoạt của dân cư ven biển, khách du lịch, nuôi trồng thủy sản...

Với tốc độ xả thải ô nhiễm hiện nay, các chuyên gia môi trường ước tính đến năm 2020, hầu hết các chất ô nhiễm phát sinh trong khu vực sẽ tăng 1,2 – 2,3 lần so với hiện nay. Song tải lượng các chất ô nhiễm phụ thuộc vào tình trạng quản lý và xử lý các nguồn thải, khả năng đầu tư đổi mới công nghệ, xây dựng hệ thống thu gom, xử lý chất thải và tỷ lệ rửa trôi các nguồn ô nhiễm trong từng khu vực.

Chính vì vậy, phải đưa vào quy hoạch bảo vệ môi trường vùng cần được nghiên cứu, chú trọng đầu tư các công trình xử lý nước thải (có thể dung các biện pháp xử lý đơn giản, ít tốn kém như lắng sơ cấp, bổ tự hoại, bùn hoạt tính...). Đặc biệt, cần quản lý chặt và tăng cường các biện pháp xử lý chất thải tại nguồn, hạn chế xả thải không đạt chuẩn hoặc chưa qua xử lý ra môi trường.

Cần cơ chế phối hợp liên ngành

"Báo động tình trạng ô nhiễm nguồn nước mặt cửa sông ven biển, ô nhiễm trầm tích và suy thoái môi trường nước” là những cụm từ xuất hiện ngày một dày hơn trên các phương tiện thông tin đại chúng, song việc xác định "thủ phạm” gây ra tình trạng này còn khá mơ hồ. Dự án "Đánh giá tải lượng chất thải ảnh hưởng đến môi trường biển Việt Nam khu vực Bắc bộ từ Quảng Ninh đến Ninh Bình” thực hiện tại 5 tỉnh thành có cửa sông ven biển là Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình khoảng12.221km2 và suốt chiều dài 519km đường bờ biển từ Móng Cái (Quảng Ninh) đến Kim Sơn, (Nình Bình).

Tổng hợp kết quả đánh giá chất lượng nước cho thấy tất cả các cửa sông và vùng ven biển đều đang bị ô nhiễm một số thời điểm nhất định, nhưng mức độ ô nhiễm ở các khu vực có khác nhau. Các cửa sông Đáy, sông Cấm có mức độ ô nhiễm nặng hơn các cửa sông khác.

Hàng loạt các ngành nghề khai thác nguồn lợi từ biển như nuôi trồng thủy sản, phát triển du lịch, tàu biển... đều để lại những tổn thương lớn đối với môi trường. Tại các cảng lớn nhỏ, ô nhiễm dầu đang là vấn đề nan giải. Hàng loạt những vụ tràn dần, lượng dầu cặn từ các tàu thải ra biển mà chưa xác định được nguồn cũng như chưa có cơ chế quản lý. Dầu mỡ và chất thừa dinh dưỡng tại các khu nuôi trồng thủy sản thải ra cũng là một nguyên nhân khiến nguồn nuớc mặt bị ô nhiễm. Một ‘thủ phạm” khác cũng bị chỉ rõ làm ô nhiễm nguồn nước mặt ven biển là nước thải từ các khu vui chơi giải trí ven biển.

Để ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tình trạng suy thoái môi trường ven biển, rất cần sự vào cuộc của tất cả các ngành kinh tế để kiểm soát ô nhiễm từ đầu nguồn thải. Trước mắt, các Bộ, ngành chức năng cần xây dựng một hành lang pháp lý đủ mạnh với cơ chế phối hợp liên ngành tham gia bảo vệ môi trường biển.

Kim Vũ

Đô thị hóa nhanh chóng dẫn tới sự quá tải không gian tự nhiên, lấn biển trở thành vấn đề khó tránh khỏi để phát triển đô thị ở Hạ Long, Cẩm Phả, Móng Cái và các huyện có biển ở Quảng Ninh. Lấn biển, xây dựng hạ tầng trong thời gian qua, đặc biệt là khu vực Hạ Long, Cẩm Phả đang gây ra hiện tượng rửa trôi đất đá, đẩy bùn ra vùng ven bờ do san lấp mặt bằng, làm đục nước biển ven bờ cũng như bồi lắng luồng lạch, phá hủy các bãi triều vùng ven bờ, hệ sinh thái rừng ngập mặn vốn là nơi cư trú, sinh sản của các loài thủy, hải sản. Ngoài ra hoạt động khai thác, vận chuyển, chế biến than cũng đang làm cạn kiệt tài nguyên, suy giảm chất lượng môi trường....

 

 

 

Bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác than tại Quảng Ninh

21/7/2010 4:08:09 AM

Hoạt động khai thác than phải đi đôi với việc BVMT

Quảng Ninh là tỉnh nằm ở vùng Đông Bắc của Việt Nam với nhiều loại khoáng sản có giá trị công nghiệp, quan trọng nhất là than đá chiếm trên 90% trữ lượng cả nước, tiếp đến là đá vôi, sét làm nguyên liệu sản xuất xi măng, các khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, Pyrophylit, cát thủy tinh, đá Granit, nước khoáng, nước nóng thiên nhiên.

Trong những năm qua, nhất là từ năm 2003 đến nay, công nghiệp khai khoáng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có những bước phát triển vượt bậc, đặc biệt là khai thác than đã góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh cũng như của cả nước. Hoạt động khai thác khoáng sản cũng gây nên nhiều tác động tiêu cực tới các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác và môi trường, ảnh hưởng mạnh đến đời sống của nhân dân và sự phát triển của các ngành kinh tế khác.

Hiện trạng môi trường trong hoạt động khoáng sản than

Các mỏ than đang hoạt động phần lớn phân bố trên các dãy núi phía Bắc đường quốc lộ 18A từ Mạo Khê đến Mông Dương. Hoạt động sản xuất (khai thác, vận chuyển, chế biến, kho bãi, bến xuất) xen lẫn các khu dân cư, lân cận với các đô thị, các khu kinh tế trọng điểm, thượng nguồn sông suối, các hệ sinh thái nhạy cảm cửa sông ven biển và nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, lịch sử quan trọng (Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, Di tích lịch sử văn hóa Yên Tử).

Hoạt động khai thác, chế biến, vận chuyển, tiêu thụ than đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường tỉnh Quảng Ninh trong suốt thời gian qua, đặc biệt là giai đoạn 2003 đến nay do việc tăng nhanh sản lượng khai thác trong khi đó hạ tầng kỹ thuật và các công trình bảo vệ môi trường chưa được quan tâm đầu tư thích đáng, gây bức xúc trong nhân dân.

Về ô nhiễm môi trường không khí: Môi trường không khí các khu vực khai thác khoáng sản và lân cận thường xuyên bị ô nhiễm do bụi, khí độc, khí nổ và tiếng ồn phát sinh ở hầu hết các khâu sản xuất. Đặc biệt khu vực Cẩm Phả, Uông Bí, Mạo Khê và các phường Hà Khánh, Hà Lầm, Hà Trung, Hà Tu, Hà Phong - TP Hạ Long.

Nguồn phát sinh bụi lớn nhất là từ các khâu sàng, chế biến, vận chuyển than. Ngoài ra bụi còn sinh ra từ các bãi thải chưa dừng đổ thải hoặc những bãi thải đã dừng đổ thải nhưng chưa được cải tạo, phủ thảm thực vật.

Nhìn chung, hàm lượng bụi tại các khu vực khai thác than, chế biến than đều vượt tiêu chuẩn cho phép (TCCP) từ 1,2 - 5,2 lần (trung bình trong 24 giờ); hàm lượng bụi tại các khu dân cư lân cận các khu vực sản xuất, chế biến than tại Quảng Ninh vượt TCCP 3,3 lần (trung bình 24 giờ).

Hiện nay, mặc dù tỉnh Quảng Ninh đã triển khai nhiều giải pháp quản lý BVMT, đặc biệt là việc cấm vận chuyển than trên quốc lộ 18A, các phương tiện vận chuyển theo đường chuyên dụng, quy hoạch, sắp xếp lại các cảng, bến cảng đã hạn chế được ô nhiễm môi trường trong vận chuyển than đến khu dân cư tập trung. Tuy nhiên, theo kết quả quan trắc môi trường tỉnh Quảng Ninh năm 2009, tình trạng ô nhiễm bụi do hoạt động khai thác, chế biến, vận chuyển than vẫn còn tồn tại.

Về nước thải mỏ: Tại vùng than, theo số liệu kê khai, nộp phí BVMT đối với nước thải công nghiệp của các đơn vị thuộc ngành than thì tổng lượng nước thải mỏ năm 2009 đã kê khai là 38.914.075 m3. Tuy nhiên, lượng nước thải này chưa tính đến nước rửa trôi từ các bãi thải mỏ. Hai thông số điển hình tác động đến môi trường là tính axit và cặn lơ lửng, bên cạnh đó là hàm lượng Fe và Mn. Độ pH của nước thải mỏ dao động từ 3,1 - 6,5, hàm lượng chất rắn lơ lửng (TSS) vượt tiêu chuẩn cho phép từ 1,7 - 2,4 lần, cá biệt có nơi vượt đến 8,09 lần. Nước thải mỏ gây nhiều ảnh hưởng đến hệ thống sông, suối, hồ, vùng ven biển như gây bồi lấp, làm mất nguồn sinh thủy, suy giảm chất lượng nước... Do tác động lâu ngày, trong đó có tác động của khai thác than trái phép trong một thời gian dài, một số hồ thủy lợi vùng Đông Triều đó bị chua hóa, làm ảnh hưởng đến chất lượng nước phục vụ nông nghiệp.

Trước năm 2009, chỉ có 1 đơn vị thuộc Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam (TKV) có hệ thống xử lý nước thải mỏ. Hiện nay, TKV đang đầu tư 32 dự án xây dựng trạm xử lý nước thải mỏ đảm bảo đạt TCCP (kế hoạch năm 2009 - 2010), trong đó hiện nay mới có 10 dự án đã xây dựng xong với tổng lưu lượng xử lý lớn nhất là 2.370 m3/giờ, các mỏ còn lại mới chỉ lắng sơ bộ và xả trực tiếp ra môi trường.

Tác động đến địa hình, cảnh quan: Biến đổi địa hình và cảnh quan. Những biến đổi mạnh nhất diễn ra chủ yếu ở những khu vực có khai thác than lộ thiên. Các bãi đổ thải tạo nên những quả đồi ở Cọc Sáu cao 280 m, Nam Đèo Nai có độ cao 200 m, Đông Cao Sơn cao 250 m, Đông Bắc Bàng Nâu cao 150 m và Núi Béo cao 240 m... và nhiều bãi thải trên các sườn đồi. Bãi thải thường có sườn dốc tới 350. Nhiều moong khai thác lộ thiên tạo nên địa hình âm có độ sâu từ - 50 m đến - 150 m dưới mực nước biển trung bình (các mỏ Cọc Sáu, Hà Tu, Núi Béo...).

Nhiều khu vực tập trung dân cư tại Mạo Khê (Đông Triều), Vàng Danh, Quang Trung (Uông Bí), Hà Khẩu, Cao Xanh, Hà Khánh, Hà Lầm, Cao Thắng, Hà Trung, Hà Tu, Hà Phong (Hạ Long) và toàn bộ thị xã Cẩm Phả chịu tác động mạnh do các nguồn gây ô nhiễm từ các hoạt động khoáng sản, trở thành những vấn đề bức xúc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và đời sống của nhân dân.

Một số tồn tại mà (TKV) cần giải quyết ngay trong thời gian tới

TKV chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị khai thác than khẩn trương hoàn thành nội dung và thực hiện nghiêm túc nội dung các giấy phép khai thác than đó được cấp; ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại Văn bản số 2171/VPCP-KTN ngày 7/4/2009: khai thác than theo đúng tọa độ, diện tích, trữ lượng than và các qui định khác nêu trong giấy phép và qui định của pháp luật; việc thăm dò, khai thác ngoài phạm vi ranh giới được cấp phép chỉ được phép thực hiện khi có giấy phép của cơ quan thẩm quyền cấp theo qui định;

Chỉ đạo, triển khai xây dựng các công trình BVMT và thực hiện đúng nội dung của ĐTM đó được phê duyệt; Chú trọng xử lý các nguồn nước thải có ảnh hưởng trực tiếp tới vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long và hệ thống các sông, suối; Lập Quy hoạch bãi đổ thải và triển khai các dự án cải tạo bãi thải; Thường xuyên nạo vét, cải tạo các sông, suối chịu ảnh hưởng của khai thác than;

Tăng cường đầu tư nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ hoạt động sản xuất, đặc biệt là các tuyến đường liên quan đến dân sinh; Thực hiện nghiêm túc qui trình quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nói chung và dự án đầu tư công trình khai thác mỏ núi riêng; đồng thời đôn đốc việc thực hiện nghiêm tiến độ đầu tư đảm bảo đưa công trình vào hoạt động đúng kế hoạch sản xuất phù hợp với nội dung giấy phép đó cấp;

Rà soát diện tích, thời hạn sử dụng đất đó được thuê, hiện trạng và nhu cầu sử dụng đất để khẩn trương lập hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thuê đất, gia hạn thuê đất để hoạt động...

Một số khuyến nghị

Hoạt động khai thác than đã có hàng trăm năm nay, để lại những hậu quả nghiêm trọng về môi trường mà TKV và tỉnh Quảng Ninh đã và đang khắc phục. Thêm vào đó, việc nâng cao sản lượng khai thác đột biến trong những năm qua với việc đi trước quy hoạch 15 năm mà Chính phủ đã phê duyệt (quy hoạch phát triển ngành than giai đoan 2003 - 2010 có xét triển vọng đến năm 2020 được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 20/2003/QĐ-TTg ngày 29/1/2003), trong khi việc đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật và BVMT chưa được đầu tư thích đáng đã gây ra những bức xúc mạnh mẽ về ô nhiễm môi trường. Vì vậy, với chiến lược phát triển ngành than trong giai đoạn tới đây (Chiến lược phát triển ngành than đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030) đang trình Chính phủ cần có những cân nhắc, tính toán một cách đầy đủ về BVMT để tránh những xung đột trong sản xuất và BVMT.

Nghị định số 63/2008/NĐ - CP ngày 13/5/2008 của Chính phủ ra đời đã tạo ra nguồn lực đáng kể cho hoạt động BVMT đối với khai thác khoáng sản. Tuy nhiên, với định mức hiện nay, cần xem xét để đảm bảo kinh phí tương xứng cho yêu cầu BVMT để giải quyết bài toán tổng thể về các vấn đề môi trường do khai thác than. Đồng thời, cần có sự hỗ trợ tích cực từ phía Trung ương, các Bộ, ngành và Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Nguyễn Thị Thu Thủy

Chi cục Bảo vệ môi trường Quảng Ninh

Tổng số lượt xem trang