Quy hoạch phát triển ngành điện ở Việt Nam theo quy hoạch điện 7

 I, Hiện trạng sử dụng điện ở Việt Nam.

II, Quy hoạch phát triển ngành điện ở Việt Nam theo quy hoạch điện 7.

III, Năng lượng cho phát triển điện chuyển dịch từ truyền thống sang nguồn năng lượng mới.

I, Hiện trạng sử dụng điện ở Việt Nam

   Tổng công suất nguồn điện Việt Nam đạt khoảng 54,880 MW, quy mô hệ thống điện Việt Nam đứng thứ 2 khu vực Asean và thứ 23 trên thế giới, tăng 40% so với năm 2015, năm 2019 đã đưa vào vận hành trên 5.000 MW công suất nguồn điện mặt trời, điện gió.

Sản lượng điện toàn hệ thống đạt 231,1 tỷ kWh, tăng 8,85% so với năm 2018; toàn ngành than khai thác khoảng 44 triệu tấn, tăng 10%; ngành dầu khí khai thác gần 25 triệu tấn dầu quy đổi, bao gồm 15 triệu tấn dầu thô, trong đó có 2 triệu tấn khai thác ở nước ngoài và 10 tỷ m3 khí đốt. Các tập đoàn chủ chốt trong ngành năng lượng đều hoàn thành vượt kế hoạch được giao.

Ngành năng lượng Việt Nam hai mươi năm qua đã phát triển mạnh trong tất cả các khâu thăm dò, khai thác, sản xuất, truyền tải, phân phối và xuất nhập khẩu năng lượng. Điều đó đã góp phần quan trọng vào quá trình phát triển và đổi mới đất nước.

Đến nay, hệ thống năng lượng Việt Nam luôn dựa trên ba trụ cột chính là dầu khí, than đá và điện lực. Thủy điện chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu sản xuất điện Việt Nam. Về hiện trạng tiêu thụ năng lượng, giai đoạn 2000-2009, tổng tiêu thụ năng lượng sơ cấp của Việt Nam tăng trưởng trung bình 6,54%/năm và đạt 57 triệu TOE vào năm 2009. Tiêu thụ than tăng trung bình 12,12%/năm, xăng dầu tăng 8,74%/năm, khí tăng 22,53%/năm, điện tăng 14,33%/năm, đạt 74,23 tỷ kWh năm 2009.

Tuy vậy, quy mô và hiệu quả ngành năng lượng còn thấp, biểu hiện ở chỉ tiêu năng lượng trên đầu người còn thấp xa với trung bình của thế giới, ngược lại, cường độ năng lượng cao hơn gần gấp hai lần trung bình thế giới. Trạng thái an ninh năng lượng Việt Nam chưa được bảo đảm, hiện tượng xa thải phụ tải điện xảy ra thường xuyên vào kỳ cao điểm. Dự trữ dầu quốc gia chưa đủ khả năng bình ổn giá khi xay ra khủng hoảng giá dầu trên thị trường quốc tế.

Theo dự báo, khả năng khai thác và sử dụng các nguồn năng lượng sơ cấp ở Việt Nam đến năm 2050 sẽ có các chỉ số cụ thể như sau: Sản lượng Than đá là từ 95 – 100 triệu tấn/năm (trong đó phần lớn dành cho phát điện); dầu thô khoảng 21 triệu tấn/ năm (chủ yếu dùng để cung cấp cho các nhà máy lọc dầu trong nước); khí đốt khoảng 16,5 tỷ m3/năm (trong đó có khoảng 14 – 15 tỷ m3 dành cho phát điện); thủy điện khoảng 60 tỷ kWh/năm; nguồn năng lượng tái tạo khoảng 3500 – 4000 MW.

“Một trong những ưu tiên của Việt Nam là phát triển nguồn năng lượng tái tạo để dần giảm bớt sự phụ thuộc vào các nguồn phát điện truyền thống, nhằm bảo vệ môi trường”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng phát biểu hồi đầu tháng 5.

 

Công suất phát điện từ các nguồn năng lượng khác nhau. Ảnh: Reuters.

Theo một dự thảo luật cho tháng 6, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ trả cho các dự án điện mặt trời khoảng 6,67 - 10,87 UScent/kWh. “Năng lượng mặt trời rất được quan tâm vì giá bán điện mặt trời đang ở mức cao”, ông Dieter Billen tại công ty tư vấn Roland Berger cho biết.

Dựa trên kết quả dự báo phát triển kinh tế Việt Nam đến năm 2030 của Viện Chiến lược, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các nhà khoa học Viện Khoa học Năng lượng, thuộc Viện KHCNVN đã dự báo nhu cầu năng lượng Việt Nam năm 2020 là 80,9 triệu TOE, năm 2025 là 103,1 triệu TOE và năm 2030 là 131,16 triệu TOE. Trên cơ sở đó, các nhà khoa học đã xây dựng kịch bản phát triển năng lượng Việt Nam giai đoạn 2010 – 2030, với các chỉ tiêu cơ bản như sau:

 

Một số chỉ tiêu cơ bản trong kịch bản phát triển năng lượng Việt Nam đến 2030 Nghiên cứu của các nhà khoa học Viện Khoa học Năng lượng đã chỉ ra rằng Việt Nam sẽ phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt nguồn năng lượng trong tương lai không xa. Chúng ta sẽ trở thành nước nhập khẩu năng lượng trước năm 2020. Nếu không đảm bảo được kế hoạch khai thác các nguồn năng lượng nội địa hợp lý, tình huống phải nhập khẩu năng lượng sẽ xuất hiện vào khoảng năm 2015. Điều đó cho thấy vấn đề năng lượng của Việt Nam sẽ chuyển từ giới hạn trong phạm vi một quốc gia thành một phần của thị trường quốc tế và chịu sự tác động thay đổi của nó.

Việc xem xét phát triển các nguồn năng lượng khác bên cạnh các nguồn năng lượng cơ bản ngày càng trở nên quan trọng trong cơ cấu nguồn năng lượng Việt Nam trong tương lai, đặc biệt là các nguồn năng lượng tái tạo. Theo đánh giá của các nhà khoa học Viện Khoa học năng lượng, trong các nguồn năng lượng tái tạo, trong tương lai, nguồn địa nhiệt có thể khai thác tổng cộng khoảng 340 MW; Năng lượng mặt trời, gió, tổng cộng tiềm năng phát triển cả hai loại hình dự báo có thể đạt tới 800-1000 MW vào năm 2025; Tiềm năng sinh khối được đánh giá vào khoảng 43-46 triệu TOE/năm. Việc phát triển nguồn năng lượng mới này không chỉ giải quyết vấn đề cân bằng cung cầu năng lượng, an ninh năng lượng mà còn góp phần quan trọng giảm phát thải khí nhà kính, chống biến đổi khí hậu toàn cầu.

II, Quy hoạch phát triển ngành điện ở Việt Nam theo quy hoạch điện 7.

 Quy hoạch điện VII giai đoạn 2011-2020

Khái niệm

Quy hoạch nguồn điện là bài toán để trả lời các câu hỏi: Nhà máy điện mới sử

dụng công nghệ sản xuất điện nào và sử dụng loại nhiên liệu hay năng lượng gì?Công suất đặt của nhà máy bao nhiêu là phù hợp? Khi nào nhà máy cần được xây dựng để đảm bảo tiến độ vào vận hành?

Nhiệm vụ

Quy hoạch Hệ thống Điện là một bộ phận quan trọng nhất trong Quy hoạch năng

lượng. Nhiệm vụ của Quy hoạch Hệ thống điện là:

      Dự báo nhu cầu điện năng của Hệ thống cho tương lai có xét đến định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

      Xác định tỉ lệ tối ưu giữa các loại nguồn năng lượng sơ cấp: thủy năng, nhiên liệu hóa thạch (than, dầu, khí tự nhiên), hạt nhân, các loại năng lượng mới và NLTT dùng để chuyển hóa thành điện năng trong từng giai đoạn tương lai.

      Xác định khả năng xây dựng và điều kiện đưa vào hoạt động của các loại nhà máy điện khác nhau trong Hệ thống điện sao cho đạt được hiệu quả tối ưu.

      Xây dựng những nguyên tắc cơ bản về phát triển hệ thống lưới điện truyền tải và phân phối.

Quy hoạch điện VII

 Ngày 21/7/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 1208/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030.  Theo đó, phát triển ngành điện là phải gắn liền với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, bảo đảm cung cấp đủ điện cho nền kinh tế quốc dân và đời sống xã hội.

Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Quy hoạch Điện VII sẽ từng bước hình thành, phát triển thị trường điện cạnh tranh, đa dạng hóa phương thức đầu tư và kinh doanh điện. Nhà nước chỉ giữ độc quyền lưới điện truyền tải để đảm bảo an ninh hệ thống năng lượng quốc gia. Từng bước nâng cao chất lượng điện năng để cung cấp dịch vụ điện năng với chất lượng ngày càng cao. Thực hiện giá bán điện theo kinh tế thị trường nhằm khuyến khích đầu tư phát triển vào ngành điện. Khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.

Mục tiêu cụ thể, cung cấp nhu cầu điện trong nước, sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu tới năm 2015 đạt khoảng 194 – 210 tỷ kWh; năm 2020 đạt khoảng 330  - 362 tỷ kWh và đến năm 2030 đạt khoảng 659 – 834 tỷ kWh. Giảm hệ số đàn hồi điện/GDP từ bình quân 2,0 hiện nay xuống còn bằng 1,5 vào năm 2015 và còn 1,0 vào năm 2020.

Quy hoạch xác định mục tiêu ưu tiên phát triển nguồn năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối,..) cho sản xuất điện. Phát triển nhanh, từng bước tăng tỷ trọng của điện năng từ sản xuất từ nguồn năng lượng này từ mức 3,5% năm 2010, lên 4,5% tổng điện năng sản xuất vào năm 2020 và đạt 6% vào năm 2030.

Đưa tổng công suất nguồn điện gió từ mức không đáng kể hiện nay lên khoảng 1.000 MW vào năm 2020 và khoảng 6.200 MW vào năm 2030. Điện năng sản xuất từ nguồn điện gió chiếm từ 0,7% năm 2020 lên 2,4% vào năm 2030.

Quy hoạch cũng ưu tiên phát triển các nguồn thủy điện, nhất là các dự án lợi ích tổng hợp: chống lũ, cấp nước, sản xuất điện; đưa tổng công suất các nguồn thủy điện từ 9.200 MW hiện nay lên 17.400 MW vào năm 2020. Phát triển các nhà máy nhiệt điện với tỷ lệ thích hợp, phù hợp với khả năng cung cấp và phân bố của các nguồn nhiên liệu.

Theo Quy hoạch, sẽ đưa tổ máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam vào vận hành năm 2020; đến năm 2030 nguồn điện hạt nhân có công suất 10.700 MW, sản xuất khoảng 70,5 tỷ kWh (chiếm 10,1% sản lượng điện sản xuất).

Tiếp tục, đẩy nhanh chương trình điện khí hóa nông thôn, miền núi đảm bảo đến năm 2020 hầu hết các hộ dân nông thôn có điện. Trong đó, quy hoạch nêu rõ đầu tư mới bằng lưới điện quốc gia hoặc nguồn điện tại chỗ (thủy điện nhỏ, cực nhỏ; pin mặt trời, gió kết hợp với nguồn diezen) để cấp điện cho khu vực nông thôn. Mục tiêu đến năm 2015 có 100% số xã và 98,6% số hộ nông thôn có điện.

Để thực hiện mục tiêu đó, giai đoạn 2011 - 2015, đầu tư mở rộng lưới điện quốc gia cung cấp cho 500.000 hộ dân nông thôn; cấp điện từ nguồn năng lượng tái tạo cho khoảng 377.000 hộ dân nông thôn. Giai đoạn 2016 - 2020, đầu tư cấp điện mới từ lưới quốc gia cho 200.000 hộ dân nông thôn; cấp điện từ nguồn năng lượng tái tạo cho khoảng 231.000 hộ dân nông thôn.

Theo quy hoạch Điện VII, để phát triển điện đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia (từ nay đến năm 2030), Việt Nam tổng vốn đầu tư khoảng 2.400 nghìn tỷ đồng (tương đương 124 tỷ USD). Như vậy mỗi năm cần trên 4,8 tỷ USD để phát triển nguồn và lưới điện.

Ngày 18/3/2016 Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 428/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến 2030. Theo đó việc định hướng phát triển đồng bộ nguồn và lưới điện trên cơ sở các nguồn lực và nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội; thực hiện đầu tư cân đối giữa phát triển nguồn điện và nhu cầu điện giữa các vùng, miền trên cơ sở sử dụng hợp lý, có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng sơ cấp của mỗi vùng, miền. Bên cạnh đó cũng chú ý đến việc sử dụng có hiệu quả nguồn năng lượng sơ cấp trong nước, kết hợp với nhập khẩu điện, nhập khẩu nhiên liệu hợp lý nhằm đa dạng hóa các nguồn năng lượng sơ cấp cho sản xuất điện. Ưu tiên phát triển nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo, tạo đột phá trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, góp phần bảo tồn tài nguyên năng lượng, giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường trong sản xuất điện.

Theo đó mục tiêu cụ thể là cung cấp đủ nhu cầu điện trong nước, đáp ứng cho Mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả nước với mức tăng trưởng GDP bình quân Khoảng 7,0%/năm trong giai đoạn 2016 – 2030.Điện thương phẩm: Năm 2020 Khoảng 235 - 245 tỷ kWh; năm 2025 Khoảng 352 - 379 tỷ kWh; năm 2030 Khoảng 506 - 559 tỷ kWh.Điện sản xuất và nhập khẩu: Năm 2020 Khoảng 265 - 278 tỷ kWh; năm 2025 Khoảng 400 - 431 tỷ kWh và năm 2030 Khoảng 572 - 632 tỷ kWh.

Theo quy hoạch thì sẽ đẩy nhanh phát triển nguồn điện từ năng lượng tái tạo (thủy điện, điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối v.v...), từng bước gia tăng tỷ trọng của điện năng sản xuất từ nguồn năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn điện.

Ưu tiên phát triển các nguồn thủy điện, nhất là các dự án lợi ích tổng hợp (chống lũ, cấp nước, sản xuất điện); nghiên cứu đưa nhà máy thủy điện tích năng vào vận hành phù hợp với phát triển của hệ thống điện quốc gia nhằm nâng cao hiệu quả vận hành của hệ thống điện. Tổng công suất các nguồn thủy điện (bao gồm cả thủy điện vừa và nhỏ, thủy điện tích năng) từ gần 17.000 MW hiện nay lên khoảng 21.600 MW vào năm 2020, khoảng 24.600 MW vào năm 2025 (thủy điện tích năng 1.200 MW) và khoảng 27.800 MW vào năm 2030 (thủy điện tích năng 2.400 MW). Điện năng sản xuất từ nguồn thủy điện chiếm tỷ trọng Khoảng 29,5% vào năm 2020, Khoảng 20,5% vào năm 2025 và Khoảng 15,5% vào năm 2030.

Đưa tổng công suất nguồn điện gió từ mức 140 MW hiện nay lên Khoảng 800 MW vào năm 2020, Khoảng 2.000 MW vào năm 2025 và Khoảng 6.000 MW vào năm 2030. Điện năng sản xuất từ nguồn điện gió chiếm tỷ trọng Khoảng 0,8% vào năm 2020, Khoảng 1% vào năm 2025 và Khoảng 2,1% vào năm 2030.

Phát triển điện sử dụng nguồn năng lượng sinh khối: Đồng phát điện tại các nhà máy đường, nhà máy chế biến lương thực, thực phẩm; thực hiện đồng đốt nhiên liệu sinh khối với than tại các nhà máy điện than; phát điện từ chất thải rắn v.v... Tỷ trọng điện năng sản xuất từ nguồn năng lượng sinh khối đạt Khoảng 1% vào năm 2020, Khoảng 1,2% vào năm 2025 và Khoảng 2,1% vào năm 2030.

Đẩy nhanh phát triển nguồn điện sử dụng năng lượng mặt trời, bao gồm cả nguồn tập trung lắp đặt trên mặt đất và nguồn phân tán lắp đặt trên mái nhà: Đưa tổng công suất nguồn điện mặt trời từ mức không đáng kể hiện nay lên Khoảng 850 MW vào năm 2020, Khoảng 4.000 MW vào năm 2025 và Khoảng 12.000 MW vào năm 2030. Điện năng sản xuất từ nguồn điện mặt trời chiếm tỷ trọng Khoảng 0,5% năm 2020, Khoảng 1,6% vào năm 2025 và Khoảng 3,3% vào năm 2030.

Nhiệt điện sử dụng khí thiên nhiên và khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG): Đến năm 2020, tổng công suất Khoảng 9.000 MW, sản xuất Khoảng 44 tỷ kWh điện, chiếm 16,6% sản lượng điện sản xuất; năm 2025, tổng công suất Khoảng 15.000 MW, sản xuất Khoảng 76 tỷ kWh điện, chiếm 19% sản lượng điện sản xuất; năm 2030, tổng công suất Khoảng 19.000 MW, sản xuất Khoảng 96 tỷ kWh điện, chiếm 16,8% sản lượng điện sản xuất.

Khu vực Đông Nam bộ: Bảo đảm nguồn khí ổn định cung cấp cho các nhà máy điện tại: Phú Mỹ, Bà Rịa và Nhơn Trạch.

Khu vực miền Tây Nam Bộ: Khẩn trương đưa khí từ Lô B vào bờ từ năm 2020 để cung cấp cho các nhà máy điện tại các trung tâm điện lực: Kiên Giang và Ô Môn với tổng công suất Khoảng 4.500 MW.

Khu vực miền Trung: Dự kiến sau năm 2020 sẽ phát triển các nhà máy điện với tổng công suất Khoảng 3.000 MW - 4.000 MW, tiêu thụ Khoảng 3,0 đến 4,0 tỷ m3 khí/năm.

Phát triển hệ thống kho, cảng nhập khẩu LNG tại Sơn Mỹ (Bình Thuận) để bổ sung khí cho các trung tâm điện lực: Phú Mỹ, Nhơn Trạch khi nguồn khí thiên nhiên tại khu vực miền Đông suy giảm; nghiên cứu phương án cung cấp khí bổ sung cho các trung tâm điện lực: Cà Mau, Ô Môn qua đường ống khí liên kết các hệ thống khí khu vực miền Đông và miền Tây Nam bộ.

Nhiệt điện than: Khai thác tối đa nguồn than trong nước cho phát triển các nhà máy nhiệt điện, ưu tiên sử dụng than trong nước cho các nhà máy nhiệt điện khu vực miền Bắc. Đến năm 2020, tổng công suất Khoảng 26.000 MW, sản xuất Khoảng 131 tỷ kWh điện, chiếm Khoảng 49,3% điện sản xuất, tiêu thụ Khoảng 63 triệu tấn than; năm 2025, tổng công suất Khoảng 47.600 MW, sản xuất Khoảng 220 tỷ kWh điện, chiếm Khoảng 55% điện sản xuất, tiêu thụ Khoảng 95 triệu tấn than; năm 2030, tổng công suất Khoảng 55.300 MW, sản xuất Khoảng 304 tỷ kWh, chiếm Khoảng 53,2% điện sản xuất, tiêu thụ Khoảng 129 triệu tấn than. Do nguồn than sản xuất trong nước hạn chế, cần xây dựng một số nhà máy nhiệt điện tại các trung tâm điện lực: Duyên Hải, Long Phú, Sông Hậu, Long An v.v... sử dụng nguồn than nhập khẩu.

Phát triển các nhà máy điện hạt nhân nhằm bảo đảm ổn định cung cấp điện trong tương lai khi nguồn năng lượng sơ cấp trong nước bị cạn kiệt: Đưa tổ máy điện hạt nhân đầu tiên vào vận hành năm 2028; đến năm 2030 nguồn điện hạt nhân có công suất 4.600 MW, sản xuất Khoảng 32,5 tỷ kWh chiếm 5,7% sản lượng điện sản xuất.

Xuất, nhập khẩu điện: Thực hiện trao đổi điện năng có hiệu quả với các nước trong khu vực, bảo đảm lợi ích của các bên, tăng cường trao đổi để đảm bảo an toàn hệ thống điện, đẩy mạnh nhập khẩu tại các vùng có tiềm năng về thủy điện, trước hết là với các quốc gia khu vực Đông Nam Á (ASEAN) và Tiểu vùng sông Mê Kông (GMS).

Cơ cấu nguồn điện:

Năm 2020:

Tổng công suất các nhà máy điện Khoảng 60.000 MW, trong đó: Thủy điện lớn, vừa và thủy điện tích năng Khoảng 30,1%; nhiệt điện than Khoảng 42,7%; nhiệt điện khí (kể cả LNG) 14,9%; nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo (gồm: thủy điện nhỏ, điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối) 9,9%; nhập khẩu điện 2,4%.

Điện năng sản xuất và nhập khẩu Khoảng 265 tỷ kWh, trong đó: Thủy điện lớn, vừa và thủy điện tích năng Khoảng 25,2%; nhiệt điện than Khoảng 49,3%; nhiệt điện khí (kể cả LNG) 16,6%; nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo (gồm: thủy điện nhỏ, điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối) 6,5%; nhập khẩu điện 2,4%.

Năm 2025:

Tổng công suất các nhà máy điện Khoảng 96.500 MW, trong đó: Thủy điện lớn, vừa và thủy điện tích năng Khoảng 21,1%; nhiệt điện than Khoảng 49,3%; nhiệt điện khí (kể cả LNG) 15,6%; nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo) (gồm: thủy điện nhỏ, điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối) 12,5%; nhập khẩu điện 1,5%.

Điện năng sản xuất và nhập khẩu Khoảng 400 tỷ kWh, trong đó: Thủy điện lớn, vừa và thủy điện tích năng Khoảng 17,4%; nhiệt điện than Khoảng 55%; nhiệt điện khí (kể cả LNG) 19,1%; nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo (gồm: thủy điện nhỏ, điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối) 6,9%; nhập khẩu điện 1,6%.

Năm 2030:

Tổng công suất các nhà máy điện Khoảng 129.500 MW, trong đó: Thủy điện lớn, vừa và thủy điện tích năng Khoảng 16,9%; nhiệt điện than Khoảng 42,6%; nhiệt điện khí (kể cả LNG) 14,7%; nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo (gồm: thủy điện nhỏ, điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối) 21%; điện hạt nhân 3,6%; nhập khẩu điện 1,2%.

Điện năng sản xuất và nhập khẩu Khoảng 572 tỷ kWh, trong đó: Thủy điện lớn, vừa và thủy điện tích năng Khoảng 12,4%; nhiệt điện than Khoảng 53,2%; nhiệt điện khí (kể cả LNG) 16,8%; nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo (gồm: thủy điện nhỏ, điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối) 10,7%; điện hạt nhân 5,7%; nhập khẩu điện 1,2%.

Tổng vốn đầu tư của phát triển nguồn và lưới điện (không tính các nguồn điện được đầu tư theo hình thức Hợp đồng BOT) giai đoạn 2016 - 2030 Khoảng 3.206.652 tỷ đồng (tương đương 148 tỷ USD bao gồm: giai đoạn 2016 - 2020: Khoảng 858.660 tỷ đồng (tương đương gần 40 tỷ USD, trung bình 7,9 tỷ USD/năm). Trong đó 75% cho đầu tư phát triển nguồn điện; 25% cho đầu tư phát triển lưới điện; giai đoạn 2021 - 2030: Khoảng 2.347.989 tỷ đồng (tương đương 108 tỷ USD, trung bình hơn 10,8 tỷ USD/năm). Trong đó 74% cho đầu tư phát triển nguồn điện; 26% cho đầu tư phát triển lưới điện.

Tình hình thực hiện theo quy hoạch điện VII

Báo cáo mới đây của Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực cho thấy, theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, tổng công suất các nguồn điện dự kiến đưa vào vận hành trong giai đoạn 2016-2020 trên toàn hệ thống là 21.650 MW; trong đó, các nguồn điện do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đầu tư là 7.185 MW, chiếm 33,2%; các nguồn điện do các doanh nghiệp khác đầu tư là 14.465 MW, chiếm 66,8%.

Như vậy trong giai đoạn 2016-2030, EVN được giao đầu tư 24 dự án (bao gồm cả dự án thủy điện tích năng Bác Ái) với tổng công suất là 15.215 MW; trong đó giai đoạn 2016-2020 cần hoàn thành 14 dự án với tổng công suất 7.185 MW.

Trong tổng số 24 dự án này, có 9 dự án đã phát điện và 15 dự án đang ở bước đầu tư xây dựng hoặc chuẩn bị đầu tư. Dự kiến có 6 dự án phát điện đúng tiến độ và 9 dự án chậm tiến độ.

Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực cho biết, trong năm 2019, EVN đã hoàn thành xây dựng 2 nhà máy, bao gồm phát điện thương mại dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân IV mở rộng (công suất 600 MW). Đồng thời, đã hòa lưới phát điện Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 3 mở rộng (660 MW), dự kiến cấp chứng chỉ nghiệm thu tạm thời (PAC) vào cuối tháng 3/2020.

Đối với 2 dự án đang thi công xây dựng, tổng tiến độ dự án Thủy điện Thượng Kon Tum (220 MW) đến nay đạt trên 96%, phấn đấu phát điện 2 tổ máy trong Quý 2/2020. Dự án Thủy điện Đa Nhim mở rộng (80 MW) do thi công đào hầm dẫn nước gặp phải đoạn địa chất xấu, cần phải xử lý gia cố (khoảng 17 mét dài).

Hiện nay công tác đào hầm bằng khoan nổ và lắp đặt thiết bị cơ bản đáp ứng tiến độ đề ra. Đường găng chính phục vụ tích nước hồ chứa là đào thông hầm và tiến hành gia cố hầm khu vực địa chất yếu theo thiết kế. Dự kiến dự án sẽ hoàn thành vào tháng 7/2021 và phát điện vào quý 3/2021.

Đối với 11 dự án đang ở bước chuẩn bị đầu tư xây dựng và thiết kế, Ban chỉ đạo cho biết, dự án Nhiệt điện Quảng Trạch I (2.400 MW), sau khi Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp có văn bản ủy quyền Hội đồng Thành viên EVN phê duyệt điều chỉnh Dự án đầu tư xây dựng công trình này, EVN đã phê duyệt điều chỉnh thiết kế cơ sở dự án.

Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 7535/VPCP-CN; trong đó giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét hướng dẫn đối với các khoản vay vượt hạn mức của EVN để đẩy nhanh tiến độ dự án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.

Hiện EVN đang tiếp tục rà soát cập nhật, hoàn thiện hồ sơ mời thầu gói thầu EPC theo nội dung hồ sơ thiết kế cơ sở điều chỉnh được duyệt. Phấn đấu khởi công dự án cuối năm 2020 và phát điện trong năm 2024. Tiến độ theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh là phát điện trong giai đoạn 2021-2022.

Về dự án Nhiệt điện Quảng Trạch II (2.400 MW), Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 6892/VPCP-CN ngày 07/8/2019 đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp cùng bộ, ngành liên quan thẩm định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay, dự án này đã có ý kiến thẩm định của 9/10 bộ ngành liên quan, còn lại Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình đang xem xét trả lời. Ban quản lý khu Kinh tế Quảng Bình đang tổng hợp ý kiến thẩm định để báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, dự án đưa vào vận hành trong giai đoạn 2028-2029.

Hiện EVN đã trình Thủ tướng Chính phủ thông qua Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (PreFS) dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn III để báo cáo Quốc hội xem xét quyết định chủ trương đầu tư Dự án sử dụng vốn vay ODA với công suất 1.050 MW+10% và hoàn thành phát điện năm 2025 (chậm 5 năm so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh). Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã trình Thủ tướng Chính phủ xin phê duyệt chủ trương đầu tư.

Thủ tướng Chính phủ cũng có Quyết định số 1015/QĐ-TTg về việc thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước Dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn III. Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang chủ trì xem xét thẩm định.

Do vậy, theo đánh giá của Ban Chỉ đạo, tiến độ dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn III phụ thuộc vào ý kiến các bộ, ngành và Quốc hội nếu sử dụng nguồn vốn vay ODA. Dự kiến tiến độ phát điện sẽ lùi đến năm 2025, chậm 5 năm so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh.

Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cũng giao Hội đồng thành viên EVN quyết định đầu tư dự án nhiệt điện Ô Môn IV (1.050 MW). Hiện EVN đã phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) Dự án và đang xem xét phê duyệt Kế hoạch lựa chọn nhà thầu để triển khai các bước tiếp theo. Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, tiến độ dự án vận hành năm 2021.

Cũng theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, tiến độ vận hành dự án Nhiệt điện Dung Quất I sẽ vào năm 2023; Nhiệt điện Dung Quất III năm 2026. Hiện Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư 2 dự án này, EVN đang triển khai lập FS dự án.

Đối với dự án Thủy điện Hòa Bình mở rộng (480 MW), theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, tiến độ vận hành dự án trong giai đoạn 2021-2022. Dự kiến, EVN sẽ khởi công công trình chính trong quý 4/2020 và phát điện 2 tổ máy trong năm 2024.

Với các dự án thủy điện mở rộng khác như Thủy điện Ialy mở rộng (360 MW), theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, tiến độ vận hành trong năm 2020. Tuy nhiên dự án đang triển khai lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật để dự kiến khởi công quý 2/2021 và phát điện 2 tổ máy năm 2024. Còn Thủy điện Trị An mở rộng (200 MW), theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, tiến độ vận hành dự án trong năm 2025.

Từ năm 2018, EVN đã trình Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai phê duyệt PreFS dự án. Ban cán sự Đảng tỉnh Đồng Nai đã trình Thường vụ Tỉnh ủy xin ý kiến về Chủ trương đầu tư của dự án.

Ngày 29/11/2019, Thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về phát triển điện lực có văn bản số 9105/BCĐQGĐL-VP gửi Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai báo cáo quá trình triển khai các thủ tục và xem xét phê duyệt Chủ trương đầu tư của dự án, nhưng đến nay tỉnh vẫn chưa phản hồi.

Về Dự án Thủy điện tích năng Bác Ái, theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, tiến độ vận hành dự án này sẽ đưa vào trong giai đoạn 2023-2025. Ban Chỉ đạo cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã giao EVN tiếp tục triển khai đầu tư dự án. Hiện cụm công trình cửa xả sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng trong tháng 4/2021, đồng bộ với tiến độ tích nước hồ Sông Cái-hồ Tân Mỹ. Toàn bộ các hạng mục công trình còn lại đang triển khai khảo sát, lập thiết kế kỹ thuật-dự toán.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực, các dự án nguồn điện đang được thực hiện theo 3 hình thức đầu tư, gồm: các dự án do các tập đoàn nhà nước EVN, Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn: Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) là chủ đầu tư; các dự án đầu tư theo hình thức Xây dựng-Kinh doanh-Chuyển giao (BOT); các dự án đầu tư theo hình thức dự án điện độc lập (IPP). Tổng hợp tình hình tiến độ thực hiện 62 dự án trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh có công suất lớn trên 200 MW thì 15 dự án đạt tiến độ, còn lại 47 dự án chậm tiến độ hoặc chưa xác định tiến độ so với tiến độ nêu trong quy hoạch.

Cụ thể, PVN được giao làm chủ đầu tư 8 dự án trọng điểm nguồn điện với tổng công suất 11.400 MW. Trong đó giai đoạn 2016-2020 có 3 dự án và giai đoạn 2021-2025 có 5 dự án.

Đến nay, cả 8 dự án đều gặp khó khăn, vướng mắc và không thể hoàn thành theo tiến độ trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh.

TKV thực hiện 4 dự án với tổng công suất 2.950 MW. Trong đó giai đoạn 2016-2020 có 2 dự án và giai đoạn 2021-2030 có 2 dự án. Hiện nay cả 4 dự án đều chậm tiến độ từ 2 năm trở lên.

Đến thời điểm hiện nay, ngoài 19 dự án nhà máy nhiệt điện đầu tư theo hình thức BOT với tổng công suất gần 27.000 MW, còn có 7 dự án có công suất trên 100 MW được đầu tư xây dựng theo hình thức IPP với tổng công suất gần 2.000MW.

III. So sánh sự chuyển dịch cơ cấu tiêu thụ điện sang nguồn NLTT

          Mục tiêu của bài toán quy hoạch nguồn điện đây là nhằm xác định cơ cấu công suất và cơ cấu điện sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo (thủy điện nhỏ, gió, mặt trời, sinh khối, địa nhiệt) trong tổng thể các nguồn được đưa vào vận hành trong Hệ thống điện Việt Nam giai đoạn 2015-2030 sao cho tổng chi phí hệ thống đạt được là nhỏ nhất thực hiện bằng mô hình LEAP.

Trong đó có 3 chỉ tiêu quan trọng là: công suất điện năng, lượng phát thải CO2 và chi phí hệ thống.

Mô hình LEAP là gì?

          LEAP (Long-range Energy Alternatives Planning system) được xây dựng từ năm 1980 là mô hình được sử dụng cho việc lập kế hoạch năng lượng tổng thể dài hạn. LEAP có thể được sử dụng để tạo ra các mô hình của các hệ thống năng lượng khác nhau, trong 46 đó mỗi mô hình yêu cầu một cấu trúc dữ liệu riêng. Mô hình có phạm vi áp dụng rất rộng rãi, với nhiều tính năng như: phân tích chính sách năng lượng, chính sách môi trường, dự báo năng lượng, so sánh kịch bản phát triển và tính toán kịch bản tối ưu trong modul phát điện, nghiên cứu cân bằng cung cầu trong ngành năng luợng có xem xét đến vấn đề môi trường. LEAP cung cấp một bộ số liệu tổng thể của hệ thống năng lượng. Tài trợ chính cho phát triển mô hình là các tổ chức: Swedish SIDA, German GTZ, Netherland (DGIS) và US-AID. Tóm tắt các đặc tính của LEAP khi tính toán tối ưu nguồn điện

Các loại kịch bản:

a)       Kịch bản tự do cạnh tranh (BAU): là kịch bản cơ sở được tính toán tối ưu trên LEAP cho các nguồn điện hiện có và các nguồn có khả năng vào vận hành đến năm 2030 cạnh tranh tự do dựa trên số liệu đầu vào từ Quy hoạch điện VII

b)       Kịch bản tỉ lệ điện từ năng lượng tái tạo theo Quy hoạch (PDP): là kịch bản BAU (tính toán tối ưu trên LEAP) với dữ liệu cho các nguồn điện hiện có và các nguồn có khả năng vào vận hành đến năm 2030, tỷ lệ điện năng sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo đạt như tính toán trong Quy hoạch điện VII, không giới hạn lượng phát thải CO2.

c)       Kịch bản giới hạn lượng phát thải CO2 (LOWC): là kịch bản tính tối ưu trên LEAP khi có ràng buộc giới hạn giảm lượng phát thải CO2 so với kịch bản phát triển bình thường BAU theo cam kết trong Thỏa thuận Paris Việt Nam đã kí kết

d)       Kịch bản xu thế phát triển nguồn điện từ năng lượng tái tạo (TREND): là kịch bản tính tối ưu trên LEAP khi giới hạn tổng lượng phát thải CO2 trong giai đoạn 2015-2030 so với kịch bản phát triển bình thường BAU thấp hơn so với kịch bản LOWC hay dự báo chi phí đầu tư cho điện từ NLTT giảm nhiều hơn so với các kịch bản BAU, PDP hay LOWC, theo xu thế phát triển công nghệ đạt được hiện nay. Nhóm này được nghiên cứu trong hai trường hợp:

       Trường hợp 1 (TREND1): giảm lượng phát thải CO2 trong giai đoạn 2015 – 2030 so với kịch bản phát triển bình thường BAU ở mức cao hơn kịch bản LOWC như đã đề ra trong Chiến lược Tăng trưởng xanh, Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam và mức giảm cao nhất trong Thỏa thuận Paris khi có sự hỗ trợ của quốc tế

       Trường hợp 2 (TREND2): gia tăng tỉ lệ điện từ NLTT khi giảm suất chi phí đầu tư cho điện gió và điện mặt trời hơn nữa theo tốc độ giảm trung bình trên thế giới hàng năm (đến năm 2025), áp dụng cho Việt Nam tính đến năm 2030. Đây là mức chi phí đầu tư hoàn toàn có thể cạnh tranh được với năng lượng truyền thống theo xu thế phát triển công nghệ điện mặt trời đạt được hiện nay.

=> Sau khi tính toán các kịch bản, dưới đây là mô tả tổng hợp về cơ cấu công suất, cơ cấu điện năng nguồn điện từ NLTT, phát thải CO2 và chi phí hệ thống các kịch bản để có cái nhìn tổng quát hơn về các kịch bản này tương ứng với các điều kiện phát triển điện lực Việt Nam đến năm 2030.

Bảng cơ cấu công suất và điện năng từ nguồn NLTT, phát thải CO2, chi phí hệ thống các kịch bản.

Mục tiêu đặt ra trong kịch bản BAU, PDP và kịch bản LOWC chưa thật sự phù hợp trong điều kiện hiện nay, cần phải xét đến kịch bản phát triển gia tăng hơn nữa mức đóng góp của nguồn điện từ NLTT để nhằm đáp ứng mục tiêu giảm phát thải và khai thác tối đa tiềm năng nguồn NLTT ở nước ta. Đó chính là các kịch bản trong nhóm xu thế TREND (kịch bản TREND1 và TREND2). Bảng dưới đây sẽ cho ta thấy được mức độ phù hợp về kết quả tính toán của 2 kịch bản này với mục tiêu đặt ra trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh.

So sánh cơ cấu nguồn điện từ NLTT với Quy hoạch điện VII điều chỉnh

 

          Với kịch bản TREND1 và TREND2, mục tiêu về giảm phát thải khí CO2 đã đạt được là giảm 25% -28% so với kịch bản phát triển thông thường trong giai đoạn 2015-2030 và tỉ lệ nguồn điện từ NLTT đã gia tăng đáng kể. Kết quả tính toán từ kịch bản này cũng gần tương đồng với kết quả trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh như bảng so sánh ở trên. Qua số liệu trên cho thấy, kết quả tính toán của nghiên cứu theo kịch bản TREND trong hai trường hợp về quy mô và cơ cấu nguồn điện từ NLTT, cơ cấu nguồn điện gió, điện mặt trời tương đối phù hợp với kết quả trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh.

          Cơ cấu nguồn điện từ NLTT trong nhóm xu thế TREND này cũng phù hợp với xu thế phát triển cho nguồn điện từ NLTT trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh mới được phê duyệt. Để đạt được cơ cấu này đòi hỏi phải có chính sách phát triển và sự tham gia phối hợp đồng bộ của nhiều đơn vị và cá nhân cùng thực hiện. Đồng thời, phải có lộ trình, cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể của Chính phủ như: gia tăng thêm mức trợ giá cho giá bán điện sản xuất từ NLTT, cơ chế hạn ngạch bắt buộc các đơn vị sử dụng nhiên liệu hóa thạch phải cắt giảm lượng khí thải, chính sách hỗ trợ phát triển và sử dụng NLTT như ưu đãi về tín dụng, thuế, đất đai, khoa học công nghệ …. Phát triển thị trường trao đổi tín chỉ cácbon trong nước và tham gia thị trường các-bon toàn cầu. Và đặc biệt là chính sách để thu hút, hấp dẫn các nhà đầu tư, các nhà tài trợ trong nước và quốc tế, chủ động xây dựng và thực hiện các chương trình, đề tài, dự án hợp tác quốc tế để tranh thủ tối đa sự giúp đỡ về kinh nghiệm, trí tuệ, sự tài trợ về vốn, trang thiết bị và thu hút đầu tư nhằm phát triển sản xuất và sử dụng NLTT.

KẾT LUẬN

          Sử dụng nguồn NLTT có thể thay thế cho nguồn năng lượng hóa thạch hiện đang dần cạn kiệt và góp phần giảm phát thải khí nhà kính, giảm tác động của biến đổi khí hậu và ổn định, đảm bảo an ninh năng lượng cho quốc gia, đồng thời góp phần thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và Cam kết của Việt Nam trong Hội nghị Thượng đỉnh Liên Hợp quốc về Biến đổi khí hậu (Thỏa thuận Paris tại COP21)

          Mặc dù Việt Nam đã có nhiều nỗ lực thúc đẩy phát triển nguồn điện từ NLTT và điều này đã được quan tâm trong các Quy hoạch, chiến lược phát triển gần đây, đặc biệt là Quy hoạch điện VII nhưng cơ cấu nguồn điện từ NLTT ở đây vẫn chưa được cụ thể và chưa tương xứng với tiềm năng nguồn NLTT dồi dào ở nước ta đồng thời chưa đáp ứng được mục tiêu đề ra về phát triển nguồn điện từ NLTT trong Chiến lược phát triển NLTT của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tổng số lượt xem trang